Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 28)

07:10 | 22/10/2014

6,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vậy chúng ta sòng phẳng với nhau nhé. Anh nghĩ thế nào khi Công an tỉnh Lai Châu có tài liệu chứng minh là trong những năm qua, cụ thể là sau khi ra tù, anh vẫn buôn bán ma túy.

Năng lượng Mới số 366

>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 27)

Lúc giám đốc giao cho tôi làm Phó ban Thường trực chuyên án để điều tra vụ án Nguyễn Văn Thư phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và làm rõ những khoản tiền mà hắn đã chi hối lộ các quan chức, tôi cũng không nghĩ là sau này mình lại phải vướng vào một vụ án phức tạp đến khủng khiếp như vậy. Tìm cho ra những thủ đoạn phạm tội của các đối tượng vô cùng nham hiểm tinh vi tuy khó, nhưng lại còn dễ chịu hơn rất nhiều so với vô vàn sự phức tạp khác.

Nhưng mọi việc vẫn phải bắt đầu từ vụ tên Thư và hai bánh  hêrôin”.

***

Vũ và Thiếu tá Cường, Đội phó Đội Điều tra trọng án, một điều tra viên nữa và một cán bộ của Viện Kiểm sát ngồi trong phòng hỏi cung.

Nguyễn Văn Thư được hai cảnh sát bảo vệ dẫn giải ra. Mới có ít ngày mà Thư đã già xọp hẳn đi. Khuôn mặt hốc hác, mắt thâm quầng, râu ria mọc tua tủa; tóc không chải rối bù.

Thiếu tá Cường rót nước cho Thư. Hắn nhấp một ngụm nhỏ rồi khẽ hỏi:

- Cán bộ nào có thuốc không cho tôi xin một điếu.

Vũ nhìn mấy anh em, hóa ra không ai hút thuốc. Anh điều tra viên mau mắn:

- Chúng tôi không hút thuốc. Nhưng được rồi, để tôi đi kiếm thuốc cho anh.

Nói rồi anh chạy xuống căng-tin mua một bao Vinataba. Trong lúc đó, Vũ hỏi nhẹ nhàng:

- Mấy đêm vừa rồi, nghe nói anh không ngủ được.

- Vâng, thưa cán bộ. Vì tôi phải tự suy nghĩ để điều tra ra, ai là kẻ đã bỏ hêrôin vào xe của tôi.

- Và anh đã tìm ra thủ phạm?

Thư lắc đầu:

- Thưa cán bộ, tôi chưa nghĩ ra. Tôi không tin là thằng Túc dám làm việc này. Nó là đứa trung thành, không dám tự ý làm bất cứ việc gì mà không hỏi tôi kể cả việc đưa xe đi rửa.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 28)

- Vậy chúng ta sòng phẳng với nhau nhé. Anh nghĩ thế nào khi Công an tỉnh Lai Châu có tài liệu chứng minh là trong những năm qua, cụ thể là sau khi ra tù, anh vẫn buôn bán ma túy.

Thư nhanh nhẹn gật đầu:

- Đúng vậy. Tôi có làm vài chuyến. Nhưng ba năm nay, tôi đã thôi. Nếu công an có đủ chứng cứ về cái lần tôi đi buôn trước, tôi xin chịu tội. Nhưng lần này, tôi xin thề là tôi không làm việc đó.

Anh điều tra viên mang thuốc lá vào. Thư châm thuốc, rít hai hơi liền, nét mặt dãn ra, đỡ căng thẳng. Đội phó Cường hỏi:

- Vì sao anh biết Túc trốn!

- Một phạm nhân mới bị bắt cho tôi biết.

- Nếu Túc không phải là thủ phạm thì tại sao hắn phải trốn?

- Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về chuyện đó. Có thể nó sợ quá chăng vì chiếc xe giao cho nó quản lý, trông nom. Trừ nó và tôi ra, không ai có chìa khóa. Hơn nữa, xe được lắp hệ thống báo động. Nếu có chìa khóa lạ cho vào, còi rú ngay và không thể nổ máy được.

Vũ nói:

- Về logíc sự việc thì anh khó có thể chối được tội đã buôn bán vận chuyển ma túy.

- Vâng! Tôi hiểu.

- Nhưng nói thật nhé, tôi cũng không tin là anh làm việc này.

- Cán bộ nói thật chứ!

- Tại sao tôi phải nói dối anh? Anh là người thông minh, anh từng buôn bán ma túy, cho nên anh hiểu hơn ai hết cái giá mà anh phải trả cho việc đó, nếu như anh bị lộ, bị bắt. Trong khi ấy, công ty anh đang ăn nên làm ra... Theo lẽ thường là anh phải lo cho sự an toàn hơn là lao vào con đường ma túy. Tôi suy diễn thế, anh thấy sao? Hơn nữa, anh có nhiều đệ tử, tại sao lại tự mình phải mang hàng?

Thư ngẩn người ra, bỗng nét mặt hắn dại hẳn đi. Hắn quỳ thụp xuống:

- Thưa cán bộ, tôi rất biết ơn cán bộ đã hiểu đúng cho tôi. Vâng, đúng là như vậy. Đúng như vậy. Xin cán bộ hãy điều tra, tìm giúp tôi kẻ nào đã gắp lửa bỏ tay người như thế này.

Anh điều tra viên đỡ Thư ngồi lên ghế. Cường nói:

- Thôi được rồi, tạm thời ta chưa bàn đến việc hai bánh hêrôin đó. Chúng tôi sẽ giúp anh tìm ra thủ phạm. Anh cũng phải giúp một tay đấy nhé. Và tất nhiên, nếu như anh không chứng minh được sự vô can của mình thì... thì khó đấy. Có quý Viện  Kiểm sát ở đây chứng giám nhé.

Anh cán bộ kiểm sát cũng động viên:

- Anh Thư cứ bình tĩnh nhớ lại mọi sự việc. Liệu có lúc nào anh sơ hở không, liệu có lúc nào anh cho ai mượn xe không? Và ai dám đảm bảo là tên Túc không lợi dụng chiếc xe của anh, có thể hắn đã vận chuyển nhiều chuyến rồi thì sao?

- Tôi tin thằng Túc lắm. Nó là đứa trung thành, trung thành tuyệt đối. Nếu bảo nó chết thay tôi, có lẽ nó không ngần ngại. Tôi xin các cán bộ một điều? - Thư ngập ngừng.

- Anh cứ nói - Vũ châm thêm cho hắn điếu thuốc.

- Cảm ơn cán bộ. Xin cán bộ hãy bằng mọi cách làm thế nào để thằng Túc biết được tôi đang chịu nỗi oan tày trời thế này. Tôi cam đoan với các cán bộ,  nếu  thực sự  thằng Túc không làm việc đó, nó sẽ ra đầu thú để chứng minh cho tôi.

- Ý kiến rất hay - Vũ nói - Rất có lý đấy. Bây giờ chuyển qua việc khác. Chúng tôi muốn hỏi anh về quyển sổ và những khoản tiền anh chi biếu xén các quan chức.

Thư thở dài não nuột:

- Tôi có thể là thằng keo kiệt, vì thế chi đồng nào tôi đều ghi vào giấy rất cẩn thận. Làm ăn kinh tế bây giờ nó là thế. Không có đồng tiền đi trước làm gì có công việc cho mình. Gọi là hối lộ cũng được, gọi là, gọi là... “cảm ơn” cũng được, gọi là “bồi dưỡng” cũng được. Đơn giản là mình kiếm được mười, cũng nên chia sẻ cho người này người khác dăm ba. Ai lại húp nước cả cặn. Nếu nghĩ như vậy thì sẽ thanh thản hơn.

Thư im lặng một lát rồi ngẩng đầu lên, nói cương quyết:

- Tôi biết số phận tôi đã được định đoạt, không phải vì hai bánh hêrôin đâu, bởi lẽ tôi vô tội trong việc đó. Nhưng tôi sẽ chết vì quyển sổ này... Những người từng được tôi biếu xén, trong số đó có người đã giúp tôi, có người chưa biết tôi, có người chỉ quen tôi và có những người chẳng có liên quan gì đến tôi, nhưng chắc chắn rằng chẳng ai muốn tôi tồn tại với một quyển sổ như thế này.

Về chuyện cuốn sổ, như vậy là chấm dứt. Các anh cán bộ tha lỗi, nếu có mang bắn tôi ngay bây giờ, tôi cũng không nói thêm điều gì về nó đâu. Biếu tiền người ta rồi đi tố giác người ta, có loại người nào hèn hạ hơn thế không.

***

Buổi tối ở nhà Trần Quang Vũ. Chị Thục ngồi đánh máy vi tính. Vũ bóp chân bóp tay cho thằng bé bị dị tật bẩm sinh do anh nhiễm chất độc da cam. Thi thoảng anh lại chạy vào bếp ngó nồi cá kho đang sôi, bốc hơi nghi ngút. Mùi cá kho đằm đặm, mùi lá gừng thơm nhè nhẹ... làm cho nồi cá kho hương vị quyến rũ đặc biệt.

Thục thấy anh chạy vào ngó nồi cá kho liền nói với chồng:

- Anh Lân tài thật đấy, bận bịu suốt ngày, thế mà vẫn đi câu được.

- Đi câu hay đi mua? - Vũ buột miệng nói và anh thấy lỡ lời. Thục nhìn anh hơi khó chịu:

- Anh bắt đầu nghi ngờ về bạn mình từ ngày nào vậy. Đúng là nghề công an có khác, giống hệt bác sĩ, ngó chỗ nào cũng thấy bệnh.

Vũ cười xí xóa:

- Anh đùa đấy mà. Lân mang cá đến lúc nào?

- Lúc nửa buổi. Anh ấy câu được ba con cá chép to lắm. Cho nhà mình con to nhất, con ấy gần hai cân. Tội nghiệp chị Mai, đúng lúc chồng ăn nên làm ra, có danh vọng, có tiền tài thì lại chẳng sống được. Dạo này anh có qua thăm anh Lân không?

- Ờ... ờ, cũng ít qua vì hay gặp nhau ở các hội nghị.

- Em nghe đồn là anh ấy sống già nhân ngãi, non vợ chồng với một cô nào đó, mà hình như là gái bia ôm. Không khéo là khổ mấy đứa con. Chỗ bạn bè, mình cũng phải để ý đến anh ấy một chút.

- Người sơ đâu dám chia rẽ người thân. Khó nói lắm.

- Thì thế mới cần có bạn. Bọn trẻ con đang tuổi dở lớn, chúng suy nghĩ manh động và mặc cảm lắm. Mẹ thì mất, bố tuy lắm tiền nhưng chả lo gì đến nhà... không khéo họa từ đấy.

Có tiếng chuông điện thoại, Vũ nhấc máy:

- Alô, tôi xin nghe đây.

- Vũ đấy hả. May quá gặp ông rồi. Chiều tôi qua nhà biếu ông con cá câu được, bà ấy làm chưa? - Tiếng của Lân trong máy nghe rất rõ. Vũ hơi giật mình vì thoáng nghĩ đến việc vợ chồng anh vừa nhắc đến Lân. Vũ cười:

- Sao ông thiêng thế. Vợ chồng tôi vừa nói về ông. Tôi đang nghi là ông đi mua cá về cho tôi bởi vì tôi biết ông làm gì có thời gian... bà ấy đang mắng tôi là “Tào Tháo” đấy.

- Làm công an thì anh nào chả đa nghi. Tôi nghiện câu như nghiện ma túy. Một tuần không đi được một đôi lần thì nó lên cơn vật không thể chịu được. Hôm nay tôi được ưu tiên vào câu ở hồ của trại tạm giam. Cá nhiều quá.

- Thế à. Vậy thì tôi cũng phải học đi câu thôi. Cá ông cho đang kho đây, ông có ngửi thấy mùi thơm không?

- Hì hì, có! Này, đến chỗ tôi uống rượu đi. Lâu quá rồi mình không ngồi với nhau.

Vũ ngần ngại:

- Ông... ông để khi khác được không? Tôi còn phải cho thằng bé ăn cơm.

- Thôi, nhờ bà ấy đi. Ông ra ngay đây, có chuyện vui đấy. Rất vui cho ông?

- Chuyện gì? Cứ ra rồi khắc biết. Đến nhà hàng Nam Sơn một I nhé. Phòng 9 tầng 2. Không được chối từ đâu nhé. Tôi chờ.

Nói rồi, Lân buông máy. Vũ ngại ngần nhìn vợ. Thục hiểu ý:

- Mình cứ đi với anh Lân. Người đâu mà đến bạn mời uống rượu cũng ngại thế là sao?

