Các nhà sản xuất LNG bắt đầu cuộc chiến nguồn cung

19:00 | 04/06/2020

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc chiến nguồn cung thực sự đã nổ ra trên thị trường nhiên liệu LNG, trong đó các nhà cung cấp đang cố gắng duy trì vị thế của họ trong điều kiện giá thấp kỷ lục và nhu cầu yếu.
cac nha san xuat lng bat dau cuoc chien nguon cungBản tin Dầu khí sáng 4/6: Ả Rập Xê Út và Nga đạt thỏa thuận sơ bộ cắt giảm sản lượng thêm 1 tháng
cac nha san xuat lng bat dau cuoc chien nguon cungQatar Petroleum ký kết 3 thỏa thuận đóng tàu LNG khủng với Hàn Quốc

Theo đánh giá của Ria Novosti, các nhà sản xuất LNG của Nga có thể chịu được giá thấp, nhưng những người chơi tại Mỹ, một số công ty xuyên quốc gia và ngay cả nhà xuất khẩu hàng đầu là Úc sẽ gặp nhiều nhiều khó khăn trong điều kiện thị trường hiện nay. Giống như các sự kiện gần đây trên thị trường dầu mỏ, sự cạnh tranh trong lĩnh vực khí đốt gia tăng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, làm phức tạp thêm tình hình thị trường khí, vốn đã suy giảm vào năm 2019 do nhu cầu không theo kịp sự phát triển nguồn cung và mùa đông 2019-2020 ấm hơn mọi năm.

cac nha san xuat lng bat dau cuoc chien nguon cung

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tiêu thụ khí toàn cầu trong quý I/2020 đã giảm hơn 3% và sẽ giảm trung bình 5% trong năm 2020, mức giảm đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên các nhà cung cấp không vội vàng điều chỉnh sản xuất của mình. Theo IEA, khối lượng giao dịch LNG toàn cầu trong quý I/2020 gia tăng mặc dù nhập khẩu khí đốt bằng đường ống giảm. Thị trường khí vẫn trong trạng thái mất cân bằng. Theo thống kê trong tháng 4/2020 của tập đoàn NOVATEK, thương mại LNG toàn cầu trong quý I/2020 tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 101 triệu tấn. Và theo đánh giá của Bộ Năng lượng Nga ngày 25/5, thị trường tiếp tục chứng kiến tăng trưởng nguồn cung LNG và sụt giảm khí đốt vận chuyển bằng đường ống trong thời gian tới. Hãng đầu tư Veles Capital nhận định, mặc dù nhu cầu giảm mạnh do đại dịch, các nước sản xuất LNG hàng đầu đã không giảm sản lượng nhằm nỗ lực tăng thị phần của mình, tương tự như cách Nga và KSA tăng nguồn cung dầu sau khi thỏa thuận OPEC+ kết thúc vào tháng tư vừa qua.

Bức tranh quen thuộc

cac nha san xuat lng bat dau cuoc chien nguon cung
Nhà máy LNG Yamal của Novatek, LB Nga

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết sự cạnh tranh xuất khẩu khí ngày càng gia tăng giữa các nhà cung cấp LNG tại các thị trường lớn trong điều kiện giá thấp. Tại châu Âu, giá khí tại trung tâm TTF (Hà Lan) từ đầu năm 2020 đến nay đã giảm từ 140 USD/1000 m3 xuống còn 40 USD/1000 m3 vào phiên đấu giá 30/5. Một cuộc chiến giá cả đã nổ ra trên thị trường LNG châu Âu, dẫn đến việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ và giảm giá khí hơn 3 lần. Tại châu Á, chỉ số Platts JKM cho các lô hàng LNG giao ngay đã giảm từ 4 USD/MMBTU xuống còn 1,91 USD/MMBTU. Giám đốc Viện năng lượng và tài chính Nga Aleksei Gromov cho biết, có một cuộc chiến giữa các nhà cung cấp LNG nhưng tình hình hơi khác so với thị trường dầu mỏ. Sự thặng dư ổn định trong thị trường LNG đã hình thành trong quý IV/2019 dẫn đến giá thấp vào cuối năm 2019 và khởi đầu cho việc sụt giảm giá mạnh trong nửa đầu năm nay. Nếu tính từ mùa đông ấm áp tại châu Âu, Bắc Mỹ tới sụt giảm sâu của giá dầu thì giá khí đã thấp hơn giá trị thông thường của mình. Theo các điều kiện này, các nhà cung cấp LNG tiếp tục thực hiện các hợp đồng dài hạn của họ, dẫn đến một bức tranh quen thuộc - nguy cơ các cơ sở lưu trữ bị lấp đầy. Nếu như xảy ra trường hợp các kho lưu trữ dầu thô bị lấp đầy vào cuối tháng 5 thì các kho lưu trữ khí đốt sẽ đứng trước nguy cơ bị lấp đầy trong tháng 7 và tháng 8. Và nếu điều này xảy ra, sẽ không có nơi nào để chuyển hướng nguồn cung LNG dư thừa. Tính đến ngày 28/5, kho chứa khí ở châu Âu đã đạt tỷ lệ lấp đầy 72%. Trước đó, trong giai đoạn 2015-2018, tỷ lệ này chưa đến 40-50% và chỉ đạt khoảng 60% trong năm 2019. Trong tình huống này, tất cả các nhà sản xuất LNG đều hiểu rằng sớm hay muộn thì cánh cửa xuất khẩu khí năm 2020 sẽ đóng lại. Do đó, họ bắt đầu chiến đấu giành thị phần.

