Bến xe "tạm" Yên Sở: Bất hợp lý và thiếu tầm nhìn!

13:30 | 09/07/2018

823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến việc xây dựng bến xe "tạm" Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhận định, việc xây bến xe là bất hợp lý, thiếu tầm nhìn.
ben xe tam yen so bat hop ly thieu tam nhinHà Nội: Bến xe "tạm" Yên Sở sẽ giảm ùn tắc giao thông?
ben xe tam yen so bat hop ly thieu tam nhinHà Nội mở thêm bến xe: Bất cập trong quy hoạch giao thông?

Những ngày qua, người dân thủ đô xôn xao trước việc UBND thành phố quyết định xây dựng bến xe "tạm" Yên Sở. Đáng chú ý, bến xe này chỉ cách điểm đen ùn tắc giao thông Pháp Vân - Vành đai 3 và Bến xe Nước Ngầm hơn 1km. Đặc biệt, trong khi bài toán ùn tắc giao thông chưa được giải quyết thì việc xây dựng thêm bến xe khách trung hạn, hoạt động vài chục năm rồi di dời là bất hợp lý và thiếu tầm nhìn.

ben xe tam yen so bat hop ly thieu tam nhin
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm.

Về đến vấn đề này, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện giao thông thủ đô còn rất nhiều vấn đề "nóng" cần giải quyết, nên việc ưu tiên xây dựng bến xe khách "tạm" ở Vành đai 3 là không hợp lý. Hà Nội nên cân nhắc để tập trung giải quyết vấn đề "nóng", có tầm nhìn xa, thay vì những bến xe nhỏ, chỉ mang tính ngắn hạn.

Trước đó, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, Bến xe Yên Sở sẽ giảm ùn tắc giao thông. Còn việc tổ chức giao thông ra, vào bến xe thế nào, Hà Nội sẽ thực hiện sau khi bến xây dựng xong.

Về ý kiến này, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đang làm ngược. Vì với lĩnh vực giao thông, phải tính tới các phương án tổ chức giao thông trước, sau đó mới đầu tư bến xe. Còn xây bến xe xong mới tổ chức giao thông là cách làm cục bộ.

Theo Quyết định 7283, ngày 30/12/2016 của UBND TP Hà Nội về chủ trương đầu tư Bến xe khách Yên Sở, bến xe này được giao cho Công ty CP Bến xe Thanh Trì (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ đầu tư (không thông qua đấu thầu).

Công ty này được thành lập chỉ 6 tháng trước đó (tháng 7/2016). Ngày 14/10/2016, Công ty CP Bến xe Thanh Trì có văn bản đề nghị thực hiện dự án Bến xe Yên Sở. Điều đáng nói, dù ngày 14/10/2016, chủ đầu tư mới có văn bản đề xuất dự án, nhưng Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản cho ý kiến thẩm định dự án từ ngày 3/10/2018.

Như vậy, ý kiến thẩm định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội còn có trước khi nhà đầu tư ký nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án.

Trong khi giữ lại Bến xe Yên Sở, Hà Nội lại loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác do nhận thấy không còn phù hợp, nằm trong nội đô (Bến xe Xuân Phương và Vân Trì). Điều này khiến dư luận hoài nghi về một nhóm lợi ích khi xây dựng Bến xe Yên Sở.

Mới đây, Hà Nội cũng chuyển Bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô. Còn theo quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực Vành đai 4.

"Hà Nội xây thêm Bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, gần điểm đen về ùn tắc giao thông, rõ ràng không hợp lý, cần xem lại. Nếu vẫn cố làm sẽ gây tốn kém, lãng phí, gây hậu quả lớn do thiếu tầm nhìn" - ông Nghiêm nói.

Về mặt quy hoạch, theo Tiến sĩ Nghiêm, dù Bến xe Yên Sở có trong quy hoạch, nhưng nếu quy hoạch không hợp lý thì có thể điều chỉnh.

"Chúng ta đã có quy hoạch, tầm nhìn đưa bến xe khách liên tỉnh ra khu vực Vành đai 4, thì cứ theo đó làm. Nội đô nên đầu tư vào những thứ Hà Nội đang rất thiếu như: vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh... Không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực Vành đai 3 nữa" - ông Nghiêm đề xuất.

Trong báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội về Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm đến 2030 và tầm nhìn 2050, UBND TP Hà Nội nêu: Các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với Vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô... Tuy nhiên, đơn vị này lại cấp phép xây dựng Bến xe Yên Sở với diện tích khoảng 3,2 ha (cạnh Công viên Yên Sở) có mặt tiền đường Vành đai 3, cách Bến xe Nước Ngầm hơn 1km, nằm ngay bên đường gom Vành đai 3.

Dù là bến xe "tạm" nhưng Hà Nội lại cấp phép cho hoạt động trong 50 năm. Nói về việc này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn lý giải, cấp phép dài hạn như vậy là vì chưa biết khi nào bến xe khu vực Vành đai 4 được xây dựng.

Ông Tuấn cam kết, khi nào Bến xe khách phía Nam mới được xây dựng ở khu vực Vành đai 4, các bến xe khu vực nội đô (bao gồm cả Bến xe Yên Sở) sẽ dừng hoạt động để chuyển ra bến xe mới. "Sẽ không có chuyện Bến xe Yên Sở vẫn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, còn các bến xe khác phải di chuyển" - ông Tuấn khẳng định.

Xuân Hinh