* * *

Vũ đi xe máy đến nhà hàng Nam Sơn I. Anh vừa dừng xe thì đã có một anh chàng nom lạ mặt đon đả:

- Anh là bạn anh Lân ạ?

- Vâng!

- Em mời anh đi lên trên này.

Trong một căn phòng nhỏ sang trọng và mát rượi, có  Lân, Hoàng, Thượng tá Luân và Vũ sững người khi thấy có một người khá nổi tiếng ở tỉnh đó là ông Lưu Văn Mạnh, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Tri thức, một tờ báo nổi tiếng về  hay đưa ra những quan điểm đối lập với chính quyền trong quản lý kinh tế.

Lưu Văn Mạnh là một người khá cao lớn nhưng lại có cái mặt nhỏ hơn rất nhiều so với thân hình đồ sộ của anh ta. Được coi là một tờ báo có thế lực ở tỉnh vì hay “chọc ngoáy” chính quyền, nói theo ngôn ngữ “bình dân” của báo giới cho nên Lưu Văn Mạnh đã triệt để sử dụng uy tín của tờ báo để làm công cụ cho mình.Vì thế không phải bỗng dưng mà dân báo chí ở tỉnh gọi anh ta bằng cái tên “Lưu Văn Manh”.

Lân vui vẻ giới thiệu với mọi người:

- Thưa các anh, tôi với anh Vũ là cũng học với nhau từ khi còn nhỏ. Anh Vũ học chữ Hán, tiếng Pháp chắc chắn hơn tôi.

Thượng tá Luân chỉ Vũ nói đùa:

- Chùa đất Phật vàng. Bây giờ mới biết cậu giấu tài.

- Học Tam tự kinh từ ngay xưa, giờ quên hết rồi - Vũ nói - Tôi được may mắn theo học ông giáo Hàn là cụ thân sinh của anh Lân. Nhưng tôi học chậm hiểu, nên hay bị ông cụ cho ăn roi lắm. Nhưng bây giờ ngẫm lại, chính những roi vọt ngày ấy giúp mình nên người đấy.

Hoàng nói chen vào:

- Yêu cho roi cho vọt, các cụ ngày xưa nói cấm có sai câu nào. Giáo dục bây giờ toàn đi ngược lại. Học trò cãi thầy nhem nhẻm, lại còn đòi dân chủ, bình đẳng giữa thầy và trò... Thế là cá mè một lứa, rồi nảy nòi ra những loại trò xách dao chém thầy.

Lân ngăn Hoàng:

- Thôi, chúng ta không nên sa đà vào những đề tài mà không thuộc phạm vi của mình. - Lân chuyển sang Vũ - Mọi người ở đây anh Vũ quen cả, nhưng hình như có anh Mạnh, Tổng biên tập Báo Kinh tế Tri thức là hai người chưa gặp nhau.

Vũ bắt tay Mạnh bằng thái độ trọng thị. Ngược lại, Mạnh tỏ ra cao đạo, vẫn ngồi và chỉ chìa tay hờ hững rồi nói với giọng kẻ cả:

- Không gặp nhau chưa hẳn đã dở và gặp được nhau chưa chắc đã hay, phải không hai ông đồ Nho không gặp thời.

Lân xua tay:

-  Nên gọi hai chúng tôi là loại... loại “đồ... đểu”, mới đúng!

Câu nói đùa hóm hỉnh, thông minh và tự giễu mình của Lân làm mọi người cười ồ lên khoái chí. Lân trịnh trọng nói tiếp:

- Thưa các anh, hôm nay, nhân sinh nhật anh Hoàng, Phó tổng giám đốc của Tổng Công ty Nam Sơn, chúng tôi mời các anh là những người... những chiến hữu tốt mà nói theo tiếng Pháp là “ bông cô panh” ( Bon copains), tới uống chén rượu. Trước là “chia buồn” với với anh Hoàng vì phải già thêm một tuổi, sau là mừng sức khỏe cho tất cả chúng ta.

Mọi người nâng ly chúc sức khỏe Hoàng. Thượng tá Luân trách yêu Lân:

- Thế mà lúc nãy tôi hỏi, anh không chịu nói lý do. Vậy là chúng tôi có lỗi rồi. Đi mừng sinh nhật mà tay trắng, thật không ra sao.

Mạnh nói:

- Thôi, đành lấy rượu chúc mừng chú em!

