Bí mật đàm phán giữa Fidel Castro và Washington

06:55 | 30/07/2015

4,469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quan hệ Cuba - Mỹ đã mở ra một chương mới. Đây là kết quả một tiến trình dài hơi. Ít người biết rằng, thời Chiến tranh lạnh, Cuba và Mỹ từng có những cuộc thương lượng đầy kịch tính. Quyển “Back Channel to Cuba: The Hidden History of Negotiations between Washington and Havana” của William M. LeoGrande và Peter Kornbluh mới ấn hành đã cho thấy nhiều chi tiết…  
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul

“Cuộc chiến không tuyên bố”

Tháng 4/1959, Fidel Castro đến Mỹ. Ông có cuộc nói chuyện mật vỏn vẹn 20 phút với Phó tổng thống Richard Nixon. Chuyến đi Fidel được dàn xếp bởi Công ty Quan hệ Công chúng Bernard Relin and Associates, nơi nhận 75.000 USD/năm nhằm cải thiện hình ảnh Fidel tại Mỹ. Phái đoàn tháp tùng Fidel đã phớt lờ lời khuyên Bernard Relin and Associates về việc cạo râu và đổi trang phục màu xanh olive bằng veston.

Chuyến đi Fidel được thực hiện công khai. Hơn 1.500 người đã ra đón khi Fidel hạ cánh xuống National Airport tại Washington; 10.000 người nữa đợi ở Penn Station tại New York và 10.000 người nữa nghe ông nói chuyện tại Đại học Harvard. Đến vườn thú Bronx, lãnh tụ Cuba còn khiến nhiều người hoảng hốt khi thọc tay vào chuồng cọp.

Tại Đại học Princeton, Fidel gặp cựu Ngoại trưởng Dean Acheson. Đến Cambridge, Fidel ăn tối tại Câu lạc bộ Faculty với Trưởng khoa Nghệ thuật - Khoa học McGeorge Bundy (2 năm sau, với tư cách Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống John F. Kennedy, Bundy trở thành một trong những người thiết kế chiến dịch Con Heo lật đổ Fidel)…

Bí mật đàm phán giữa Fidel Castro và Washington
Tổng thống Mỹ Bacrack Obama và Chủ tịch Raul Castro

Quan hệ Mỹ - Cuba không gần gũi hơn sau chuyến đi của Fidel. Nội các Eisenhower tỏ ra bất bình với việc Fidel thành lập một chính phủ loại bỏ thành phần mà Mỹ tin là ôn hòa. Washington bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại với Cuba. Phần mình, Fidel “đáp lại” bằng thái độ gay gắt. Ngày 2/1/1961, nói chuyện trước đám đông nhân kỷ niệm lần thứ hai cuộc cách mạng, Fidel nói rằng Tòa đại sứ Mỹ là “một ổ gián điệp”, đồng thời yêu cầu giảm nhân viên từ 87 xuống còn 11 trong vòng 2 ngày. Hôm sau, Eisenhower cắt đứt quan hệ ngoại giao, đẩy Washington và Havana vào tình trạng “chiến tranh không tuyên bố”.

Những kênh liên lạc tuyệt mật

Sau khi Chiến dịch Con Heo thất bại, Tổng thống Kennedy bắt đầu chỉ thị phải tìm cách thức ôn hòa hơn đối với vấn đề Cuba. Thời Tổng thống Ford, Ngoại trưởng Kissinger cũng yêu cầu “làm việc trực tiếp với Fidel” và nên xem ông ấy như là “một người có tầm cỡ chứ không phải như một tên vô lại”. Jimmy Carter thậm chí ký một quyết định tổng thống nhằm “đạt được việc bình thường hóa quan hệ giữa chúng ta với Cuba” qua “các cuộc nói chuyện trực tiếp và bí mật”.

Ngày 16/10/1962, CIA báo cáo Kennedy việc Liên Xô lắp dàn tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên đất Cuba. Hồ sơ giải mật cho thấy Kennedy có kế hoạch tiếp cận Fidel qua trung gian Brazil. Kennedy chuẩn y việc gửi Fidel một thông điệp và nhờ đại sứ Brazil tại Havana chuyển đến Fidel như thể là sáng kiến riêng của Brazil. Bức thông điệp nói rằng, sự hiện diện dàn tên lửa Liên Xô đang đưa Cuba vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm và “Brazil” hứa giúp Fidel cải thiện quan hệ với Washington, nếu Fidel “đá” Liên Xô khỏi Cuba đồng thời ngưng ủng hộ các phong trào cách mạng tại Mỹ Latinh.

Nguồn đầu tiên liên quan chi tiết trên đến từ James Donovan. Cuối mùa thu 1962, James Donovan (nguyên luật sư New York) là phái viên Mỹ đầu tiên được Castro tỏ ra tin cậy. Đại diện cho Kennedy, James Donovan dàn xếp chương trình viện trợ thực phẩm và thuốc men trị giá 53 triệu USD cho Cuba để đổi lấy việc trả tự do cho thành phần Cuba lưu vong và điệp viên CIA bị bắt trong Chiến dịch vịnh Con heo. Tường trình CIA tất cả các chuyến đi Cuba, Donovan khẳng định rằng Chính phủ Havana sẵn sàng đàm phán. Cuối tháng 1/1963, khi chuẩn bị lên đường về Mỹ, Donovan được tùy viên Chủ tịch Castro, Rene Vallejo, nhắc lại “đề tài tái lập quan hệ ngoại giao hai nước”.

Đầu tháng 3/1963, một viên chức Bộ ngoại giao Mỹ đề nghị Donovan đặt điều kiện với Castro về việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moscow như là yêu cầu buộc phải tuân theo để Cuba có thể thương lượng mọi vấn đề khác. Tuy nhiên, Kennedy bác bỏ. Thượng tuần tháng 6/1963, “Nhóm Đặc biệt” (các viên chức cấp cao Mỹ liên quan kế hoạch đàm phán Cuba), trong đó có Cố vấn An ninh quốc gia Bundy, Giám đốc CIA John McCone, Thứ trưởng Ngoại giao Alexis Johnson…, kết luận rằng Mỹ có thể dùng Donovan làm kênh liên lạc trực tiếp nhưng cũng nhấn mạnh, Washington phải chủ động, hơn là chờ tín hiệu từ Cuba.

Trong vụ này, ngoài James Donovan, còn có phóng viên ABC News Lisa Howard. Tháng 4/1963, Lisa Howard cùng nhóm phóng viên truyền hình ABC News đã có mặt tại Cuba. Để được gặp Castro, Lisa Howard nhờ James Donovan giúp. Nhờ vậy, Lisa Howard đã thực hiện được cuộc phỏng vấn độc quyền với Castro. Đó cũng là lần đầu tiên Fidel Castro xuất hiện trên truyền hình Mỹ kể từ năm 1959. Buổi phỏng vấn được phát sóng ngày 10/5/1963. Nhà Trắng nhận được kịch bản phỏng vấn từ một tuần trước và từng tính cản trở kế hoạch phát sóng nhưng sau đó không thực hiện.

Trong nhiều vấn đề bàn luận trong cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Castro đã nhắc đến khả năng thiết lập quan hệ tốt hơn với Mỹ. Vài tháng sau, trong phóng sự mang tựa “Castro’s Overture” đăng trên tờ War/Peace Report, Lisa Howard viết rằng buổi phỏng vấn Castro kéo dài 8 giờ đã cho thấy Fidel Castro thật sự muốn thương thuyết với Mỹ và yêu cầu Chính phủ Kennedy nhanh chóng chụp cơ hội. Phía sau hậu trường, Lisa Howard tự đặt mình vào vị trí nhân vật trung gian. Như James Donovan, Lisa Howard cũng báo cáo CIA tất cả những gì mình thu lượm nhưng bà không biết rằng, Giám đốc CIA John McCone phản đối kịch liệt kế hoạch sử dụng Lisa làm kênh liên lạc thứ hai.

Tuy nhiên, tháng 9/1963, Lisa Howard đã trở thành một kênh bí mật của Nhà Trắng, thông qua William Attwood, viên chức ngoại giao Mỹ tại LHQ. Vốn xuất thân từ giới báo chí (biên tập tờ Look), Attwood cũng từng phỏng vấn Castro năm 1959. Quen thân Lisa Howard, Attwood cùng chia sẻ quan điểm tái lập quan hệ bình thường Mỹ - Cuba. Tại LHQ, Attwood từng nghe Đại sứ Guinea Seydon Diallo kể rằng Castro rất bất mãn cách mà Liên Xô hành xử trong vụ khủng hoảng tên lửa vào tháng 10/1962. Trong bản ghi nhớ hai trang đề ngày 18/9/1963 và gửi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Averell Harriman và Đại sứ Mỹ tại LHQ Adlai Stevenson, Attwood nhấn mạnh khả năng có thể đàm phán với Cuba theo hướng có lợi cho Mỹ.

Ngày 20/9/1963, Adlai Stevenson nhận tín hiệu xanh từ Kennedy, chuẩn y việc Attwood gặp Đại sứ Cuba tại LHQ Carlos Lechuga. Tháng 9/1963, Lisa Howard đến gặp William Attwood với đề xuất tổ chức cuộc họp Attwood-Lechuga tại nhà mình. Ngày 23/9/1963, Attwood và Lechuga đến căn hộ Lisa Howard tại Manhattan “dự tiệc cocktail” nhưng thật ra hai người lẻn vào góc phòng và bàn kế hoạch cuộc gặp cấp cao. Hai tuần sau, Castro gửi thông điệp đến Lisa Howard (thông qua Carlos Lechuga), cho biết Havana sẵn sàng nói chuyện. Kennedy rất hồ hởi. Ngày 24/9, Attwood gặp Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy tại Washington, báo cáo toàn bộ chi tiết cuộc gặp Lechuga. Cùng lúc, Lisa Howard đề nghị sử dụng nhà riêng mình làm trạm liên lạc bí mật cho các cú điện trực tiếp giữa Washington và Havana, khởi động tiến trình thương thuyết chính thức.

Ngày 14/11/1963, Lisa Howard móc liên lạc tùy viên Castro, Rene Vallejo và cung cấp giờ hẹn để Vallejo nói chuyện điện thoại trực tiếp với Attwood tại nhà bà. Trong cuộc đàm thoại diễn ra lúc 2 giờ sáng ngày 20/11, Vallejo (từ Havana) cho biết ông không thể đến New York vào thời điểm trên nhưng “chúng tôi” (ám chỉ ông ta và Castro) “sẽ chỉ thị Lechuga để đề xuất và thảo luận một chương trình nghị sự cho cuộc gặp sau này với Castro”. Cuối tháng 10/1963, William Attwood tổ chức cuộc gặp giữa Kennedy và phóng viên Pháp Jean Daniel (sắp lên đường sang Cuba phỏng vấn Fidel Castro).

Kennedy muốn đích thân Jean Daniel truyền đạt trực tiếp với Castro về nguyện vọng tái lập quan hệ bình thường và thậm chí yêu cầu Jean Daniel nhắc Castro để ý đến bài diễn văn sắp tới của mình. Ngày 19/11/1963, trong diễn văn trước Hiệp hội Báo chí liên Mỹ tại Miami, Kennedy nói rằng, nếu Chính phủ Castro hạn chế quan hệ Liên Xô và ngưng chiến dịch ủng hộ phong trào Cộng sản tại Mỹ Latinh, Nhà Trắng có thể bỏ qua những khác biệt khác giữa hai nước. Đó là thông điệp thứ nhất.