Người thắng và kẻ thua

cac nha san xuat lng bat dau cuoc chien nguon cung

Hiện tại, các nhà sản xuất LNG đang cố gắng cạnh tranh tối đa lẫn nhau: giảm giá bán đối với các hợp đồng dài hạn, cố gắng bán nhiều hơn trên thị trường giao ngay và người chơi nổi bật nhất trong điều kiện này là Qatar, quốc gia đang sở hữu giá sản xuất LNG thấp nhất thế giới kèm theo sự hỗ trợ của chính phủ. Do đó, theo lý thuyết thì Qatar sẵn sàng bán LNG ở bất kỳ giá nào. Mới đây thì phía Qatar cũng xác nhận điều này. Bộ trưởng năng lượng kiêm lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia Qatar Petroleum thông báo, Qatar sẽ vượt qua được thời kỳ giá khí thấp và không xem xét cắt giảm sản xuất, đồng thời có kế hoạch mở rộng sản xuất vượt kế hoạch 126 triệu tấn LNG/năm. Tuy nhiên, không chỉ Qatar tự hào với chi phí sản xuất LNG thấp. Tập đoàn NOVATEK cũng có một lợi thế như vậy và là nền tảng chiến lược của hãng trên thị trường toàn cầu. Và nếu dự án Yamal LNG vượt qua khỏi vùng lợi nhuận thì Chính phủ Nga chắc chắn sẽ không bỏ rơi tập đoàn này, thậm chí còn bảo đảm khả năng tồn tại của nó trên thị trường. Những người chơi thực sự thua cuộc sẽ là những quốc gia, nơi các dự án LNG được định hướng theo điều kiện thị trường. Có nghĩa là các dự án LNG của Mỹ, các dự án xuyên quốc gia của các hãng dầu khí lớn như Shell, ExxonMobil tại châu Phi và một số dự án ở Úc sẽ bị thiệt hại.

Cái bẫy đối với các nhà sản xuất LNG của Mỹ

Có vẻ như LNG từ Mỹ đã bị mắc kẹt trong ngành năng lượng định hướng xuất khẩu của mình. Theo hãng tư vấn VYGON Consulting, các nhà máy sản xuất LNG của Mỹ đầu năm 2020 đã đạt công suất cao nhất, song giá giao ngay tại thị trường châu Âu và châu Á-TBD đang thấp hơn giá khí đốt tại Mỹ (thấp hơn so với giá 70 USD/1000 m3). Một ngành xuất khẩu kém cạnh tranh đang dẫn đến việc một số lô hàng LNG của Mỹ bị hủy bỏ. Dự kiến vào tháng 7/2020, hơn 40 lô hàng LNG của Mỹ dự kiến bị hủy, tương đương 80% sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trong tháng 5/2020, khoảng 2,8 triệu tấn.

Những triển vọng

Theo VYGON Consulting, từ nay đến hết năm 2020 sẽ không có thêm các dây chuyền sản xuất LNG mới đi vào hoạt động, do đó áp lực thị trường phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và tốc độ lấp đầy các kho chứa khí. Tuy nhiên, thị trường có thể mong đợi giá khí giảm hơn nữa trong mùa hè và gia tăng sự biến động của chúng. Tình hình thị trường có thể sẽ khởi sắc hơn khi bước vào mùa sưởi ấm, khi mà nhu cầu khí tăng theo mùa. Do cung cấp LNG cho thị trường châu Âu không có lợi nhuận trong tháng 6-7 này nên các nhà sản xuất Mỹ phải có kế hoạch cắt giảm sản xuất LNG. Tuy nhiên thị trường sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn sau 3-5 năm nữa. Viện năng lượng và tài chính cũng đồng ý rằng, giá LNG thấp trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.

Phạm TT

Theo 1prime