Bộ Công Thương triển khai hiệu quả các giải pháp về xuất nhập khẩu
Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, đây là văn bản cấp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để sửa đổi phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời, tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành theo thẩm quyền 82 Thông tư và ký trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Từ đó, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, đặc biệt đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu.
![]() |
Bộ Công Thương Tiếp nhận hồ sơ miễn trừ phòng vệ thương mại đối với bột ngọt. |
Tính đến hết năm 2019, Bộ đã triển khai 56 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cấp độ 3 và 4. Đặc biệt, Việt Nam đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN. Toàn bộ quy trình, thủ tục xin cấp C/O mẫu D điện tử hoàn toàn qua mạng Internet, không tiếp nhận hồ sơ giấy, không phát hành bản C/O giấy.
Bộ Công Thương cũng quan tâm đến nâng cao năng lực dịch vụ logistics, cắt giảm chi phí logistics, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều các Kế hoạch hành động, Chỉ thị. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26 tháng 3 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.
Bên cạnh những cải thiện nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính, không thể không nhắc đến công tác phát triển thị trường của Bộ Công Thương với nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng (Liên Minh Châu Âu), là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng có công lớn trong khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả. Minh chứng là giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng cao liên tục trong nhiều năm. Các thị trường mới trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả cam kết CPTPP.
Đơn cử như xuất khẩu sang Canada năm 2019 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018, sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26,2%. Tính hết 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10,2% so với cùng kỳ (đạt 3,1 tỷ USD) và sang Mexico tăng 7,9% (đạt 2,34 tỷ USD).
Đối với Hiệp định EVFTA, việc triển khai tận dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực cũng có kết quả tích cực. Trong vòng hai tháng kể từ ngày 01 tháng 8 đến hết 30 tháng 9 năm 2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 20.680 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 830 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Đây đều là các mặt hàng xuất khẩu mà ta có lợi thế, thể hiện kết quả tận dụng khả quan ngay từ những ngày đầu Hiệp định được đưa vào thực thi.
![]() |
Thép là mặt hàng xảy ra nhiều vụ tranh chấp thương mại nhất trong 5 năm qua. |
Có thể khẳng định rằng, Bộ Công Thương đã thực sự chủ động trong công tác điều hành. Theo đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến công tác tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sử dụng các công cụ phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ cho sản xuất trong nước, đặc biệt là phòng vệ thương mại (điều tra áp thuế bán phá giá một số mặt hàng thép, đường lỏng, sơ xợi tổng hợp…). Đặc biệt là việc chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện CPTPP và EVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức.
Thành Công
-
Tin tức kinh tế ngày 4/4: Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD trong một tháng
-
Tin tức kinh tế ngày 28/3: Nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ
-
2 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước tăng gần 26%
-
Động lực tăng trưởng năm 2025: Ngành nào sẽ dẫn dắt?
-
Tin tức kinh tế ngày 4/2: Xuất nhập khẩu 15 ngày đầu năm vượt 34 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 7/4: Thu ngân sách Nhà nước quý I tăng gần 30% so với cùng kỳ
-
Quốc hội Mỹ tranh luận giới hạn quyền áp thuế của ông Trump
-
Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Ai sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 7/4: BP tìm kiếm Chủ tịch mới
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (31/3-6/4)