Thông điệp thứ hai được gửi đến Castro thông qua Jean Daniel, với nội dung Kennedy rất thấu hiểu thái độ chống Mỹ của Castro, rất xấu hổ về “vô số tội lỗi” gây cho Cuba và rằng chính sách cấm vận Cuba sẽ được tháo bỏ nếu Castro ngưng quan hệ “không lành mạnh” với Liên Xô. Ngày 22/11/1963, Jean Daniel gặp lãnh đạo Cuba tại ngôi nhà bãi biển của Castro ở Varadero. Buổi trưa, khi cùng Jean Daniel dùng bữa, Castro nhận được cú điện, thông báo John F. Kennedy bị ám sát. Kế hoạch đàm phán Mỹ - Cuba chết yểu.

Lại là Kissinger!

Hơn một thập niên sau, tháng 2/1974, nhà hoạt động thuộc đảng Dân chủ Frank Mankiewicz cùng hai đồng nghiệp, Saul Landau và Kirby Jones, bí mật đến Cuba. Họ chuyển một “thư ngắn, viết tay, không ký tên” từ Ngoại trưởng Kissinger cho Fidel. “Đây là cách tôi làm với Chu Ân Lai” - Kissinger nói với Mankiewicz. Trong thư, Kissinger đề nghị sẵn sàng đàm phán song phương qua trung gian. Kissinger lợi dụng những tuần cuối cùng của Nội các Nixon để móc nối Cuba. “Tôi không nghĩ tôi sẽ báo cho Nixon vì ông ấy rất ghét Fidel”. Kissinger thậm chí giữ bí mật kế hoạch với cả Hội đồng an ninh quốc gia và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Người phó của Kissinger, William D. Rogers, nhớ lại: “Chỉ Kissinger, (Lawrence) Eagleburger và tôi là biết được kế hoạch. Chúng tôi rất sợ bị rò rỉ. Chúng tôi đang xử lý một khối thuốc nổ”. Kế hoạch bí mật đến mức cả Tổng thống Ford cũng không được báo cáo. Kênh liên lạc mật Kissinger cuối cùng dẫn đến loạt cuộc đàm phán mật trong năm 1975 và 1976.

Tuy nhiên, kế hoạch Kissinger bị cản trở vào tháng 4/1975, khi Fidel đưa hàng trăm cố vấn quân sự đến Angola để ủng hộ một nhóm cách mạng giành độc lập từ Bồ Đào Nha. Tháng 7/1975, với giúp đỡ của Liên Xô, Cuba thực hiện chiến dịch quy mô khi đưa 36.000 quân vào Angola nhằm bảo vệ thủ đô Luanda không rơi vào tay Nam Phi. Kissinger tỏ ra tức giận, nói rằng, Fidel không chịu hy sinh chính sách với châu Phi để đạt được sự bình thường hóa với Mỹ. Tại buổi họp tại Phòng Bầu Dục ngày 25/2/1976, Kissinger bắt đầu nói đến việc “nghiền nát Fidel”. Và tại buổi họp ở Chái tây Nhà Trắng vài tuần sau, Kissinger lại nói: “Tôi nghĩ sớm muộn gì chúng ta cũng phải đập nát bọn Cuba. Tôi nghĩ chúng ta phải làm nhục chúng”.

Ngày 24/3/1976, Kissinger chủ trì nhóm đặc biệt gồm Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, Phó giám đốc CIA Vernon Walters và cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft. Nội dung cuộc họp là phác thảo kế hoạch khống chế Cuba tại châu Phi. Giải pháp quân sự được đưa ra, với chiến dịch đánh phá cầu cảng và các căn cứ quân sự tại Cuba đồng thời đưa thủy quân lục chiến đến Guantánamo. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành hiện thực, khi Jimmy Carter đắc cử tổng thống. Suốt từ đó, việc bình thường hóa với Cuba gần như bỏ ngỏ…

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 443

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc