Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 27)

07:07 | 18/10/2014

7,101 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo đồng chí Trưởng ban, chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc này. Tuy vậy, để cho đảm bảo khách quan, chúng tôi muốn mời một cán bộ của Ban Nội chính cùng tham gia...

Năng lượng Mới số 365

>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 26)

Vũ vừa nói tới đó thì có một sĩ quan cấp hàm thiếu úy nói:

- Báo cáo đồng chí giám đốc. Có đồng chí Vũ Quốc Chương, Trưởng ban Nội chính đến gặp.

- Đồng chí mời anh ấy đợi tôi ở phòng khách.

Đại tá Công vừa nói xong thì Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, ông Vũ Quốc Chương bước vào. Đó là một người đàn ông chạc ngoài 50, có nét mặt cương nghị và ánh mắt sắc lạnh.

- Chào các đồng chí. Tôi đến quá đường đột phải không?

- Dạ, vâng. Chúng tôi đang nghe Chỉ huy phòng Cảnh sát điều tra báo cáo kết quả điều tra ban đầu.

- Việc án từ của các đồng chí, chúng tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, có việc này, đồng chí bí thư yêu cầu Công an tỉnh phải làm thật gấp: Thứ nhất, xác định độ tin cậy những thông tin trong cuốn sổ. Thứ hai, tiến hành khẩn trương để báo cáo tỉnh ủy. Đồng chí bí thư đã hỏi vợ và chị ấy nhận là hôm sinh nhật đồng chí bí thư, tên Thư có đem quà đến, có chai rượu, hộp bánh và một phong bì mười triệu đồng. Sáng nay, đồng chí ấy đã làm bản tường trình cho Thường vụ tỉnh ủy và đem nộp số tiền đó rồi. Mấy hôm nay dư luận đang rất xôn xao về việc này, vì thế chúng ta phải làm nhanh và phải minh bạch, công khai.

Đại tá Công đứng dậy:

- Báo cáo đồng chí Trưởng ban, chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc này. Tuy vậy, để cho đảm bảo khách quan, chúng tôi muốn mời một cán bộ của Ban Nội chính cùng tham gia...

- Không cần - Ông Trưởng ban xua tay - Làm như thế người ta dễ nghĩ là tỉnh không tin công an. Các đồng chí cứ tiến hành điều tra theo đúng luật định. Chỉ cần có Viện Kiểm sát tham gia từ đầu là đủ. Một việc nữa, tôi nhắc các đồng chí, phải tuyệt đối giữ bí mật. Bởi vì sao, chúng ta làm nghiêm nhưng phải biết giữ uy tín cho cán bộ. Ai dám đảm bảo những điều tên Thư viết trong sổ là đúng hết.

Bỗng nhiên ông cười gượng gạo:

- Trừ đồng chí bí thư ra, còn những người khác, thì theo các đồng chí, họ sẽ có thái độ thế nào?

Mọi người im lặng trước thái độ của ông Trưởng ban Nội chính. Im lặng một lát rồi ông tự trả lời:

- Sẽ không có mấy người nhận đâu. Thôi các đồng chí tiếp tục họp đi. À quên, tôi dặn lại, những điều tôi vừa nói, các đồng chí cứ cho là ý kiến tham khảo. Đó không phải là ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính đâu nhé.

Ông Vũ Quốc Chương đi rồi, mọi người ngơ ngác nhìn nhau vì kiểu nói lấp lửng khó hiểu của ông.

Thượng tá Luân thì cười khẩy. Giám đốc Công an tỉnh Trần Công thì lắc đầu nhè nhẹ; Trung tá Tình nhếch mép cười khó hiểu. Riêng Trần Quang Vũ, vẫn giữ thái độ thản nhiên.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 27)

Đại tá Công tiếp tục:

- Vụ này chắc chắn sẽ kéo dài và có nhiều tình huống phức tạp. Để tập trung điều tra, tôi quyết định thành lập Ban Chuyên án. Hôm nay ngày
28-5, thì ta lấy tên chuyên án là AT285. Đồng chí Trần Quang Vũ là Trưởng ban. Phó ban do đồng chí Vũ đề xuất. Vì sao tôi chọn đồng chí Vũ, bởi một lẽ rất đơn giản, đồng chí Vũ là người mới về chưa lâu, lại không có mối quan hệ với các doanh nghiệp. Đêm hôm qua, tôi đã báo cáo đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra và cũng được khuyên là nên chọn đồng chí Vũ.

***

Cuộc họp tan, Vũ trở về phòng với tâm trạng lo lắng, buồn vui lẫn lộn. Anh vui là vì được trực tiếp làm Trưởng ban chuyên án, một vụ án mà anh thấy nó cực kỳ phức tạp, điều đó chứng tỏ cấp trên rất tin tưởng ở anh. Làm nghề điều tra, hạnh phúc nhất là được cấp trên tin. Nhưng anh không khỏi lo lắng khi biết rất rõ việc điều tra vụ án này, nhất là phần dính dáng đến các quan chức sẽ rất phức tạp. Và chắc chắn là quan chức chả ai vui vẻ gì đối với người được giao thụ lý.

Vũ ngồi thừ người ra để nghĩ chọn ai làm phó ban chuyên án.

Anh rất hiểu tâm trạng của giám đốc khi giao cho anh làm Trưởng ban chuyên án vụ này, bởi lẽ giám đốc không muốn đụng chạm. Bầu cử thì đến nơi rồi, giám đốc mới đang tuổi năm tư. Không trúng Hội đồng nhân dân thì mất chức giám đốc là cái chắc. Mà mất chức rồi thì đi đâu? Làm gì? Về Bộ ư, liệu đã có đơn vị nào cấp Cục, Vụ sẵn sàng đón nhận ông về làm cục trưởng - giám đốc tương đương cục trưởng mà. Các phó giám đốc cũng chẳng ai muốn nhận cái công việc vạ thì nhiều, lợi thì ít này.

Có tiếng gõ cửa, Vũ khẽ thở dài:

- Xin mời vào.

Cửa mở, anh giật mình khi thấy Giám đốc Trần Công và Trung tá Tình vào.

- Chào thủ trưởng, chào anh Tình.

Giám đốc Công nhìn bức ảnh đen trắng Vũ trong bộ quân phục bộ đội, vai khoác khẩu AK, cười rất tươi.

Giám đốc Trần Công hỏi:

- Nhìn bức ảnh này tôi có cảm giác ngày xưa cậu là người rất “tồ”.

Vũ vừa pha nước vừa trả lời:

- Cũng nhiều người nhận xét như anh đấy. Mời hai anh uống nước.

Giám đốc Trần Công nhấp một ngụm rồi hơi nhăn mặt:

- Trà Bảo Lộc ở Lâm Đồng có phải không?

Vũ ngạc nhiên:

- Sao anh biết?

- Phía Nam hay uống trà ướp hương, mà trên Bảo Lộc là toàn trà này. Tôi có thời kỳ làm công an ở huyện Di Linh nên vẫn nhớ hương vị  này.

Giám đốc Trần Công nhìn thẳng vào Vũ:

- Tôi hỏi thật đồng chí và cũng mong đồng chí trả lời cho đúng suy nghĩ của mình.

- Vâng! Tôi nghĩ là không nên nói dối, vì với anh, khó có điều gì qua mắt được.

- Chà chà, ai bảo Quang Vũ kia không biết nịnh thủ trưởng. Thôi được, vậy cậu nghĩ thế nào về việc tôi giao cho cậu làm Trưởng ban chuyên án mà không phải là tôi, hay anh Luân, hay đồng chí Tùy, trưởng phòng?

- Báo cáo Giám đốc, theo tôi biết thì anh Tùy đã có đơn xin chuyển về Bộ để  hợp lý hóa gia đình và đã được Bộ chấp thuận, như vậy không phân công cho anh ấy là đúng. Còn Giám đốc và anh Luân... theo tôi, có lẽ... Có lẽ! Xin lỗi giám đốc trước, nếu tôi suy diễn sai.

- Đồng chí cứ nói. Tôi thấy lúc này dùng từ  đồng chí là thích hợp nhất đấy.

- Báo cáo anh, tôi rất hiểu sự khó xử của các anh trong vụ án này. Nếu không làm cho ra nhẽ thì lương tâm cắn rứt và có tội với Đảng, với dân. Nhưng làm thẳng tay, kiên quyết, thì đụng chạm nhiều quá, mà hầu hết là người có thế lực ở tỉnh. Những người đó có liên quan trực tiếp đến vận mệnh chính trị của các anh. Hơn nữa, sẽ rất khó tìm ra chứng cứ là họ đã nhận tiền của tên Thư như thế nào.

Giám đốc Trần  Công mỉm cười:

- Đồng chí đã nói rất đúng, quá đúng nữa là đằng khác. Nhưng đó là đúng cách đây nửa giờ, phải không Tình? - Ông hỏi Trung tá Tình.

Trần Quang Vũ ngạc nhiên, định hỏi thì ông ngăn lại.

- Đúng là lúc đầu tôi nghĩ như vậy, và đã bàn như vậy với Ban Giám đốc và quyết định giao cho đồng chí. Như vậy, nếu thành công, thì Ban Giám đốc, trong đó có tôi sẽ được tiếng khen là... là chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết, là... là đánh đúng người, đúng tội. Còn nếu sai thì người chịu chính là đồng chí và dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ an toàn hơn. Bầu cử đến nơi rồi, dại gì mà làm căng, có phải không? Nhưng bây giờ thì không. Mình không thể hèn nhát đến mức như vậy. Thà về hưu ngay, thà chịu tiếng này, tiếng khác với họ, nhưng không thể trốn trách nhiệm. Và thật là hèn nếu như Giám đốc lại trút gánh nặng này lên vai đồng chí! Vì thế, tôi đã quyết định lại: Tôi sẽ là Trưởng ban chuyên án, đồng chí là Phó ban thường trực, còn đồng chí Tình là Phó ban, chỉ đạo khâu trinh sát và lật tìm toàn bộ mánh khóe làm án của Công ty Anh Thư.

Nghe Giám đốc bộc bạch như vậy, Vũ cảm động:

- Vậy là chúng ta thành bộ ba xe - pháo - mã rồi.

- Ừ, đúng là xe - pháo - mã.

Trung tá Tình nói:

- Báo cáo anh, đề nghị anh cho công bố ngay thành phần Ban Chuyên án và một số nguyên tắc làm việc. Theo tôi, giữ bí mật là nguyên tắc đầu tiên.

- Tất nhiên rồi.

- Bây giờ tôi đi Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Bộ, xin ý kiến chỉ đạo. Hai đồng chí chọn ngay cho mình những cộng sự tin cậy nhất và tính toán xem bắt đầu từ đâu.

Giám đốc Trần Công xòe bàn tay ra. Vũ và Tình đặt tay mình lên tay giám đốc, nắm thật chặt

***

Giám đốc Trần Công đi rồi, còn lại hai người. Tình hỏi:

- Anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về Dự án Nam Sơn 03 chưa?

- Rồi! Tôi đã kiếm được toàn bộ dự án, tài liệu đấu thầu; kế hoạch rót vốn và tiến độ thực hiện dự án.

- Anh có thấy điều gì lạ không?

- Về dự án thì không. Chỉ có điều là những người nghiên cứu dự án đã vẽ ra quá nhiều những thứ mà không có tính khả thi. Ví dụ chăn nuôi bò sữa chẳng hạn: Cứ cho là phát triển được đàn bò sữa theo tiêu chuẩn đi thì sữa bò vắt ra để... để nuôi lợn à? Nhà máy sơ chế không có, vận chuyển về Hà Nội thì có khi tiền chở đắt hơn tiền sữa. Hơn nữa, lấy đâu ra đồng cỏ để nuôi bò. Rồi trạm xá của các xã, làm gì mà vẽ ra mỗi trạm xá có hơn bốn chục giường bệnh. À, tôi thấy quái quỷ hơn nữa, trong dự án phát triển mạng lưới điện, riêng khu vực thị trấn huyện Nam Hưng, dự tính trồng hai trăm cây cột điện... Trời ơi, cái thị trấn bé như bàn tay, tính ra cứ ba gia đình có... một cây cột điện.

Tình nghe Vũ nói và gật gù vẻ đồng tình:

- Lại còn làm đường nữa. Theo thiết kế của họ thì đường liên huyện đủ tiêu chuẩn cho xe tăng chạy, thực ra cần gì đến thế.

- Anh đã nhìn ra nhiều việc rồi đấy. Đúng là họ đã vẽ ra rất nhiều để lấy tiền của Chính phủ và tất nhiên, vốn đầu tư càng nhiều thì họ càng kiếm được. Tôi sẽ giới thiệu với anh một chuyên gia về cầu đường, ông ấy sẽ giúp anh nắm nhiều vấn đề và vạch cho anh thấy những điều vô lý của dự án này.

