Cải thiện môi trường kinh doanh: Nỗ lực của ngành Ngân hàng

10:00 | 11/05/2019

239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, NHNN cho biết: Trong năm 2018, đã có trên 420 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc, giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số khách hàng khác.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Nỗ lực của ngành Ngân hàng
Phòng giao dịch của Vietinbank

Tại thành phố Đà Nẵng, các TCTD trên địa bàn thành phố đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, trong năm 2018, các TCTD tại Đà Nẵng đã cam kết cho vay mới gần 6.965 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện giải ngân gần 4.682 tỷ đồng cho 1.249 doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho 6 doanh nghiệp với tổng số nợ được hỗ trợ là trên 533 tỷ đồng.

Kết quả triển khai các chương trình, chính sách tín dụng và chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 26,59%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 41.433 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,86%.

Nêu ra các nhóm giải pháp mà chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tại Đà Nẵng đang triển khai, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng nhấn mạnh: các giải pháp đồng bộ này nhằm hỗ trợ cho chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp có hiệu quả và đi vào chiều sâu, đồng thời có sức lan tỏa lớn. Cụ thể là: Thứ nhất, nỗ lực xây dựng một nguồn lực vững mạnh để hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, thậm chí, hỗ trợ ngay trong lúc doanh nghiệp đang rất khó khăn. Ông Phúc cho biết, hiện nay, với tổng nguồn vốn 21 nghìn tỷ và dư nợ 17 nghìn tỉ, tổng tài sản khoảng 40 nghìn tỷ, Agribank có thị phần lớn nhất trên địa bàn Đà Nẵng và hoàn toàn tự tin có thể hỗ trợ doanh nghiệp được.

“Thứ hai, tạo điều kiện tối đa cho các DN tiếp cận vốn qua việc đổi mới, cải cách các thủ tục hành chính và phong cách giao dịch với khách hàng. Thứ ba, về vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm là lãi suất, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, thì với các lĩnh vực ưu tiên, chúng tôi vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN. Còn những lĩnh vực khác thì phải có một mức lãi suất ổn định và hợp lý, biên độ hiện nay chúng tôi áp dụng chỉ từ 2.5-2.7%. Có như vậy, doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng mới có thể tính toán và dự phòng rủi ro được”, ông Phúc cho hay.

Ngoài ra, bên cạnh việc cho vay, đầu tư…, theo ông Phúc, trong bối cảnh công nghệ 4.0, Agribank Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ số, internet để kết nối, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, đặc biệt là kết nối dịch vụ công với sản phẩm dịch vụ ngân hàng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thủ tục giao dịch, luân chuyển tiền hàng, nộp thuế, giao dịch với hải quan…, thậm chí là mở tài khoản, hiện nay là mở tài khoản trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Sở kế hoạch đầu tư.

Chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo ngành Ngân hàng và đại diện các ngân hàng trên địa bàn, các doanh nghiệp bày tỏ sự hiệu quả của chương trình đã giúp họ có thêm nguồn vốn, đầu tư hiệu quả vào công việc sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, NHNN và Chính phủ đã điều tiết được mức lãi suất bình ổn. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho các DNNVV phát triển kinh doanh. Hơn nữa, ngành Ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các NHTM, các gói lãi suất ưu đãi và từ quỹ phát triển đầu tư thành phố… Tôi thấy rất thuận lợi”. Ông Bình cũng đề xuất: để cho các DNNVV và NHTM kết nối tốt hơn nữa, vào các dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, khi các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao, ông hy vọng các NHTM sẽ có kế hoạch về nguồn vốn để hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào thời điểm này.

Ông Bình mong muốn có một đơn vị đứng ra làm công tác đánh giá chất lượng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để Ngân hàng sử dụng chỉ số tín nhiệm này làm công cụ hỗ trợ cho mình, giống như xu hướng hiện nay đang phổ biến trên thế giới.

Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: vị trí đặc biệt quan trọng này đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã xác định: “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Với tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Nhận thức được vị trí và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Phó Thống đốc cho biết: Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành đã xây dựng các Chương trình hành động, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là: Điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; Xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác; Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật các TCTD; Triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ…; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV.

Trên thực tế, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp, ngành ngân hàng đã tổ chức hàng ngàn buổi gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, để cùng các Sở, ngành, chính quyền các cấp tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đã khẳng định được hiệu quả trên khắp cả nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã và đang rót mạnh vào sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của đất nước.

Minh Anh

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế
Cải thiện môi trường kinh doanh: Hà Nội tăng tỷ lệ trực tuyến mức độ 4
Niềm tin của doanh nghiệp FDI với Việt Nam là gì?
Cải thiện môi trường kinh doanh: Giảm về số lượng thì vô nghĩa!
3 đột phá giúp tăng trưởng nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam
Nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài