Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới

15:07 | 06/07/2018

865 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 6/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Aus4Reform tổ chức Hội thảo khoa học "Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới".  

Diễn giả tại hội thảo là các chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp thảo luận, trình bày ý kiến về cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới như đường sắt, điện, viễn thông, hàng không… và đề xuất các giải pháp tiếp tục cải cách nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

cai cach doc quyen nha nuoc trong cac nganh cong nghiep mang luoi
Toàn cảnh hội thảo

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu "Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới", Tiến sĩ Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế CIEM cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách. Tuy nhiên, kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền nhà nước của mỗi ngành khác nhau.

Cụ thể, việc tách bạch vận hành hạ tầng với hoạt động hạ nguồn chưa thực hiện thực sự ở ngành đường sắt và điện. Lộ trình cải cách của từng ngành cũng đang ở những giai đoạn khác nhau: điện mở cửa một phần, vận tải đường sắt mới chỉ có những bước đi đầu tiên… Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chưa hoạt động độc lập theo đúng nghĩa với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Luyến phân tích: Với vị thế độc quyền, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm. Tiến sĩ Luyến cho rằng, dù đường sắt vẫn được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhưng hạ tầng đường sắt những năm qua khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối. Vì vậy, thị phần vận tải đường sắt giai đoạn 2010-2017 "giảm trông thấy" khi vận tải hành khách ngành đường sắt giảm từ 0,48% - 0,23% thị phần vận tải hành khách. Tương tự, thị phần vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng giảm từ 0,97% - 0,39%.

Cụ thể, số lượng hành khách sử dụng tàu hỏa từ 11,2 triệu hành khách (năm 2010) giảm xuống 9,5 triệu hành khách (năm 2017). Hàng hóa vận tải của ngành đường sắt trong cùng giai đoạn này cũng giảm từ 7,8 triệu tấn xuống 5,55 triệu tấn.

Mạng lưới đường sắt hiện có tổng chiều dài 3.143km, trong đó 2.531km tuyến chính, 612km đường ga và đường nhánh. Hạ tầng đường sắt hiện tại có 259 ga đường sắt, 296 đầu máy và 5.957 toa xe các loại, trong đó 1.010 toa xe khách, 4.947 toa xe hàng có thời gian sử dụng đã lâu, đầu tư nhỏ giọt, và tất cả các hạng mục như đầu máy, toa xe, khổ đường đều lạc hậu nhiều chục năm.

Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền doanh nghiệp.

Đối với từng ngành, các nghiên cứu viên CIEM cũng đã có kiến nghị riêng, như với ngành đường sắt, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh.

cai cach doc quyen nha nuoc trong cac nganh cong nghiep mang luoi
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại hội thảo

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh thị trường cạnh tranh, giảm độc quyền nhà nước, độc quyền tự nhiên trong các ngành và lĩnh vực có tác động lớn đối với nền kinh tế như điện, cấp nước và đặc biệt là giao thông. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ, dù đã có nhiều chính sách, quyết định song đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, không có cơ quan đủ quyền lực giám sát độc quyền thì rất khó giảm độc quyền kinh doanh nhà nước dù Luật Cạnh tranh có đề cập đến. Ngành đường sắt đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh và thị phần đang ngày một giảm.

cai cach doc quyen nha nuoc trong cac nganh cong nghiep mang luoi
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại hội nghị

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, ngành đường sắt "không đáng để có vị trí như bây giờ". "Trong chính sách phát triển đường sắt hiện nay, chúng ta bỏ quên kết nối với hệ thống giao thông khác như đường bộ, trạm giao thông, xe bus và cảng biển. Nếu không xác định lại vị thế của ngành này, chúng ta sẽ không có hướng nào để phát huy lợi thế vận tải vốn có của đường sắt", bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị, cần phải đẩy nhanh tiến độ chống độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới dự kiến theo đúng lộ trình, mức độ đã cam kết; cần ứng dụng tối đa tiến bộ khoa học công nghệ vào quản trị hệ thống của các doanh nghiệp, quản trị của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực mạng lưới để nâng cao tính hiệu quả và năng lực canh tranh.

Nguyễn Hoan