Bộ trưởng GTVT trả lời đại biểu về dự án đường sắt đội vốn

14:08 | 05/06/2019

377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại phiên chất vấn sáng 5/6, các đại biểu đưa ra nhiều câu hỏi khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể gặp khó, trả lời "né tránh".
bo gtvt nguyen van the tra loi dai bieu ve du an duong sat doi vonBộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các vấn đề ngành giao thông

Ngày 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh các nội dung: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ GTVT trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

bo gtvt nguyen van the tra loi dai bieu ve du an duong sat doi von
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể .

Một trong số những nội dung được các đại biểu quan tâm là hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội (Dự án Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) đội vốn khủng.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền Đoàn (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi: “Dự án Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư được phê duyệt từ năm 2009 vốn ban đầu là 8.700 tỷ năm 2016 được điều chỉnh nâng lên 18.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vận hành vào năm 2013 nhưng đến nay dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại, lý do gì mà đã chạy thử rồi, thi công đã hoàn thành tại sao chưa vận hành thường mại? Ngoài ra, có xem xét trách nhiệm của những người liên quan tới việc đội vốn hay không?

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An): “Tôi thấy Bộ trưởng trả lời vẫn còn né tránh, bởi vì không phải chỉ còn 5 dự án đường sắt đội vốn mà theo tài liệu kiểm toán chúng tôi nghiên cứu vẫn còn có nhiều dự án đội vốn rất lớn, đề nghị Bộ trưởng xem lại. Trong đó, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh dự án, tăng mức đầu tư lên 3.956 tỷ, dự án hệ thống thuỷ lợi Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỷ đồng... Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra. Quan điểm của tôi là phải truy trách nhiệm đến cùng những cá nhân gây ra tình trạng thất thoát này".

bo gtvt nguyen van the tra loi dai bieu ve du an duong sat doi von
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trả lời các câu hỏi chất vấn về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn và trách nhiệm của những người liên quan tới việc đội vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: "Trong 3 dự án ĐBQH Cầu phản ánh thì có 2 dự án do địa phương quản lý. Chúng tôi nêu 1 số dự án mang tính chất vượt tổng mức đầu tư số lượng lớn, còn những dự án mấy trục tỷ hoặc 200 tỷ đã được nêu trong báo cáo. Tất cả các cơ quan có Bộ GTVT làm chủ đầu tư đều phải có trách nhiệm căn cứ vào kết luận Kiểm toán để rà soát xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà vi phạm, tôi xin tiếp thu ý kiến này".

Về dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM, người đứng đầu ngành giao thông cho biết: "Chúng tôi có đánh giá tư vấn trong nước, Ban quản lý dự án có yếu kém và Tổng thầu cũng có vấn đề. Tôi xin báo cáo rằng, những dự án đường sắt khi chúng ta lập chưa có chủ trương xin vốn, do đó chúng ta chỉ huy động doanh nghiệp trong nước lập.

Cũng giống như hiện nay để xác định doanh mục trình Quốc hội thông qua, chúng ta hoàn toàn chưa có kinh phí, do đó, các tỉnh các chủ đầu tư căn cứ vào một số công trình tương tự để lập nên trình Quốc hội. Từ đó, con số vẫn chưa được chuẩn, chỉ khi tiến hành lập dự án thì mới nghiên cứu kỹ và tạo nên những giải pháp. Thực tế, các dự án đường sắt của chúng ta không làm mới, chúng ta trình độ, tư vấn còn hạn chế do đó, khi triển các dự án đường sắt chúng ta còn lúng túng.

Với dự án đường sắt Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông liên quan đến Tổng thầu Trung Quốc, xin báo cáo Quốc hội là Tổng thầu nằm trong hiệp định khi mà chúng ta ký hiệp định vay với Trung Quốc đã chỉ định Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án. Khi thực hiện, chúng tôi thấy Tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm. Do đó chúng tôi đã làm việc với các bên của Trung Quốc với Đại sứ quán rất nhiều lần để cải thiện tình hình.

Nguyên nhân dự án bị chậm là thiết bị đã nhập 99%, thi công 99%, 1% còn lại là còn 1 số hạng mục nhỏ trong công tác xây lắp và phải chứng minh được năng lực an toàn. Chúng ta có thuê 1 tư vấn nước ngoài đứng đầu sẽ đánh giá an toàn của hệ thống, nếu như thông tin của Tổng thầu không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua được an toàn hệ thống. Do đó, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% này, khi mà kết thúc được thì sẽ vận hành thương mại".

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc