Bộ Tài chính đồng tình với kiến nghị đưa phân bón thành mặt hàng chịu thuế GTGT

09:00 | 25/04/2020

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước kiến nghị của Bộ Công thương về việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0-5%, trả lời Petrotimes, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho hay, về cơ bản Bộ Tài chính đồng ý với kiến nghị nói trên và hiện nay đang chờ trình Quốc hội xem xét.    
bo tai chinh dong tinh voi kien nghi dua phan bon thanh mat hang chiu thue gtgtNghịch lý phân bón không chịu thuế GTGT
bo tai chinh dong tinh voi kien nghi dua phan bon thanh mat hang chiu thue gtgtĐưa phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết
bo tai chinh dong tinh voi kien nghi dua phan bon thanh mat hang chiu thue gtgtBộ Công Thương đề nghị đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng từ 0-5%

Trở lại thời gian trước năm 2015, theo quy định phân bón thuộc đối tượng phải chịu thuế GTGT. Nhưng sau đó, với mục đích giảm gánh nặng chi phí phân bón cho nông dân, Luật số 71/2014/QH13 đã sửa đổi tại khoản 3a Điều 5, mặt hàng này, không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Tuy nhiên, trước thực tế, nguồn khí (dùng để sản xuất), nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị máy móc… do không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên khi nhập khẩu, đầu tư, thuế đầu vào không được khấu trừ dẫn đến các nhà sản xuất phải tính vào giá thành các chi phí đó làm cho giá phân bón đẩy lên cao từ 5-8%. Và đương nhiên người nông dân phải “gánh” chi phi đó. Như vậy, mục đích của việc sửa đổi Luật GTGT đối với sản xuất phân bón đã không như ban đầu là giảm gánh nặng cho nông dân mà thực tế cho thấy ngược lại.

bo tai chinh dong tinh voi kien nghi dua phan bon thanh mat hang chiu thue gtgt
Sản xuất Đạm Phú Mỹ

Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số thuế GTGT không được khấu trừ, phải tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã lên tới hơn 3000 tỷ đồng và của 2 doanh nghiệp sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ) khoảng 2000 tỷ đồng.

Và không chỉ nông dân, ngay các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng gặp khó khăn khi áp dụng Luật số 71/2014, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh và thực hiện các cam kết FTA mà Việt Nam tham gia như hiện nay. Bởi với ưu đãi của các FTA, phân bón từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nga… lại có mức thuế bằng 0% khi nhập khẩu vào Việt Nam cho nên giá phân bón nhập khẩu lại có lợi thế hơn và tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt giữa phân bón ngoại và nội.

Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà nhận nhận với báo giới, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng vô hình trung đang khiến sản phẩm phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại do doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.

Và thực tế nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm đầu tư, thậm chí không muốn đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị… vì như vậy giá thành sản phẩm sẽ cao nữa, khiến khả năng thu hồi vốn chậm.

Trước tình thế đó, ngày 13/4/2020, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi quy định đối với sản xuất phân bón tại Luật số 71/2014/QH13 để đưa mặt hàng này vào danh sách chịu thuế GTGT. Đây là việc làm theo Bộ Công thương rất cần thiết, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn kéo dài do tác động của dịch Covid-19 đồng thời phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 27/2/2020 về phòng chống dịch Covid-19, phù hợp với xu thế chung của thế giới trong việc áp dụng thuế GTGT đối với sản xuất phân bón.

Trả lời Tạp chí điện tử Petrotimes, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Phạm Đình Thi cho biết Bộ Tài chính đã nhận được văn bản kiến nghị của Bộ Công thương và đồng ý với kiến nghị đó.

Hiện nay, kiến nghị này đã được Bộ Tài chính đưa vào nội dung sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó có nội dung đưa mặt hàng phân bón vào nhóm đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Theo ông Phạm Đình Thi, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, muốn sửa đổi luật phải được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhưng hiện nay, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi chưa được đưa vào chương trình họp Quốc hội kỳ này.

Là một nền kinh tế nông nghiệp, nếu việc điều chỉnh, sửa đổi đối với quy định áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón chậm ngày nào sẽ làm tổn thất không chỉ với người dân mà với cả doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước bởi ngân sách Nhà nước sẽ vừa thất thu khoản thuế GTGT từ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vừa bị “hao hụt” do chi phí sản xuất tăng lên, giá thành cao phải giảm lợi nhuận khi bán dẫn đến nộp ngân sách ít đi.

Tú Anh