Bộ Công Thương: Không để thiếu hàng, sốt giá

17:23 | 08/09/2020

196 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hơn 1 tháng qua, điều được dư luận quan tâm nhất từ tâm dịch Covid-19 tại Đà Nẵng là tình hình sinh sống của người dân thành phố cảng. Sự ổn định của thị trường đã tiếp thêm niềm tin cho Đà Nẵng chống dịch, cũng thể hiện toàn diện hoạt động thương mại và dịch vụ nước ta trong 8 tháng năm 2020.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,68% so với tháng trước và chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).

bo-cong-thuong-khong-de-thieu-hang-sot-gia-1
Người dân Đà Nẵng tuyệt đối tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,4%; may mặc giảm 0,6%; phương tiện đi lại giảm 2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 4,5%. Việc lương thực thực phẩm tăng giá là việc đáng quan ngại bởi toàn bộ các ngành hàng khác liên quan đều giảm nhưng riêng giá một số loại thịt thông dụng, rau xanh, lúa gạo… lại tăng giá là điều bất hợp lý, đi ngược với quy luật thị trường.

Trong khi một số thành thị, tỉnh lớn doanh thu bán lẻ hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ như Hải Phòng tăng 11%, Hà Nội tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 9,4%; TP Hồ Chí Minh tăng 8,3%... Thì các tỉnh, thành phố được coi là trung tâm dịch Covid-19 hiện nay như Đà Nẵng, Khánh Hòa có doanh thu giảm tương ứng là giảm 4,9% và 6%.

Đáng lưu ý, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 322,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,8%). Mặt khác doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành bị thiệt hại trực tiếp do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại.

Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng ước tính đạt 335,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Các phân tích từ Bộ Công Thương cho thấy, thị trường các tỉnh thành phố trong 8 tháng qua tương đối ổn định. Đặc biệt từ sự nỗ lực chung tay của các bộ ngành và doanh nghiệp các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh thành phố có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đều thực hiện nghiêm về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với diễn biến dịch bệnh.

bo-cong-thuong-khong-de-thieu-hang-sot-gia-2
Thị trường bán lẻ được giữ ổn định cả về giá cả lẫn chất lượng lương thực thực phẩm.

Theo đó, Sở Công Thương các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh. Liên tục đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và chủ động thực hiện các phương án dự trữ cung ứng hàng hóa để bình ổn thị trường theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh đã xây dựng trước đây và có phương án về khả năng hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

Các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước đều ký cam kết về kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.

Từ các biện pháp hữu hiệu nêu trên, các thành phố lớn đang có ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là Đà Nẵng, công tác bình ổn giá cả thị trường đều được thực hiện tốt. Không xảy tình trạng tranh mua, ép giá người dân từ lương thực thực phẩm đến các mặt hàng cần sử dụng để phòng chống dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm thiết yếu…, khuyến khích các hình thức bán online. Đồng thời xem xét các yếu tố biến động mới của thị trường để tiếp tục triển khai các giải pháp sẵn sàng đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% và tăng 6,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% và giảm 15,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 974 tỷ đồng, giảm 61,8% và giảm 74,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% và giảm 4,3%.

Tùng Dương

Việt Nam đã không chế được đợt dịch Covid-19 thứ 2 Việt Nam đã không chế được đợt dịch Covid-19 thứ 2
Từ 0h ngày 7/9, khôi phục 100% vận tải liên tỉnh đi/đến Đà Nẵng Từ 0h ngày 7/9, khôi phục 100% vận tải liên tỉnh đi/đến Đà Nẵng
Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19 Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19
Vụ Thị trường trong nước: Luôn đủ xăng dầu phục vụ người dân Vụ Thị trường trong nước: Luôn đủ xăng dầu phục vụ người dân