Bé 10 tuổi tử vong do kiến ba khoang cắn

10:23 | 09/02/2013

15,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Đến nhà bà ngoại ăn tất niên, một cháu gái 10 tuổi đã bị kiến ba khoang cắn và tử vong sau đó vài giờ.

Nạn nhân được xác định là cháu Nguyễn Khánh Ly (10 tuổi, ở khu Tân Mai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Theo người nhà cháu bé, trưa ngày 8/2 (tức 28 tết), cháu Khánh Ly cùng bố là Tống Văn Khanh (33 tuổi) và mẹ là Nguyễn Thị Quyên (31 tuổi) đến nhà bà ngoài ở thôn Tân Trượng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ để ăn cơm tất niên.

Ăn trưa xong, cháu Khánh Ly đi ra vườn chơi. Khoảng 30 phút sau, cháu bé chạy vào nhà kêu ngứa rát ở sườn. Thấy vậy, bà ngoại cháu bé đã vén áo cháu bé lên xem thì phát hiện có một con kiến đang đốt cháu. Sau khi bắt con kiến, bên sườn cháu Ly còn nguyên hai vết cắn đỏ tấy và chảy máu.

“Con kiến đốt cháu bé rất to và dài, thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ” – một người thân cháu bé kể lại.

Kiến ba khoang - một loại kiến chứa độc tố cực mạnh.

Tưởng chỉ là kiến bình thường cắn, bà cháu bé lấy dầu gió thoa vào vết thương nhưng đến chiều cùng ngày, cháu bé có những biểu hiện sốt cao, hôn mê sâu. Tại vết thương do kiến cắn, da cháu bé giống như bị tổn thương khi mắc bệnh Zona. Ngay lập tức, gia đình đã đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định, cháu bé bị nhiễm độc do kiến ba khoang đốt.

Đến 2h ngày 9/2 (tức 29 tết) cháu bé đã tử vong. 6h sáng nay, thi thể cháu bé đã được gia đình đưa về quê nội ở Phú Thọ an táng.

Kiến ba khoang chứa độc tố cực mạnh

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, kiến ba khoang đuôi nhọn, có tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (thuộc họ Staphylinidae, chi Coleoptera`). Con trưởng thành thân mình dài trung bình khoảng 7mm. Thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn bọ hóng bay vào ánh đèn ban đêm. Vào mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. Con trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ/năm.

Trong cơ thể kiến ba khoang chứa pederin, một loại độc tố cực độc. Tuy nhiên lượng độc tố truyền sang người qua vết đốt rất nhỏ nên chỉ có thể làm da nổi bọng nước, ngứa rát, khi gãi vết thương sẽ vỡ ra, gây lở loét, dẫn tới viêm da. Đặc biệt, pederin sẽ lan nhanh khi người bệnh đập kiến trên da, khiến vùng bị thương lan nhanh và rộng. Hơn nữa, độc tố này khi tiếp xúc với da sẽ cộng sinh dính da vào khiến mức độ tổn thương tăng cao. Khi bị kiến cắn và bị ngứa, không nên gãi mạnh mà nên rửa sạch vùng bị cắn bằng xà phòng. Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời.

Nếu bị kiến ba khoang cắn, bệnh nhân nếu tự chữa sẽ rất nguy hiểm do điều trị không đúng cách khiến khu vực bị đốt ngứa rát, sưng, phồng rộp, loét nhiễm trùng. Nếu kiến đốt vào mắt, pederin sẽ gây bỏng mắt, dẫn tới mù nếu không điều trị kịp thời. Nếu bị kiến đốt nhiều lần, đặc biệt là trẻ em, nên đi viện khám ngay, không nên tự ý mua thuốc về điều trị. Một con kiến ba khoang có lượng độc tố thấp, nhưng lượng độc tố sẽ tăng cao khi bị nhiều con đốt. Nếu không điều trị sớm rất dễ dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong.

Thiên Minh 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.