Hoàng vội vã nói:

- Các ông anh đến thế này là chiếu cố thằng em lắm rồi. Lẽ ra em phải có nhời mời các anh, nhưng biết các anh bận quá, nên em không dám. May mà có anh Lân... Em xin nâng cốc chúc sức khỏe các anh và mong các anh quan tâm đến công ty chúng em.

Được vài tuần rượu, Thượng tá Luân cầm ly đứng dậy:

- Có điều này, tôi xin tiết lộ với các bạn... Chiều hôm nay, Đảng ủy Công an tỉnh đã họp và thống nhất đề bạt anh Vũ làm Trưởng phòng Cảnh sát điều tra. Phòng Tổ chức cán bộ được giao cho khẩn trương làm thủ tục. Hy vọng tháng sau, chúng ta được nâng ly chúc mừng tân trưởng phòng.

Vũ cảm thấy rất ngượng khi Thượng tá Luân nói điều này tại một nơi mà theo anh là hoàn toàn không thích hợp. Trong khi anh chưa biết nói thế nào thì mọi người đứng dậy, nồng nhiệt chúc mừng .

- Chúc mừng anh Vũ.

- Chúc Trưởng phòng khỏe.

Vũ ngượng ngùng chưa biết nói sao thì Luân nói luôn:

- Chúng ta cũng phải mừng anh Vũ  là đã được ban giám đốc đặc biệt tin cậy giao cho trọng trách điều tra vụ án tên Thư. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng về nhiều mặt. Hành vi buôn bán ma túy của nó chỉ là chuyện nhỏ... mà thôi, nên để cán bộ trực tiếp thụ lý “phát ngôn”, như thế chính xác hơn có phải không?

Vũ hơi lắc đầu:

- Cũng đã có gì mới đâu. Thằng Thư thì chưa nhận. Cũng cần mất nhiều thời gian nữa.

Mạnh cười khẩy:

- Tôi biết là ông giữ bí mật chuyên án... Cũng nên như thế, như vậy thì có lợi cho ông hơn. Tôi được biết là giám đốc nhà các ông ra lệnh điều tra xem ai cung cấp tin về vụ bắt tên Thư cho báo chí và tất nhiên, trong đó có báo của chúng tôi. Nói xin lỗi hai anh công an, ông Công mà cư xử với báo chí như vậy thì không tồn tại được lâu đâu.

Vũ nhìn Lưu Văn Mạnh khó chịu rồi nói lạnh lùng:

- Mỗi ngành mỗi nghề có nguyên tắc riêng, quy định riêng của nó. Còn chuyện anh Công, tồn tại lâu hay chóng không phải là vì mấy tờ báo lá cải.

Mạnh nóng mắt vừa định nói điều gì thì Lân xí xóa:

- Thôi, các ông hay sa vào chính trị nhỉ. Hôm nay, chúng ta hãy “vê e lờ xê” - Vui là chính!

Hoàng cũng vội phụ họa:

- Cái thằng cha Lữ, nghĩ ra cái tên công ty Dịch vụ giải trí VLC quả là thông minh. Đến cơ quan: “Việc là chính”; ở nhà: “Vợ là chính”; đi với gái: “Ví là chính”; đi chơi: “Vui là chính”; đi họp: “Vờ là chính”... Hì hì! nhưng không khéo “Vui là chết”!

Mọi người cười ồ lên và tạm quên đi chuyện của Mạnh và Vũ. Nhưng Vũ thì thấy mất vui và anh cũng cảm thấy sự có mặt của mình ở đây là có điều gì đó không bình thường. Nghĩ vậy, anh cầm ly rượu đứng lên:

- Báo cáo anh Luân và các anh. Tôi xin phép phải về vì hôm nay thằng bé bị ốm. Anh Lân thì quá biết hoàn cảnh nhà tôi. Bây giờ xin phép các anh, tôi mạn phép uống với mỗi anh một ly.

Hoàng gạt đi:

- Anh Vũ đừng về giữa chừng. Đã xin phép chị ấy rồi mà?

- Các anh thông cảm cho. Nào, ly đầu xin chúc sinh nhật anh Hoàng.

Vũ chạm ly rồi uống cạn ly rượu.  Anh lại tự rót cho mình một ly khác, khá đầy.

- Xin chúc sức khỏe anh Luân.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps