Bình Thuận vươn tầm trở thành trung tâm năng lượng xanh của quốc gia

13:57 | 17/07/2024

104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với lợi thế riêng biệt về điều kiện tự nhiên đầy nắng, gió, Bình Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ về năng lượng sạch, nhằm hiện thực hóa định hướng Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sớm trở thành trung tâm năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh của quốc gia.
Để phát huy lợi thế dịch vụ cảng biểnĐể phát huy lợi thế dịch vụ cảng biển
Ngành vận tải biển đặt cược vào vận chuyển nhiên liệu sạchNgành vận tải biển đặt cược vào vận chuyển nhiên liệu sạch
Bình Thuận vươn tầm trở thành trung tâm năng lượng xanh của quốc gia
Ảnh minh họa

Ông Joe Uddo, Chủ tịch AES Việt Nam - chủ đầu tư dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, cho rằng với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người, Bình Thuận có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực năng lượng xanh. AES là nhà đầu tư của Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào năng lượng tương lai của Việt Nam. "Khối lượng khí của nhà máy sẽ đủ năng lực cung cấp năng lượng cho 15 triệu gia đình. Việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm và đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Dự án của chúng tôi ở Bình Thuận còn tạo cơ hội cho chuyển giao công nghệ, tri thức, tạo ra những sự khác biệt lâu dài trong lĩnh vực năng lượng" - ông Uddo kỳ vọng.

Ngoài dự án điện khí tại Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời.

Với số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn của các tỉnh khác, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao giúp Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời. Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng dự thảo Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động, phát điện với tổng công suất 1.409,71 MW; gồm 9 nhà máy điện gió với công suất 299,6 MW, 26 nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 1.110,11 MW. Các nhà máy này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký khảo sát, lập dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án với tổng công suất 25.200 MW được các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất; trong đó, dự án Thăng Long Wind có công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát…

Mới đây, tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng với điều kiện và lợi thế riêng, Bình Thuận được xác định là một trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch. "Bình Thuận cần tiếp tục tận dụng được lợi thế của vùng đất đầy nắng và gió. Đây chính là lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng. Bình Thuận có nguồn lớn về titan, khai khoáng… nhưng tài nguyên này rồi sẽ cạn kiệt. Chỉ có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo là động lực mới để Bình Thuận phát triển bền vững. Tôi cho rằng đây là một vấn đề có tính đột phá trong phát triển đối với Bình Thuận" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vùng đất Bình Thuận đầy gió và nắng là sự khác biệt so với các địa phương khác, đây chính là nguồn lực hấp dẫn mạnh nhất đối với các nhà đầu tư trong xu thế kinh tế hiện nay. "Khi chúng ta đặt mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, khi mà trong mỗi sản phẩm hàng hóa đều phải lượng hóa chi phí để xử lý CO2 thì năng lượng xanh chính là sự hấp dẫn thay thế những hấp dẫn trước đây: nguồn nhân lực giá rẻ, tài nguyên đất đai và miễn thuế..." - Phó Thủ tướng kỳ vọng.

PV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc