Các mục tiêu chiến lược của Liên minh châu Âu trên con đường hướng tới năng lượng xanh

14:53 | 29/12/2020

|
(PetroTimes) - Rystad Energy đã công bố dự báo về đầu tư toàn cầu vào các dự án năng lượng hydro từ năm 2020 đến năm 2035. Qua đó cho thấy tổng vốn đầu tư vào các dự án năng lượng hydro và cơ sở hạ tầng có thể đạt 400 tỷ USD vào năm 2035; hầu hết các khoản đầu tư, lên đến 130 tỷ USD, sẽ hướng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và lưu trữ hydro; chi phí xây dựng các cơ sở sản xuất có thể lên tới 120 tỷ USD, cho thiết bị - 70 tỷ USD.
Các mục tiêu chiến lược của Liên minh châu Âu trên con đường hướng tới năng lượng xanh

Vào năm 2035, khoảng 30 GW máy điện phân để sản xuất hydro xanh (1,35 - 1,8 triệu tấn) sẽ được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới và các dự án sản xuất hydro xanh hiện đang ở các giai đoạn thực hiện khác nhau. Dự án cơ sở hạ tầng hydro lớn nhất hiện đang được thảo luận tại Liên minh châu Âu (EU). Trong giai đoạn đầu tiên, vào năm 2030, một mạng lưới đường ống dẫn hydro dài 6,8 km có thể được thiết lập ở Tây Bắc châu Âu, với khoảng 75% mạng lưới dự kiến được tạo ra bằng cách cải tạo lại các đường ống dẫn khí hiện có. Đến năm 2040, tổng chiều dài của mạng lưới đường ống dẫn hydro có thể đạt tới 23 nghìn km.

Trong tháng 7/2020, EU đã chính thức thông qua Chiến lược hydro (EU Hydrogen strategy). Để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, EU sẽ tiếp tục chuyển đổi hệ thống năng lượng, hiện chiếm 75% lượng khí thải nhà kính của toàn liên minh.

Hai chiến lược của EU là Chiến lược tích hợp hệ thống năng lượng (EU Strategy for Energy System Integration) và Chiến lược hydro (EU Hydrogen Strategy) sẽ mở đường cho một ngành năng lượng kết nối quốc tế hiệu quả hơn, được thúc đẩy bởi mục tiêu kép là xây dựng hành tinh sạch hơn và xây dựng nền kinh tế mạnh hơn. Hai chiến lược đưa ra một chương trình đầu tư năng lượng sạch mới, phù hợp với gói phục hồi kinh tế "Next Generation EU" và Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal). Các khoản đầu tư theo kế hoạch có khả năng kích thích sự phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19, góp phần tạo việc làm ở châu Âu và tăng khả năng lãnh đạo, cạnh tranh của EU trong các ngành công nghiệp chiến lược.

Trong một hệ thống năng lượng tích hợp, hydro có tiềm năng lớn trong hỗ trợ quá trình khử carbon trong các ngành công nghiệp, giao thông, sản xuất điện và cung cấp năng lượng cho các tòa nhà trên khắp châu Âu. Chiến lược hydro của EU đề cập đến cách hiện thực hóa các tiềm năng này thông qua các khoản đầu tư, hệ thống các quy định, tạo lập thị trường, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Hydro có thể cung cấp năng lượng cho các ngành không phù hợp với điện khí hóa và có khả năng ứng dụng để lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian thấp điểm. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được với sự phối hợp hành động giữa khu vực nhà nước và tư nhân ở cấp độ liên minh. EU ưu tiên phát triển hydro tái tạo, được sản xuất chủ yếu từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên trong ngắn và trung hạn, EU sẽ cần sử dụng các loại hydro phát thải carbon thấp khác để đẩy nhanh quá trình giảm phát thải và hỗ trợ phát triển thị trường hydro. Quá trình chuyển đổi dần sang năng lượng hydro sẽ đòi hỏi cách tiếp cận theo từng giai đoạn:

Trong giai đoạn 2020 - 2024, EU sẽ hỗ trợ lắp đặt tối thiểu 6 GW công suất điện phân mới nhằm sản xuất hydro từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng như tăng sản xuất lên 1 triệu tấn hydro xanh mỗi năm.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, hydro sẽ phải trở thành một phần cơ bản của hệ thống năng lượng tích hợp châu Âu với công suất điện phân hydro đạt ít nhất 40 GW và năng lực sản xuất hydro tái tạo tăng lên 10 triệu tấn/năm.

Trong giai đoạn 2030 - 2050, các công nghệ hydro sẽ đạt đến độ chín và được triển khai ở quy mô lớn trong tất cả các lĩnh vực khó giảm phát thải carbon.

Để giúp thực hiện chiến lược này, Ủy ban châu Âu sẽ thành lập Liên minh hydro sạch châu Âu (European Clean Hydrogen Alliance) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo công nghiệp, xã hội dân sự, các bộ trưởng quốc gia và khu vực và Ngân hàng đầu tư châu Âu. Liên minh sẽ xây dựng một chuỗi đầu tư cho mở rộng sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ hydro sạch tại EU.

Kế hoạch hành động (lộ trình) phát triển năng lượng hydro ở Liên bang Nga đến năm 2024 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm tăng sản lượng và mở rộng phạm vi sử dụng hydro như nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, và cũng nhằm hướng đến vị trí đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Theo các chuyên gia, đến năm 2050, tỷ trọng hydro trong cán cân năng lượng toàn cầu có thể tăng lên đáng kể. Điều này phần lớn là do xu hướng đang phát triển trên thế giới giảm thiểu cacbon trong nền kinh tế và giảm tác động của con người đối với môi trường. Năng lượng hydro được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng để đạt được trung hòa cacbon, vì hydro có thể được chiết xuất từ các nguồn carbon thấp và có thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng không dẫn đến phát thải khí nhà kính. Ở Nga, nhiệm vụ phát triển năng lượng hydro được nêu trong Chiến lược năng lượng cập nhật của Liên bang Nga cho giai đoạn đến năm 2035. Nga có những lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc phát triển năng lượng hydro như: nguồn năng năng lượng đáng kể và cơ sở tài nguyên, công suất phát điện chưa được sử dụng, vị trí địa lý gần với các nhà tiêu thụ hydro tiềm năng, cơ sở khoa học trong sản xuất, vận chuyển và lưu trữ hydro, cũng như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Điều này có thể cho phép Nga trong tương lai chiếm vị trí dẫn đầu trong sản xuất và cung cấp hydro cho thị trường toàn cầu.

Trung Quốc nằm trong top 5 công ty năng lượng xanh hàng đầu thế giớiTrung Quốc nằm trong top 5 công ty năng lượng xanh hàng đầu thế giới
Các cường quốc dầu khí đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng xanhCác cường quốc dầu khí đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng xanh

Viễn Đông