Bước chân của Trump vào lãnh thổ Triều Tiên và phản ứng trái chiều

17:11 | 03/07/2019

3,676 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tất cả các trang báo chí trên toàn thế giới đều đăng sự kiện nóng hổi và bất ngờ này. Thậm chí ngay giữa lúc thế giới đang nóng lên vì giá dầu, vì cuộc gặp của nguyên thủ các nước lớn tại G20.    
buoc chan cua trump vao lanh tho trieu tien va phan ung trai chieu
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có những bước đi lịch sử hôm 30/6

Trước đó, chưa từng có một Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên, điều chưa từng xảy ra kể từ sau cuộc chiến 1953. Lần đầu tiên sau 66 năm, hơn nửa thế kỷ.

Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng: "Tôi cảm thấy tự hào khi bước qua được lằn ranh đó". Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận định hành động của ông Trump đáng được "ghi vào lịch sử chính trị thế giới", là cử chỉ cho thấy tổng thống Mỹ sẵn sàng "gạt qua tất cả những bất đồng trong quá khứ và mở ra một tương lai mới giữa hai nước".

Hình ảnh được truyền hình tường thuật trực tiếp cho thấy, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đã mỉm cười và bắt tay nhau tại Khu bảo an hỗn hợp (JSA) thuộc DMZ. Chủ tịch Kim nói: "Đây là một thời khắc lịch sử".

Các cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim đều nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đó sẽ là điểm khởi đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, cho tới nay người đứng đầu Nhà Trắng dường như chưa đạt được bước tiến nào trên con đường đi tới mục tiêu này.

Trong khi các tờ Sputnik của Nga, Yonhap Hàn Quốc, KCNA của Triều Tiên, cả Reuters... ca ngợi hành động của Tổng thống Trump như một hành động lịch sử thì ở Mỹ, ngày 2/7 tờ CNN đăng trên trang nhất bài viết của phóng viên Paul LeBlanc dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer nói rằng việc Trump bước vào lãnh thổ Triều Tiên là một trong những ngày tồi tệ nhất của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Theo Schumer thì đối với Tổng thống của một nước lớn như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì hành động này là một sự nhượng bộ. Cuộc gặp không đưa lại một kết quả nào ngoài khởi động tiến trình đàm phán hạt nhân của Triều Tiên, không đạt được một cam kết nào từ phía Triều Tiên. Ông Trump bị phê phán là đã bỏ qua các quy định pháp lý: “Ông ý không có nguyên tắc về pháp lý, về dân chủ”, “Đây là một trong số ít ngày tồi tệ nhất của chính sách đối ngoại Mỹ, trong lịch sử ngoại giao Mỹ”, ông Schumer nói và cho rằng cuộc gặp không có lợi cho nước Mỹ về dài hạn: “Ca ngợi độc tài, trộn nháo nhào chính sách đối ngoại hết qua phải lại qua trái, những gì ông ta làm ở Bắc Triều Tiên đem lại cho Kim Jong Un những thứ Kim muốn, gọi ông ta là bạn, vỗ vai Kim, và chả được gì, hoàn toàn không được gì cho mình”.

Trong khi Trump coi cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên như một chiến thắng thì tờ New York Times đăng ngày 30/6 dẫn lời Chuck Schumer cho rằng chính quyền Trump lên kế hoạch chấp nhận Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân, khác xa với lời hứa của Trump trước đó là loại bỏ hạt nhận của Triều Tiên. Ông Schumer chỉ trích Tổng Thống Trump không có chiến lược, không có tầm nhìn xa sẽ đi đâu, làm cái gì. Điều đó có thể không ảnh hưởng đến nước Mỹ trong ngắn hạn nhưng là sai lầm đáng buồn về dài hạn.

Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Kim tại khu phi quân sự DMZ vào ngày 30/6, chỉ một ngày trước khi cuộc gặp thực sự diễn ra và chỉ bằng một câu hẹn qua Twitter, đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngoại giao thế giới. Đây là một cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia mà không qua bất kỳ thủ tục ngoại giao nào. Hơn nữa, Chính phủ Mỹ cấm công dân Mỹ nhập cảnh vào Triều Tiên mà không có giấy phép đặc biệt. Việc Tổng thống vi phạm pháp luật ở một nước dân chủ không thường xảy ra. Hành động Tổng thống Mỹ mời Chủ tịch Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc cũng thể hiện hành động của nước lớn, dù là đồng minh của Hàn Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ đã quên rằng mình đang ở đâu.

Tú Mai

  • el-2024