Bỏ tiền ra mà... đi?

06:30 | 22/10/2013

663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng ngày mở báo ra xem, tìm một cái tin người tốt việc tốt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm sao mà hiếm thế. Lật thêm trang khác thì thấy tin tức tham ô, lãng phí, tham nhũng tràn ngập mặt báo, đọc mà phát ngán. Xa xỉ hóa đang tràn lan.

Bảo Dân (NLM số 267)

Mới đây, một tờ báo điện tử công bố rằng, trung bình một năm cơ quan sứ quán ta ở Nga đón từ 200 đến 220 đoàn công tác. Và có đoàn đông tới 60 người. Trời đất! Nước ta có quan hệ ngoại giao với 180 nước và giao thương với 220 thị trường không biết sẽ có bao nhiêu đoàn công tác nước ngoài đây? Chắc chắn số thành viên đi Tây này, tuyệt đại bộ phận là quan chức. Vào lúc tiết kiệm là quốc sách này việc nhiều đoàn đi nước ngoài là trái với chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài gắn với yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, tổng thu ngân sách 9 tháng chỉ bằng 66,6% dự toán, trong đó hầu hết các sắc thuế chủ yếu đều đạt thấp. Đáng chú ý là trên 40 địa phương trọng điểm lại có kết quả thu thấp và 75% doanh nghiệp báo cáo bị lỗ… để cảnh báo khả năng bội chi ngân sách sẽ vượt dự kiến.

Trụ sở cơ quan xa hoa lộng lẫy như cung điện

Vì vậy, trong các giải pháp mới có đề xuất giảm 100.000 đồng lương tối thiểu để trở lại mức 1.050.00 đồng từ tháng 1/2014. Đây rõ ràng là đề xuất thụt lùi nên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói thẳng ra rằng, lương mới tăng được 7 tháng mà đầu năm tới đã giảm thì phản cảm lắm.

Giảm lương không phải là tiết kiệm và không thể giảm lương khi GDP vẫn tăng. Giảm lương sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và nhà đầu tư nước ngoài.

Thật là đắc nhân tâm khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chốt lại: Không được giảm lương vì trong 3 năm qua, lương tăng tuy được 30-35% nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng tương đương mức này. Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nếu giảm lương thì càng thêm khó khăn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải rà soát việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp để tránh việc “té nước theo mưa” báo cáo lỗ nhằm trốn thuế.

Để chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, các chuyên gia khuyến cáo cần kiên quyết loại bỏ các khoản chi không hiệu quả như hội thảo, tham quan, học tập nước ngoài…

Các cử tri đặt vấn đề, Quốc hội cần kiểm tra giám sát việc đi nước ngoài ra sao, tốn kém bao nhiêu và quy trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu. Tiết kiệm và xa xỉ vẫn đang đồng hành. Cực này tằn tiện, cực kia hoang phí. Đã có cảnh báo về việc các cơ quan sắm xe sang, tân trang trụ sở, hội thảo rinh rang, tham quan ồ ạt. Câu chuyện chi tiền đi lại cho cán bộ cấp thứ trưởng tự đi bằng xe máy, taxi ở mấy cơ quan Trung ương để tiết kiệm từng được cổ súy rầm rộ lắm. Tôi đã có dịp được mời uống bia từ khoản tiền tự nguyện này. Không hiểu tại sao sau khi mấy bác hăng hái này nghỉ  hưu, việc tự đi lại im lìm và rút vào bí mật rồi dẹp luôn thì phải? Còn nhớ hồi mới tái lập TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cán bộ tỉnh này công tác ở tỉnh kia khá nhiều. Cứ cuối tuần là các vị điều xe kết hợp chạy về nhà, sáng sớm đầu tuần lại hành trình qua hai tỉnh đón sếp khá tốn kém. Người ta bèn tổ chức chạy xe bus để đưa đón cán bộ cấp sở miễn phí mà bất thành. Hóa ra câu hát thời chống Pháp: “Xe ta ta cứ chạy” được phục hoạt.

Tốn kém là ở đây và lãng phí cũng là ở đây. Các chuyên gia văn hóa đã hơn một lần công bố số lượng các lễ hội 4 cấp, 5 cấp từ thôn làng đến quốc gia ở nước ta nhiều vô kể. Nếu xã hội hóa, hội của dân, tiền của dân đã đi một nhẽ. Đằng này do “còn cho còn phá” nên làm sao biết lễ hội tốn kém dường nào. Lãng phí nhỡn tiền mà người thủ đô hết ngày dài lại đêm thâu chứng kiến là các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội xuống cấp hư hỏng, bỏ hoang. Điều này lạ ở chỗ, không có ai hề hấn gì sau các vụ việc lãng phí động trời này.

Hằng ngày mở báo ra xem, tìm một cái tin người tốt việc tốt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm sao mà hiếm thế. Lật thêm trang khác thì thấy tin tức tham ô, lãng phí, tham nhũng tràn ngập mặt báo, đọc mà phát ngán. Xa xỉ hóa đang tràn lan. Trẻ con thi hát mà tiền thưởng là nửa tỉ. Tổng số các giải cho quán quân, người mẫu lên tới 2 tỉ đồng, bằng khoản cứu trợ khẩn cấp bão lũ dành cho cả một tỉnh. Cuộc thi xa xỉ và tốn kém khiến khán giả sửng sốt, hỏi tiền ở đâu ra mà lắm thế?

Đầu tháng 10 có một tin vui là Bộ Xây dựng - Vâng, chính là Bộ Xây dựng quyết định không xây trụ sở mới để tiết kiệm ngân sách. Ở cấp tỉnh cũng có tin vui tiết kiệm từ tỉnh Quảng Nam khi UBND tỉnh quyết định dừng tất cả kế hoạch cử cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài. Triết lý tiết kiệm ở Quảng Nam đáng được cổ xúy: “Cán bộ nào muốn đi nước ngoài thì phải tự bỏ tiền túi mà đi”. Thiết nghĩ các địa phương khác cũng nên học tập để thực hành chống lãng phí như chống tham nhũng!

B.D