Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

11:02 | 08/03/2024

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mang trong mình căn bệnh đặc biệt, với nhiều bệnh nhân HIV, các blouse trắng tại nơi đây là những người thay cho gia đình ở bên cạnh họ trong những khoảnh khắc cuối cùng.

Lời Tòa soạn: Phụ nữ là một nửa tuyệt vời để vun đắp thế giới tốt đẹp hơn. Những phụ nữ trong bài viết này còn đặc biệt hơn ai hết, khi họ là người chăm sóc bệnh nhân "H" ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Những nữ blouse trắng hàng ngày đối diện với phơi nhiễm và nhiều áp lực, nhưng họ vẫn vượt qua và hoàn thành xuất sắc công việc thầm lặng của mình.

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, xin gửi lời chúc tới các nữ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, các nữ cán bộ đang công tác trong ngành Y có nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống!

Ga cuối của bệnh nhân HIV

Trong căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 5 bệnh nhân nằm lặng thinh, gương mặt trầm tư, trên tay gắn chằng chịt các đường ống.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Ngay bên cạnh họ, những guồng quay của máy lọc máu vẫn miệt mài rút máu từ trong cơ thể, đi qua quả lọc rồi lại trả về "chính chủ".

Đây là những bệnh nhân HIV bị suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng là cơ sở y tế hiếm hoi ở miền Bắc nhận chạy thận chu kỳ cho người nhiễm "H".

Do đó, các bệnh nhân trong căn phòng này người ở Hà Nội, người ở Bắc Ninh, lại có người ở Vĩnh Phúc.

Đều đặn 3 lần mỗi tuần, họ lại tìm đến đây để nhờ những "guồng quay máu" níu giữ lại sự sống mong manh của mình.

Căn phòng cũng có thể xem là "ga cuối" của một cuộc đời không mấy dễ dàng của những con người mang trong mình căn bệnh thế kỷ này.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Giữa trưa, nhiều bệnh nhân đã ngủ say, các y bác sĩ vẫn căng mắt theo dõi từng chỉ số sinh tồn. Mỗi bất thường trong quá trình lọc máu phải được phát hiện và xử trí kịp thời nếu không tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa.

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đặc thù là cơ sở tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm, khoa mỗi ngày tiếp nhận trung bình 2-3 bệnh nhân HIV nguy kịch phải can thiệp thở máy. Bên cạnh đó, có khoảng 3-5 bệnh nhân HIV thường trực chạy thận chu kỳ.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Tiếng bíp vang lên phía giường góc phải báo hiệu ca lọc máu kéo dài 4 giờ đồng hồ kết thúc, điều dưỡng Lê Thị Huệ một tay từ từ rút kim trên cầu tay nam bệnh nhân, tay còn lại nhanh chóng ấn chặt miếng bông đã chuẩn bị từ trước vào vị trí vừa rút kim để cầm máu.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

"Tách", đầu kim vừa rút được đậy kín bằng nắp trước khi điều dưỡng Huệ cho vào hộp đựng chất thải lây nhiễm màu vàng. Phần bông cầm máu được cố định bằng garo để cô tiếp tục sang vị trí chiếc kim thứ hai.

Kết thúc đầu việc, nữ điều dưỡng thở phào khi máu của bệnh nhân không bị bắn ra ngoài.

Sự bình tĩnh của Huệ trong từng thao tác khiến "người ngoài ngành" khó có thể tin cô vừa thực hiện thủ thuật có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao nhất. Chỉ một thao tác sai khiến máu bắn ra ngoài là lại một lần "báo động đỏ".

Bóng hồng trong phòng bệnh
Bóng hồng trong phòng bệnh

"Áp lực máu ở cầu tay bệnh nhân là rất cao. Nếu không thao tác cẩn thận, nhanh chóng ép bông vào, máu của bệnh nhân có thể phun thành dòng, cũng đồng nghĩa với nguy cơ phơi nhiễm đối với nhân viên y tế", Huệ chia sẻ.

