Bến Tre: Các bệnh nhân trong vụ nhiễm HIV đã ổn định tâm lý

14:28 | 21/06/2012

1,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 21/6, trao đổi với phóng viên Petrotimes, ông Trần Ngọc Hữu Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết: Hiện nay, Viện vẫn đang tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về các trường hợp nhiễm HIV ở Bến Tre để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng...

Sau gần 3 tuần Viện Pasteur TP HCM tiến hành hỗ trợ ngành y tế tỉnh Bến Tre giải quyết Vụ 12 người dân ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre bị nhiễm HIV không rõ nguyên nhân, những trường hợp được Viện Pasteur xét nghiệm lại dương tính với HIV cũng trùng hợp với những trường hợp đã được xác định nhiễm trước đó. Với sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia y tế, hiện nay, tâm lý của những bệnh nhân nhiễm HIV đã ổn định và họ đang được chăm sóc y tế tốt nhất. Viện cũng đã có báo cáo gởi lên Cục Y tế Dự phòng và Môi trường Bộ Y tế về việc này.

Không khí yên bình đã trở lại với cuộc sống của người dân ở ấp Phú Đăng

Theo ông Trần Ngọc Hữu, để điều tra những yếu tố nguy cơ mắc bệnh thì rất dễ nhưng để xác định nguyên nhân lây nhiễm chính xác thì rất phức tạp vì không có bằng cớ cụ thể. Nếu muốn xác định nguyên nhân gây bệnh thì căn bản phải xác định thời điểm chính xác bệnh nhân bị lây nhiễm mà thời điểm này khác nhau tùy theo thể trạng của từng người, nên không thể đưa ra kết luận. Do đó, việc làm hiện nay vẫn là hướng dẫn những người đã mắc bệnh các biện pháp phòng ngừa lây truyền cho người khác và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vụ việc này.

Bác sĩ Võ Minh Quang – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết: Với các kỹ thuật hiện nay, nếu bệnh nhân mới bị nhiễm HIV từ 4 – 6 tuần thì các xét nghiệm không thể phát hiện ra bệnh, giai đoạn này gọi là cửa sổ miễn dịch. Dù ở giai đoạn “cửa sổ” không phát hiện ra bệnh nhưng khả năng lây truyền bệnh ở giai đoạn này là cực kỳ lớn vì đây là thời điểm lượng virus phát triển rất nhanh. Đặc biệt, nếu bệnh nhân nhiễm HIV ở giai đoạn “cửa sổ” đi cho máu thì các xét nghiệm cũng không thể phát hiện ra trong máu có virus HIV. Do đó, nếu máu này được truyền cho người khác thì nguy cơ lây nhiễm HIV từ truyền máu có thể xảy ra.

Nói về khả năng lây nhiễm HIV qua truyền máu, ông Trần Ngọc Hữu cho biết: Khả năng này có thể xảy ra, ngành y tế cũng chỉ có thể làm hết khả năng để giảm thiểu nguy cơ này như dùng test nhanh, theo dõi lý lịch của người cho máu, truyền máu trong gia đình… Vì vậy, các chỉ định truyền máu trong y tế đều được thực hiện hết sức thận trọng.

Mai Phương