Các tỉnh miền Tây thực hiện thích ứng với tình hình mới như thế nào?

19:25 | 16/10/2021

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều tỉnh thành miền Tây đã có những quyết định phòng chống dịch Covid-19 mới trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, trong khi đó một số tỉnh thành vẫn đang siết chặt kiểm soát người vào địa phương.
Các tỉnh miền Tây thực hiện thích ứng với tình hình mới như thế nào?
Ảnh minh họa

Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định về việc áp dụng các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo các cấp độ nguy cơ. Thời gian áp dụng từ 16/10 đến 31/10.

Quyết định yêu cầu các ngành và địa phương triển khai ngay hướng dẫn có liên quan đến ngành mình nhằm thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Tổ chức chu đáo chiến dịch tiêm vắc xin từ ngày 12/10 - 20/10.

Tập trung hỗ trợ khôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp; thực hiện đúng, kịp thời các chính sách về giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tiếp tục rà soát việc thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một số quy định đáng quan tâm đối với vùng ở cấp độ 2 gồm: Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng không được mở cửa quá 21 giờ, phải đảm bảo nhân viên phục vụ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Riêng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven quốc lộ, các tuyến đường thuộc “luồng xanh” quốc gia không được kinh doanh phục vụ tại chỗ.

Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke; game; massage; phố đi bộ; chợ đêm. Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo…. được hoạt động và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng hoạt động trong điều kiện theo phương án 3 tại chỗ, hoặc 2 tại chỗ- 1 vùng xanh, các mô hình, phương án đảm bảo phòng chống dịch; tổ chức học từ xa (học trực tuyến, học trên truyền hình, học qua tài liệu dạy học).

Đối với người dân ra, vào tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải. Riêng đối với người dân Vĩnh Long ra khỏi tỉnh và trở về tỉnh; người dân từ tỉnh ngoài đến Vĩnh Long, ngoài các yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, phải thực hiện cách ly theo quy định phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh.

Tỉnh Long An hôm nay đã tháo dỡ hết các chốt liên tỉnh và trên quốc lộ, đồng thời tỉnh cho phép hoạt động hành khách nội tỉnh và liên tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải.

Theo quy định mới của tỉnh, người đáp ứng 1 trong 3 điều kiện, đó là đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ được tham gia hoạt động tập trung đông người.

Các nhà hàng, quán ăn, giải khát, phòng tập thể hình, làm đẹp, rạp chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật… cũng được hoạt động với quy mô giảm 50. Cơ sở tôn giáo được hoạt động nhưng không quá 50 người.

Các cơ quan, công sở tại Long An hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống, dịch theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tỉnh chưa cho học sinh tiểu học và mầm non đến trường. Từ nay đến 30/10, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục áp dụng hoạt động dạy học đối với bậc phổ thông, học viên trường nghề, sinh viên cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở karaoke, vũ trường, phòng xông hơi, khiêu vũ.

Tại Cà Mau, UBND tỉnh này đã ban hành quyết định quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thực sự cần thiết, xét nghiệm định kỳ, giao dịch tiền tệ qua mạng. Tất cả người về/đến Cà Mau phải được kiểm soát, phân vùng để có biện pháp phòng chống dịch.

Cụ thể, người đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng, có kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính thì theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú trong 7 ngày. Trong thời gian này phải tự làm xét nghiệm PCR hoặc test nhanh 2 lần. Đối với người không đủ các điều kiện như nêu trên thì phải cách ly tập trung hoặc tại nhà trong 21 ngày. Thời gian cách ly phải test nhanh 3 ngày/lần hoặc xét nghiệm PCR 7 ngày/lần.

Về biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch, Cà Mau quy định một số hoạt động tùy theo 4 cấp độ mà được phép hoặc không. Cùng ở cấp độ 2, Cà Mau chỉ cho tập trung không quá 10 người tại nơi công cộng. Đặc biệt, tỉnh còn bố trí trên 100 chốt giáp ranh tỉnh bạn và cửa biển, 45 tổ tuần tra kiểm soát, 38 tổ phong trào với 1.560 người.

Trong 108 chốt kiểm soát người từ ngoài tỉnh vào Cà Mau, có 7 chốt cấp tỉnh và 101 chốt huyện. Trong đó, 56 chốt đường bộ, 14 chốt đường thủy và 38 chốt cửa biển.

Tất cả công dân đến Cà Mau đều được phân luồng (treo bảng từng lối đi) cho từng nhóm để đảm bảo xử lý nhanh và chống lây nhiễm chéo. Nhóm một là người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng. Nhóm này nếu có một trong 2 điều kiện (kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính nCoV trong 72 giờ và âm tính khi test nhanh tại chốt cửa ngõ) sẽ được tự di chuyển đến nơi cư trú, làm việc, hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 sẽ được đưa vào khu cách ly tạm thời để sàng lọc, sắp xếp đưa về địa phương cách ly tập trung 21 ngày. Nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà 3 tuần, test nhanh 3 ngày một lần hoặc 7 ngày một lần bằng phương pháp RT-PCR.

Còn tại Kiên Giang, kế hoạch về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong tình hình dịch mới được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, cho phép hoạt động một số ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng dịch, tăng dần tỷ lệ hoạt động, quy mô theo từng lĩnh vực cụ thể. Thời gian thí điểm cho đến hết tháng 10/2021 hoặc đến khi phát sinh tình huống mới.

Giai đoạn 2, tính từ sau ngày 1/11, đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo. Tiến tới xem xét hoạt động mở rộng phạm vi, quy mô các ngành nghề. Kiên Giang cũng đã cho thí điểm hoạt động lại vận tải hành khách nội tỉnh kể từ ngày 15/10.

Trong khi đó, TP Cần Thơ đang xây dựng phương án bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ. UBND TP giao Sở Y tế, Văn phòng UBND TP căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xác định thuộc cấp độ nào thì thực hiện các giải pháp tương ứng. Các sở, ngành bám sát hướng dẫn của bộ, ngành trung ương để có hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực được phân công.

Tại Đồng Tháp, hiện tiếp tục quản lý chặt người di chuyển ra vào địa bàn, người về từ vùng dịch hoàn thành cách ly trở về địa phương. Việc kiểm soát chặt nhằm tránh phát sinh ổ dịch mới. Dự kiến, đầu tuần tới tỉnh sẽ có quy định hướng dẫn cụ thể về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh...

Tương tự, Sóc Trăng cũng đang hoàn thiện kế hoạch thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, địa phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát người vào tại các khu vực cửa ngõ để kiểm tra, phân luồng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Những hoạt động nào được mở lại khi thực hiện thích ứng an toàn mới?Những hoạt động nào được mở lại khi thực hiện thích ứng an toàn mới?

H.T