Sân khấu kịch ‘chết’: Chung quy cũng bởi vì… tiền

07:00 | 28/10/2015

2,169 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) –  Khi nói về nguyên nhân sân khấu kịch ‘chết’, tác giả - đạo diễn Lê Quốc Nam cho biết, chung quy cũng chỉ vì tiền!

Về nguyên nhân cái ‘chết’ của sân khấu kịch tại TP HCM hiện nay, người làm sân khấu thì cho rằng họ bị khán giả bỏ rơi. Trong khi đó thì ngược lại, khán giả cho rằng họ mới chính là người bị bỏ rơi khi càng ngày sân khấu càng thiếu đầu tư cho vở diễn nên khiến khán giả chán mà quay lưng.

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng công chúng ngày nay có quá nhiều chương trình để giải trí, họ có nhiều sự lựa chọn sao cho tiện ích nhất với mình. Đặc biệt nhất phải kể đến là sự ra đời ồ ạt của các gameshow, chương trình giải trí truyền hình. Không cần ra khỏi nhà, không cần bỏ tiền mua vé, người ta vẫn có thể ngồi trước tivi xem đủ các thể loại chương trình từ hài kịch đến ca nhạc hay khiêu vũ…

san khau kich chet chung quy cung boi vi tien
Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ

Cho nên, không riêng gì với sân khấu kịch mà các sân khấu ca nhạc bán vé, các phòng trà… cũng chịu tác động không nhỏ bởi tình hình chung.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa là khán giả bỏ rơi, là quay lưng với sân khấu kịch. Theo NSƯT Công Ninh, người từng một thời gắn bó vớ các sân khấu kịch cho rằng, gameshow truyền hình không tác động quá nhiều đến người yêu kịch bởi kịch là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác; ở đó, khán giả được trực tiếp nhìn thấy nghệ sĩ mà họ yêu thích, được sống với cảm xúc của vở diễn một cách sống động.

“Cho nên, dù thế nào thì người yêu kịch vẫn sẽ mua vé xem kịch. Thế nhưng, khi khán giả đến sân khấu mà không có gì để xem thì dần dần họ bỏ sân khấu là đương nhiên”, NSƯT Công Ninh nói.

san khau kich chet chung quy cung boi vi tien

TP HCM: Sân khấu kịch đang 'chết'

Hiện nay, một số sân khấu phải đóng cửa, một số khác thì hoạt động cầm chừng… Chưa bao giờ sân khấu kịch lại rơi vào tình trạng vắng khách như thời điểm hiện tại. Có thể nói, sân khấu kịch đang 'chết'.  

Vấn đề “xuống cấp” của sân khấu kịch đã được đem ra mổ xẻ khá nhiều thời gian qua. Đó có thể là do hệ thống cơ sở hạ tầng ở các sân khấu đã lỗi thời, là thiếu kịch bản mới, hấp dẫn, thiếu đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên kịch tâm huyết, cứng tay nghề…

Nhưng, theo nhà biên kịch, đạo diễn Lê Quốc Nam chia sẻ thì chung quy là vì một chữ “tiền”!

san khau kich chet chung quy cung boi vi tien
Đạo diễn Lê Quốc Nam chỉ đạo diễn xuất

Đầu tiên là vấn đề thiếu kịch bản mới, hấp dẫn. ĐD Lê Quốc Nam cho biết, vì cát-sê cho biên kịch quá thấp mà nhu cầu đời sống thì càng cao nên dần dần họ buộc phải rời sân khấu kịch. Một số tác giả khác vì quá yêu nghề nên cũng hoạt động cầm chừng, lâu lâu họ viết một kịch bản mới, tâm huyết của họ cũng không còn.

ĐD Quốc Nam lấy chính bản thân mình làm ví dụ điển hình. Anh cho biết lúc trước, mỗi tuần anh làm ở sân khấu kịch Phú Nhuận 2 suất với mức cát-sê là 2 triệu đồng/suất. Mà giá 2 triệu này là tổng số của 3 đầu lương: tác giả, đạo diễn, diễn viên. Và anh là người duy nhất nhận được mức cát-sê đó!

Đạo diễn cho biết, trong số tiền 2 triệu đó thì phần kịch bản là 500 nghìn đồng. Mà đó là thực lĩnh với những suất đông khách, còn ngược lại, nếu vắng khách thì anh cũng như bao nhiêu đạo diễn khác chỉ được nhận 50%!

“Cát-sê kịch bản không đáp ứng được cho tôi thì liệu tôi có ngồi đó vắt óc ra để viết nữa không? Tất nhiên là sẽ không!”, ĐD Lê Quốc Nam thẳng thắn cho biết.

Nhưng anh cho rằng, bản thân anh cũng không thể đòi hỏi hơn, bởi “nhà đầu tư không có lợi thì làm sao bắt họ bỏ tiền ra nhiều để đầu tư cho kịch bản mới, hay được”! Đó cũng chính là một trong những lý do trực tiếp khiến nhiều tác giả bây giờ dần chuyển sang nghề khác, họ viết kịch bản phim, sản xuất phim… Và từ đó, nguồn kịch bản mới cho sân khấu kịch ngày càng thiếu hụt, để rồi cuối cùng dẫn đến chuyện khán giả đi xem kịch 2, 3 năm vẫn thấy diễn một vở cũ!

“Kịch bản quyết định tất cả, đạo diễn, diễn viên giỏi hay dở thì cũng cần có kịch bản hay mới có thể ra một vở hay. Mà kịch bản hay thì không phải ai viết cũng được, đó phải là người chuyên ngành, lâu năm. Nhưng những người đó họ nản, họ bỏ nghề hết rồi. Sân khấu kịch ‘chết’ là vì vậy” – ĐD Quốc Nam phân tích.

san khau kich chet chung quy cung boi vi tien
Kịch Kim sinh thủy của đạo diễn Lê Quốc Nam (bìa phải)

Không riêng gì với người biên kịch, đạo diễn mà với diễn viên thì tình hình cũng vậy! Thu nhập trên mỗi suất diễn của người diễn viên cũng rất thấp, trung bình khoảng 500-700 nghìn/suất, trong khi diễn kịch lại tiêu tốn rất nhiều thời gian của họ, nhất là khâu tập luyện. Mà với sân khấu kịch thì không phải lúc nào diễn viên cũng có suất diễn, một tuần chỉ có 2, 3 suất là cùng.

Trong khi đó, phim truyền hình đang đặc biệt nở rộ, nó cần một số lượng diễn viên rất lớn; thu nhập của người diễn viên cũng cao hơn so với diễn kịch. Và thế là có một sự dịch chuyển mạnh mẽ từ diễn viên kịch sang diễn viên phim truyền hình. Nhiều sân khấu đã rệu rã lại càng rệu rã hơn cũng vì điều này!

Bây giờ mà đi xem kịch, khán giả sẽ dễ dàng nhìn thấy đa số các diễn viên trên sân khấu đều là diễn viên điện ảnh, hoặc là MC, ca sĩ. Với họ bây giờ, kịch chỉ là một sân chơi sau những lúc tất bật trên phim trường, chứ kịch không còn là một nghề. Trong khi trước đó, rất đông trong số họ, kịch là tất cả!

“Nhưng, không thể trách bất cứ ai được, bởi tôi hay họ còn có một cuộc sống riêng với đủ mọi lo toan cơm áo gạo tiền, không thể bắt ai phải sống chết với kịch chỉ bằng niềm tin được” – đạo diễn Lê Quốc Nam chia sẻ.

 

L.Trúc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.