Bóng đá và “Đại sứ nón lá”

19:00 | 18/07/2013

1,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong loạt chuỗi sự kiện liên quan đến trận giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và Arsenal vừa qua, hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh thầy trò huấn luyện viên Wenger đội chiếc nón lá truyền thống Việt Nam được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Có thể gọi đây là một trong những “đại sứ du lịch” của Việt Nam?!

Ba ngày qua, từng giây từng phút, nhất cử nhất động của thầy trò huấn luyện viên Wenger đến Việt Nam đều được cập nhật trên các trang báo điện tử trong nước với lượng truy cập tăng chóng mặt. Và truyền thông phương Tây, nhất là truyền thông tại xứ sở sương mù có hàng loạt tờ báo lớn đều đăng tải sự kiện này.

Có lẽ ấn tượng khó phai là hình ảnh thầy trò huấn luyện viên Wenger đội chiếc nón lá truyền thống đã được đăng tải trên trang chủ tờ Dailymail chỉ sau vài giờ họ đặt chân đến Việt Nam. Từ chiếc nón lá bình dị, đơn sơ trở thành đại sứ du lịch rất có giá trị nhân sự kiện này. Nói đến đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của bản sắc, phải có cái riêng để giới thiệu với thế giới thì họ sẽ nhớ đến mình. Quan trọng hơn nữa là quảng bá đúng thời điểm.

Thầy trò huấn luyện viên Wenger với chiếc nón lá truyền thống Việt Nam

Không chỉ báo chí Anh quan tâm đến chiếc nón lá Việt Nam mà chính các cầu thủ Arsenal cũng rất thích thú với việc này. Chia sẻ trên trang Twitter của mình, tiền đạo Podolski đã gửi lời chào đến fan Việt Nam và cho biết anh rất thích được tiếp đón theo phong cách truyền thống khi vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài. Còn tiền đạo Olivier Giroud thì đăng những bức ảnh đang cười tươi cùng với đồng đội Koscielny và Podolski khi nhận được những chiếc nón lá. Một số cầu thủ khác như Wilshere, Szcsezny, Jenkinson, Mertesacker... cũng gửi lời chào đến người hâm mộ Việt Nam bằng những hình ảnh với chiếc nón lá.

Chuyện Arsenal đến Việt Nam đã rục rịch mấy tháng nay nhưng đến hôm nay thì chúng ta có thể khẳng định rằng nó đã thành công không chỉ cho doanh nghiệp đầu tư mà còn cho nền bóng đá và thương hiệu quốc gia. Không dừng lại ở chuyện bóng đá giao hữu, chuyện thắt chặt quan hệ ngoại giao hai nước mà đây còn là một sự kiện truyền thông quan trọng. Nên cũng không quá ngạc nhiên khi các doanh nghiệp chi 50 tỷ đồng cho sự kiện này mà không mấy ai tỏ ra xót.

Trước mắt ta chưa tính chuyện lãi – lỗ trong vấn đề này mà hãy nhìn xa hơn ở cơ hội quảng bá về Việt Nam, cụ thể là về du lịch Hà Nội. Một tấm hình chụp cảnh các cầu thủ đang ngồi tại chùa Một Cột; một chiếc nón lá Việt Nam; một clip quay hình thầy trò ông Wenger tại chùa Trấn Quốc... Những chi tiết tưởng chừng nhỏ ấy chính là cơ hội của du lịch VN, không chỉ trước 400 fan người nước ngoài đang theo chân Arsenal đến Việt Nam dịp này mà còn trước vô vàn fan hâm mộ khác của Arsenal trên toàn thế giới.

Câu lạc bộ Arsenal đến thi đấu giao hữu với đội tuyển quốc gia Việt Nam là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới

Theo một thống kê được công bố vào năm ngoái, dù Manchester United là câu lạc bộ được yêu mến số một trên toàn thế giới nhưng Arsenal mới là đội bóng chiếm được tình cảm nhiều nhất trên cả 2 trang mạng xã hội Twitter (với 1,7 triệu người) và Facebook (hơn 11 triệu người). Chỉ cần một nửa số người hâm mộ Arsenal truy cập vào trang chủ của CLB cũng như trên Twitter và Facebook để theo dõi hành trình của thầy trò ông Wenger những ngày qua (khoảng 160 triệu người), sẽ thấy hình ảnh Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ đến mức nào.

Ấy là chưa kể hình ảnh của đội bóng Arsenal ở Việt Nam dịp này xuất hiện dồn dập, tràn ngập trên hầu như tất cả các tờ báo lớn ở Anh, như: Independent, Guardian, Daily Mail, Mirror, The Sun, The Telegraph, 101greatgoals (trang video hàng đầu về bóng đá); cùng những cảm xúc mà các cầu thủ Arsenal đưa lên Twitter và Facebook của mình…

Trong khi chúng ta chưa đủ tiền để quảng bá du lịch trên các kênh giải trí lớn trên thế giới thì đây quả là một cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam tiết kiệm, hiệu quả, nhanh chóng, chỉ tiếc ngành du lịch lại không nắm bắt thời cơ vàng này mà hầu như đứng ngoài cuộc nhưng may mà còn có “đại sứ nón lá”.

Nguyệt Anh