Cải lương đang hồi sinh?

06:30 | 10/11/2015

3,379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ thuật cải lương đang dần xuất hiện trở lại ngày càng nhiều trên sân khấu của các chương trình truyền hình, những gameshow vốn dành cho khán giả trẻ. 

Cách đây ít hôm, đêm chung kết chương trình Cùng nhau tỏa sáng đã diễn ra và đội Tam sắc gồm NSƯT Tú Sương, diễn viên Thụy Mười và ca sĩ Quốc Đại xuất sắc trở thành Quán quân của cuộc thi.

Tiết mục mà Tam sắc trình diễn trong đêm chung kết này là một trích đoạn cải lương nổi tiếng Xử án Thượng Dương. Trích đoạn nằm trong vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa, nói về cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài dưới thời Lý Nhân Tông.

cai luong dang hoi sinh
Tiết mục của đội Tam sắc

Hẳn nhiên, tiết mục của đội Tam sắc là tiết mục hay nhất trong đêm thi, nhưng ngoài ra, đó còn là một tiết mục đặc biệt. Bởi nó cho thấy rằng, tình yêu với nghệ thuật cải lương của nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ vẫn tồn tại, trong thời đại mà vô số các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại khác đang chiếm lĩnh.

Có mặt trực tiếp ở sân khấu đêm chung kết Cùng nhau tỏa sáng hôm đó mới thấy sự cuồng nhiệt của khán giả với cải lương là như thế nào. Nhất là sau những câu vọng cổ rất mùi, toàn bộ khán giả cũng như giám khảo đứng dậy hò reo, vỗ tay nồng nhiệt. Có người bảo xem nghệ sĩ diễn mà sởn da gà, người thì gật đầu liên tục để tỏ ý đặc biệt hài lòng.

Những tiết mục có dàn diễn viên trẻ đẹp, với những ‘chiêu trò’ trên sân khấu cũng không nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả bằng tiết mục cải lương của Tam sắc trong đêm thi hôm đó.

cai luong dang hoi sinh
Tam sắc đăng quang Cùng nhau tỏa sáng

Tất nhiên, tiết mục Xử án Thượng Dương được dàn dựng công phu, được trình diễn bởi những nghệ sĩ có tầm và nội dung dễ làm nức lòng người hâm mộ lúc này… Nhưng sự ủng hộ đó của khán giả cũng đã nói lên tình yêu của người trẻ với nghệ thuật cải lương và sức sống của nền nghệ thuật này ở hiện tại.

Sau năm 1975, các đoàn hát lừng lẫy một thời lần lượt giải thể. Các nghệ sĩ cải lương người thì rơi vào cảnh khuynh gia bại sản, sống vất vơ, người thì nhanh chóng chuyển sang nghề khác, như đóng kịch, đóng phim… Những trích đoạn cải lương cũng hiếm khi xuất hiện, dần dần nó trở thành một bộ môn nghệ thuật chỉ còn trong ký ức của nhiều người từng mến mộ và càng xa lạ hơn với người trẻ...

Cải lương xem như đã ‘chết’ từ đó!

Thời gian gần đây, các trích đoạn thi thoảng mới được phục dựng trên sân khấu của các chương trình, gameshow. Mục tiêu của nó không nằm ngoài việc tạo nên một điểm nhấn, một chút gia vị đặc biệt cho chương trình. Có người còn nói, cải lương là phương án cứu rỗi cho chương trình, cho nghệ sĩ khi khán giả đã ngán ngẫm với trai xinh, gái đẹp và những chiêu trò.

cai luong dang hoi sinh
Các nghệ sĩ tham gia Tài tử tranh tài

Nhưng có một điều phải công nhận rằng, những tiết mục đó ăn khách nhất trong các chương trình!

Nắm bắt được thị hiếu này của công chúng, một vài đơn vị đã bắt tay vào sản xuất các chương trình thiên về cải lương, bên cạnh hài, ca nhạc. Chẳng hạn như Khang Media với Cùng nhau tỏa sáng hay Sen Vàng với chương trình Tài tử tranh tài mà trong đó đờn ca tài tử, cải lương chiếm hơn 60% thời lượng.

Chưa thể khẳng định được về sự hồi sinh trước mắt của nghệ thuật cải lương từ những tiết mục, những chương trình như vậy. Song, đó rõ ràng là một tín hiệu rất đáng mừng về đời sống của môn nghệ thuật này ở hiện tại và tương lai; đồng thời qua đó khơi dậy niềm tin vào thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của cha ông.

cai luong dang hoi sinh

Sân khấu kịch ‘chết’: Chung quy cũng bởi vì… tiền

(PetroTimes) –  Khi nói về nguyên nhân sân khấu kịch ‘chết’, tác giả - đạo diễn Lê Quốc Nam cho biết, chung quy cũng chỉ vì tiền!

cai luong dang hoi sinh

TP HCM: Sân khấu kịch đang 'chết'

Hiện nay, một số sân khấu phải đóng cửa, một số khác thì hoạt động cầm chừng… Chưa bao giờ sân khấu kịch lại rơi vào tình trạng vắng khách như thời điểm hiện tại. Có thể nói, sân khấu kịch đang 'chết'.  

cai luong dang hoi sinh

Sân khấu kịch nỗ lực chinh phục khán giả trẻ!

“Khán giả không tìm đến sân khấu, thì sân khấu tự tìm đến khán giả” là phương châm mà bấy lâu, nhà hát Tuổi Trẻ đã tận dụng để kéo công chúng đến gần với sân khấu kịch…

cai luong dang hoi sinh

Sân khấu kịch: Tre già nhưng măng… chưa mọc!

Nghệ thuật cần có những nhân tố trẻ để kế thừa và phát triển. Nói cách khác là tre già thì măng phải mọc, phải luôn tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ vì tương lai của nghệ thuật.

L.Trúc