Vũ băn  khoăn:

- Anh Tình ạ. Mấy đêm nay, cứ nghĩ đến chuyện thằng Thư mang hêrôin đi, tôi thấy nhiều điều uẩn khúc quá. Về logic sự việc thì là có thể. Thằng Thư có tiền án về buôn ma túy, sau khi ra tù vẫn tiếp tục... nhưng lần này thì không phải bởi lẽ: Trong tay thằng Thư có hàng chục đệ tử, nó cần gì phải tự đem hàng đi, trong khi đó, nó đang ăn nên làm ra, tiền nhiều, quyền lớn. Nó là thằng trùm của một đường dây, điều đó tôi tin. Nhưng bảo nó đem ma túy đi lần này, tôi thấy thế nào ấy.

Tình vỗ đùi đánh đét, reo lên:

- Quả là anh có năng khiếu điều tra tuyệt vời. Tôi cũng nghĩ như vậy, anh Công cũng thấy thế. Vậy có khả năng thằng Túc không?

- Cho thằng Túc uống mật gấu nó cũng không dám làm điều đó và đã là bọn buôn bán ma túy, không ai ngu mà lại che giấu kiểu ấy.

- Nhưng nó trốn mất tích rồi?

- Nó sợ liên lụy thôi. Nó biết thằng Thư bị bắt vì tội chở ma túy, mà nó thì chắc chắn là có liên quan, cho  nên “tẩu vi thượng sách”.

- Hay thật. Vậy là có kẻ nào đó đã chơi trò “gắp lửa bỏ tay người”.

- Rất có khả năng như vậy và nếu đúng thế thì hoặc là một cuộc trả thù, hoặc là một cuộc triệt phá nhau trong làm ăn.

***

Tại nhà Trần Hùng Lân. Kim đồng hồ chỉ 10h15 phút.

***

Trần Quang Vũ cùng Thúy, Huyền và cháu Ly ngồi nói chuyện với nhau. Vũ đưa cho Thúy hai mảnh giấy mà anh và Ly đã viết. Thúy cười đau đớn:

- Cháu quả là người có bản lĩnh. Cô rất khâm phục cháu.

Ly nói với vẻ cương quyết.

- Bây giờ chúng ta hãy về đào số tiền đó lên và chính cháu đem nộp cho Ban Thi hành án. Cháu muốn trước lúc bố cháu ra đi, bố cháu được gặp cháu và bố cháu sẽ tự hào vì cháu đã không dùng đến những đồng tiền mà vì nó bố cháu phải chết.

Những điều Ly nói đã đẩy Vũ vào tình trạng khó xử. Thật ra thì anh cũng muốn như vậy, nhưng không dám nghĩ đến lúc hai cha con gặp nhau và chỉ sau đó ít phút người cha phải ra pháp trường.

Nhận thấy sự băn khoăn hiện trên gương mặt Vũ, Ly hỏi ngay:

- Hình như bác lại không muốn cháu mang nộp số tiền đó trước giờ bố cháu bị thi hành án à?

Vũ im lặng, thở dài não ruột. Hồi lâu sau, Thúy giục:

- Sao anh im lặng thế? Có điều gì khó xử phải không?

Vũ gật đầu rồi lại đến bên ban thờ, thắp tiếp một nén  hương cho Lân.

Bỗng nhiên, có tiếng chuông gọi cửa. Ly chạy xuống mở cửa và cô tròn mắt khi thấy Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Trần Công. Ông đang cầm ô che mưa. Chiếc xe con đỗ cách đó mấy chục mét.

- Cháu chào bác!

- Chào cháu. Bác Vũ đang ở trên nhà phải không?

- Dạ vâng ạ!

- Bác có việc phải gặp bác Vũ gấp, cháu lên gọi bác ấy xuống đây.

- Dạ, cháu mời bác lên nhà đã. Thưa bác, có cả cô Huyền, cô Thúy...

Giám đốc Công ngẩn người:

- Sao, có cả hai cô ấy à? - Rồi anh cười gượng gạo - Hôm nay có chương trình gì mà tập hợp cả ở đây?