Tháo bỏ găng tay, xịt cồn sát khuẩn rồi đeo đôi găng tay mới, Huệ lại tiếp cận giường một người đàn ông với cơ thể suy kiệt gần như chỉ còn da bọc xương. Nữ điều dưỡng cho biết đây là một bệnh nhân HIV giai đoạn cuối.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Huệ dùng sức hỗ trợ bệnh nhân nghiêng mình, lộ ra tấm lưng được "vá" bởi những miếng băng gạc trắng.

Nữ điều dưỡng thận trọng gỡ băng dính cố định gạc, bên dưới là vết loét do bệnh tật. Miếng gạc bẩn được bỏ gọn vào hộp đựng rác thải.

"Mỗi ngày chúng tôi vệ sinh vết thương cho bệnh nhân một lần. Vì là vết thương hở nên phải hết sức thận trọng, không được để dịch lẫn máu từ vết thương của bệnh nhân tiếp xúc với các bề mặt "sạch" để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Làm việc trực tiếp với bệnh nhân HIV, theo điều dưỡng Huệ, "yêu nghề" là chưa đủ, mà cần phải có... gan.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Những ngày đầu mới vào nghề, cô bị ám ảnh khi vệ sinh cơ thể của bệnh nhân HIV giai đoạn cuối đầy những vết lở loét, sộc lên mùi hôi thối. Mỗi lần như vậy, đến giờ nghỉ, Huệ cũng như các tân binh khác không nuốt nổi cơm.

Là nơi điều trị những bệnh nhân nặng nhất, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân HIV phải thở máy.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Quá trình chăm sóc những bệnh nhân này có rất nhiều đầu việc như hút đờm, lấy máu xét nghiệm, vệ sinh ống nội khí quản, theo Huệ mô tả, đều tiềm ẩn nguy cơ.

Vừa thay lại lớp băng gạc quanh ống nội khí quản của một bệnh nhân, điều dưỡng Huệ lại đảo quanh phòng bệnh để đảm bảo tình hình vẫn ổn.

Mỗi ngày, Huệ có hơn 50 đầu việc cần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân HIV, cũng là từng đó lần blouse trắng này đối diện với nguy cơ phơi nhiễm căn bệnh chỉ nhắc đến tên là ai cũng sợ.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

"Âm tính" mới dám ăn Tết và những lần thót tim với bệnh nhân B20

"Huệ hỗ trợ chị đặt ống thở máy cho bệnh nhân B20", được một bác sĩ huy động, cô điều dưỡng mới vào nghề vội đi chuẩn bị ống nội khí quản, canuyn…

Vẫn là nhiệm vụ quá quen thuộc với điều dưỡng hồi sức nhưng lần này tim cô đập thình thịch.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

B20 là "mật hiệu" được đặt cho các bệnh nhân mắc HIV. Cách gọi này để tránh gây lo sợ không cần thiết với các bệnh nhân khác và người nhà, cũng như giúp bệnh nhân HIV không cảm thấy bị kỳ thị.

"Sợ lắm chứ", Huệ thốt lên khi kể về bệnh nhân HIV đầu tiên mà mình tiếp nhận. Từng chi tiết và sự hồi hộp của ca bệnh 7 năm về trước vẫn vẹn nguyên như vừa mới xảy ra.

Bệnh nhân B20 được tuyến dưới chuyển lên là một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi, trên cánh tay chi chít những hình xăm đã phai màu theo thời gian.

Vừa phối hợp với bác sĩ đo dấu hiệu sinh tồn, đặt ống nối khí quản, Huệ vừa nhẩm lại thật kỹ từng thao thác tác đã được dạy. Trong tình huống cấp bách này, mọi can thiệp phải được thực hiện thật nhanh để cứu tính mạng bệnh nhân, nhưng cũng chỉ cần một động tác lỗi hay sai thứ tự, chính cô và đồng đội cũng phải đối diện với nguy hiểm.

Sau 20 phút "căng như dây đàn", mọi việc cũng đã ổn, Huệ rời bệnh phòng để rửa tay mà vẫn đánh trống ngực.

Bóng hồng trong phòng bệnh
Bóng hồng trong phòng bệnh

"Em yên tâm, cứ làm dần sẽ quen. Cố gắng làm thật cẩn thận, đúng nguyên tắc sẽ không sao cả", lời động viên của "tiền bối" giúp cô dần trấn tĩnh lại.

7 năm làm điều dưỡng hồi sức chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân B20, Huệ có nhiều kỷ niệm "thót tim" với nhiệm vụ đặc biệt của mình.

Một lần Huệ hút đờm cho bệnh nhân B20 thở máy, sự kích thích khiến bệnh nhân vô thức ho sặc sụa.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Tình huống đã được dự đoán từ trước, nữ điều dưỡng theo phản xạ dùng tay chắn giọt bắn từ bệnh nhân. Trên găng tay lúc này chi chít đờm dãi có lẫn máu.

Tối đó về nhà, dù đã vệ sinh và tắm rửa rất kỹ, Huệ vẫn "cách ly" với chồng, ăn riêng, ngủ riêng cho "chắc ăn".

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

"Nghề của chúng tôi là vậy. Công tác chuyên môn có làm tốt đến đâu vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn các sự cố có thể xảy ra, như việc bệnh nhân giãy giụa, cử động bất ngờ.

Trong trường hợp bị phơi nhiễm như máu của bệnh nhân bắn vào mắt, vết thương hở hay kim không may quệt vào tay phải test nhanh ngay.

Nếu âm tính sẽ uống thuốc ARV để dự phòng, sau 3 tháng lại tiếp tục xét nghiệm định lượng xem có mắc bệnh không, đương nhiên cũng từng đó thời gian như ngồi trên đống lửa", Huệ mô tả.

Tháng 12 hàng năm, y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong các kết quả, xét nghiệm HIV luôn được quan tâm hàng đầu.

"Hồi hộp như chờ điểm thi đại học", Huệ bật cười. Cô kể tiếp: "Kết quả thường sẽ trả về khoa sau một ngày. Đêm trước ngày trả kết quả, tôi hồi hộp đến mất ăn, mất ngủ, 7 năm rồi nhưng lần nào cũng như lần đầu.

Mọi thao tác, quy trình chống lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân B20 luôn được đảm bảo nhưng… nhỡ đâu.

Anh chị em thường nói vui, phải biết kết quả mới yên tâm ăn Tết".

Nữ điều dưỡng trẻ nhớ lại ngày cuối năm 2022: "Đọc được 2 chữ "Âm tính" trên hồ sơ kiểm tra sức khỏe, tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng lớn. Hai vợ chồng tôi đã lên kế hoạch có con trong năm 2023. Tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lần xét nghiệm này".

Điều may mắn, theo Huệ, chưa có y bác sĩ nào tại khoa bị lây nhiễm HIV trong những năm qua.

Hơi ấm cuối đời của những phận người cô độc

Không một chiếc giường nào trong căn phòng lọc máu của bệnh nhân B20 có người nhà ngồi cạnh. Đây là điều đã quá quen thuộc với các y bác sĩ.

Điều dưỡng Huệ nhiều lần thắt lòng khi những bệnh nhân đang đứng rất gần ranh giới sinh tử kể về nguyện vọng cuối cùng là được gặp bố mẹ. Thế nhưng cuối cùng vẫn chẳng có ai đến, bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong cô độc với một điều ước còn dang dở.

Có những người may mắn hơn được người nhà đến thăm nhưng đa phần cũng chỉ dám đứng ở cửa khoa nhìn vào.

Mang trong mình căn bệnh đặc biệt, với nhiều bệnh nhân HIV, các blouse trắng tại nơi đây là những người thay cho gia đình ở bên cạnh họ trong những khoảnh khắc cuối cùng.

Bóng hồng trong phòng bệnh "thế kỷ"

Theo Dân trí

[Chùm ảnh] Ăn Tết cùng những

[Chùm ảnh] Ăn Tết cùng những "bóng hồng" chống khủng bố

Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an (đóng tại Quảng Yên, Quảng Ninh) có ba nữ chiến sĩ.

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan