Các cuộc đàm phán giữa Chính quyền bang Sarawak với Petronas rơi vào bế tắc

09:07 | 09/09/2024

400 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đang phải đối mặt với một thách thức tế nhị trong vấn đề này, khi một quan chức Chính phủ cấp cao cho biết ông Anwar muốn các yêu cầu của bang Sarawak được giải quyết “ở cấp độ doanh nghiệp với Petronas mà không cần sự can thiệp của Chính phủ liên bang Malaysia”.
Các cuộc đàm phán giữa Chính quyền bang Sarawak với Petronas rơi vào bế tắc
Tập ​​đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas đang cân nhắc đưa cuộc chiến bảo vệ vị thế độc quyền của mình - là người bảo vệ duy nhất các nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước - ra tòa. Hình minh họa

Tập ​​đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia Petronas đang cân nhắc đưa cuộc chiến bảo vệ vị thế độc quyền của mình - là người bảo vệ duy nhất các nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước - ra tòa, trước áp lực quyết liệt từ chính quyền bang Sarawak về việc kiểm soát chặt chẽ hơn trong hoạt động giao dịch và khai thác khí đốt, cũng như các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ khác tại tiểu bang này.

Các quan chức Chính phủ nắm rõ tình hình này đã nói với CNA rằng, Petronas đang cân nhắc đệ đơn yêu cầu tòa án ra lệnh cấm tạm thời trong vài ngày tới nhằm tránh một cuộc đối đầu giữa chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim và chính quyền bang Sarawak.

Một lệnh cấm của tòa án sẽ tạm thời ngăn chặn mọi hành động Sarawak có thể thực hiện chống lại Petronas. Các luật sư lưu ý rằng, trừ khi chính quyền bang này quyết định nối lại các cuộc đàm phán với Petronas về quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí, nếu không, tranh chấp có thể leo thang thành một cuộc chiến pháp lý toàn diện.

Sarawak đã ra tối hậu thư yêu cầu Petronas hoàn tất một thỏa thuận để trao cho bang toàn quyền giám sát hoạt động buôn bán và khai thác dầu khí từ tiểu bang này trước ngày 1/10.

“Một thỏa thuận chung vẫn chưa đạt được giữa Petronas và Sarawak, và giải pháp tại thời điểm này là phải đưa vấn đề ra tòa”, theo lời một quan chức Chính phủ cấp cao, người biết về các cuộc thảo luận giữa Petronas, ông Anwar cùng với Ủy ban cố vấn kinh tế.

Quan chức này, người yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói thêm rằng ông Anwar muốn các yêu cầu của Sarawak được xử lý “ở cấp độ doanh nghiệp với Petronas mà không cần sự tham gia của Chính phủ liên bang”.

Petronas đã từ chối bình luận về khả năng tìm kiếm sự bồi thường tại tòa án Malaysia nhằm phản đối yêu cầu chuyển giao toàn quyền phân phối và bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Petroleum Sarawak Bhd (Petros), thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính phủ bang Sarawak.

Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông vào thứ Năm, ngày 5/9, Chủ tịch Petronas Tengku Muhammad Taufik cho biết, những lo ngại đã được nêu ra bởi những người mua LNG và các nhà khai thác thượng nguồn, đặc biệt là về an ninh nguồn cung nhiên liệu, trong bối cảnh có đề xuất Petros sẽ trở thành đơn vị tổng hợp khí đốt duy nhất cho Sarawak.

“Chúng tôi đã trở thành một trong những đối tác chính của các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, và họ muốn đảm bảo rằng nguồn cung, nếu được phát triển thông qua một mô hình tích hợp, sẽ có thể được cung cấp một cách đáng tin cậy, với chi phí cạnh tranh - điều này hiện tại quan trọng hơn bao giờ hết”, ông nói với các phóng viên tại Thủ đô Kuala Lumpur.

Cố vấn pháp lý cấp cao của chính quyền bang Sarawak, ông Joseph Chioh Hock Hua đã nói với CNA qua điện thoại rằng ông không biết về các lựa chọn mà Petronas đang xem xét và từ chối bình luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra với Petronas, do quy định bảo mật đối với công chức.

Ông Anwar, người đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng vào tháng 11/2022 sau cuộc tổng tuyển cử không có kết quả rõ ràng, đang phải đối mặt với một thách thức kinh tế và chính trị tế nhị khi giải quyết vấn đề với Sarawak, do vai trò quan trọng của bang này trong việc hỗ trợ Chính phủ đoàn kết của Malaysia, bao gồm hơn một chục đảng phái.

Trong những tháng gần đây, chính quyền bang do Thủ tướng Abang Johari Openg lãnh đạo đã tăng cường áp lực lên Putrajaya để giành quyền tự chủ lớn hơn khi Sarawak và bang lân cận Sabah gia nhập nhằm thành lập Liên bang Malaysia vào năm 1963, khi đó bao gồm cả Singapore. Quốc đảo này đã giành được độc lập vào năm 1965.

Sarawak cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia.

Theo Chính phủ liên bang, trữ lượng dầu mỏ có khả năng khai thác và đã được xác nhận của Sarawak chiếm 60,87% tổng trữ lượng của Malaysia, trong khi trữ lượng của Sabah chiếm khoảng 18,8%. Sarawak cũng chiếm gần 90% lượng xuất khẩu LNG của Malaysia.

Yêu cầu của Sarawak về việc Petros trở thành đơn vị tổng hợp duy nhất đối với trữ lượng dầu khí của bang này là yêu cầu lớn nhất từ trước đến nay của ​​chính quyền ông Abang Johari, vì điều này đại diện cho một thách thức trực tiếp đối với thế độc quyền kéo dài hàng thập kỷ mà Petronas đã nắm giữ kể từ khi thành lập vào năm 1974.

Sarawak nhấn mạnh rằng các nguồn tài nguyên dầu khí trong lãnh thổ của bang phải được quản lý theo Sắc lệnh Khai thác Dầu khí từ thời thuộc địa năm 1958, trong đó quy định rằng các nguồn tài nguyên dầu khí được tìm thấy trong phạm vi 200 hải lý tính từ vùng biển Sarawak thuộc về tiểu bang.

Tranh chấp giữa Petronas và chính quyền các tỉnh dầu khí ở MalaysiaTranh chấp giữa Petronas và chính quyền các tỉnh dầu khí ở Malaysia
Nhà máy xuất khẩu LNG của Petronas gặp vấn đề về vận hànhNhà máy xuất khẩu LNG của Petronas gặp vấn đề về vận hành
Doanh thu của Petronas giảm trong bối cảnh thị trường dầu biến độngDoanh thu của Petronas giảm trong bối cảnh thị trường dầu biến động

Nh.Thạch

AFP