Nghe ông Công nói vậy, Ly nói với giọng mỉa mai:

- Người ta bảo làm nghề công an là hay sinh ra nói dối, có phải thế không bác?

- Bác không hiểu vì sao cháu hỏi bác câu ấy.

- Bác chắc chắn biết vì sao bác Vũ, cô Huyền, cô Thúy đến nhà cháu lúc này, vậy mà bác vẫn hỏi như không có chuyện gì xảy ra.

Đại tá Trần Công cảm thấy hơi ngượng vì cô bé quá thông minh. Ông nói lảng đi:

- Thôi, cháu lên gọi bác Vũ xuống cho bác.

- Chả lẽ bác sợ gặp mọi người thế ư?

- Bác không sợ, nhưng bác đang có chuyện rất gấp.

Đúng lúc đó thì Vũ từ trên cầu thang xuống:

- Sao hai bác cháu tâm sự lâu thế?

Đại tá Trần Công nói ngay:

- Đồng chí đi vào trại giam với tôi được không?

- Sao anh lại hỏi tôi có được không?

- À, là vì tôi nghĩ đồng chí ở đây lúc này là rất cần thiết. Tôi rất hiểu sự cần thiết đó và quyết định mai đồng chí không phải tham gia Ban thi hành án. Đồng chí Phó phòng Cảnh sát hình sự sẽ đi thay.

- Có chuyện gì trong trại giam hả thủ trưởng?

Đại tá công bảo Ly:

- Xin lỗi cháu...

Ly hiểu ý:

- Hai bác ngồi tạm ở đây.

Rồi Ly lấy chiếc khăn, lau qua bộ ghế mà chắc lâu lắm rồi không có ai ngồi.

Chờ cho Ly lên gác, Đại tá Trần Công mới nói đủ nghe:

- Tôi gọi di động cho cậu, thấy tắt máy; gọi điện về nhà, cô ấy nói là không biết cậu đi đâu từ tối, hóa ra là cô ấy giấu tôi.

- Vâng, em có dặn...

- Không quan trọng chuyện đó. Nhưng tôi đã đoán rất đúng là thế nào cậu cũng ở đây.

Vũ cười trừ. Ông Công nói tiếp, giọng bùi ngùi:

- Tôi rất hiểu cậu đã phải chịu đau đớn như thế nào trong vụ án này. Nhưng thú thật, lúc này, nghĩ đến tình bạn giữa cậu và Trần Hùng Lân, tôi ghen tị với hắn đấy.

Vũ rất ngạc nhiên, anh định hỏi nhưng chưa nói được thành lời thì ông Công đã nói:

- Tôi có nhiều cộng sự tốt, nhưng không có bạn, nhất là bạn tâm giao.

- Em rất cám ơn anh đã hiểu cho bọn em.

- Giờ có việc này, Trưởng giám thị trại giam  gọi điện cho tôi biết là từ tối đến giờ, thằng Phan Hồng Hải chỉ kêu gào xin khai. Và điều kỳ lạ là cả Trần Hùng Lân và Phan Hồng Hải đều biết sáng mai bị xử bắn. Lân thì bình tĩnh, chấp nhận, còn Hải thì hoảng loạn, xin khai thêm. Tôi đã chỉ đạo anh em phải gác cẩn thận, không được để chúng tự sát. Tôi cũng đã báo cáo Chánh án Tòa án tỉnh và đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát. Các anh ấy cũng nhất trí để sáng mai rồi quyết định

- Và anh định vào gặp Phan Hồng Hải bây giờ?

- Không, gặp bây giờ là sai nguyên tắc. Nhỡ xảy ra chuyện gì thì ai gánh vác cho. Nhưng theo cậu, thằng Hải sẽ khai chuyện gì?

Vũ hơi mỉm cười:

- Nó sẽ khai ai là kẻ chủ mưu giết cô Hải và thằng Túc.

- Cậu nói đúng, tôi cũng đoán chỉ có điều này. Và nó sẽ khai ra ai?

- Đó là tên Hoàng.

- Có lẽ vậy.

- Nếu đúng thế thì buổi thi hành án ngày mai sẽ là vụ thứ hai hoãn thi hành án tử hình.

- Em nghĩ thế còn có tình huống mới nảy sinh, thú vị hơn. Thôi, mời anh lên nhà trên đã. Không ngờ là mấy anh em lại có cuộc gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le đến như thế này.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong