Bảo vệ trẻ trước “cơn bão” truyền hình thực tế?

12:59 | 01/06/2016

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không thể phủ nhận mặt tích cực khi các chương trình truyền hình thực tế (THTT) đã góp công phát hiện ra các tài năng nhí trên khắp cả nước. Nhưng vẫn còn đó sự ái ngại khi chứng kiến hàng loạt đứa trẻ bị “đẩy” vào những cuộc chơi khắc nghiệt...

Tại Trung Quốc, trong số những chương trình THTT có trẻ em tham gia vừa bị cấm sản xuất và phát sóng, có chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”. Cùng thời điểm, tại Việt Nam, ngay sau khi kết thúc mùa 2, chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?” đã lên sóng bắt đầu từ ngày 7-5 với 4 cặp bố con đồng hành: diễn viên Hồng Đăng - bé Nhím; diễn viên Hải Anh - bé Híp; ca sĩ Phạm Anh Khoa - bé Châu Chấu; diễn viên Thành Được - bé Bell.

bao ve tre truoc con bao truyen hinh thuc te
Cuộc thi “Thần tượng âm nhạc nhí”

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài “Bố ơi mình đi đâu thế?”, Việt Nam đang có hơn 10 chương trình THTT dành cho trẻ nhỏ. Có thể kể đến như: “Cha con hợp sức”, “Người hùng tí hon”, “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”… gần đây là “Thần tượng âm nhạc nhí”. Nếu theo dõi thường xuyên các chương trình này, khán giả không mấy khó khăn để nhận ra một thực tế tương đối khắc nghiệt, đó là hiện tại các gameshow THTT đều mang nặng yếu tố thương mại, nên việc quan tâm đến tâm lý, cuộc sống của các thí sinh không phải là tiêu chí đầu tiên, mà là giờ phát sóng, tỷ lệ người xem, số lượng quảng cáo…

Không thể phủ nhận mặt tích cực khi các chương trình THTT đã góp công phát hiện ra các tài năng nhí trên khắp cả nước. Nhưng vẫn còn đó sự ái ngại khi chứng kiến hàng loạt đứa trẻ bị “đẩy” vào những cuộc chơi khắc nghiệt như hiện nay, để rồi sau đó là những giọt nước mắt lã chã rơi khi phải dừng cuộc chơi. Thêm một điều đáng để bận lòng, là hầu hết các chương trình chỉ tập trung vào việc phát hiện tài năng, còn sau đó tài năng phát triển ra sao thì… để mặc. Nhìn những khuôn mặt thơ ngây, giàn giụa nước mắt, thực lòng không tránh khỏi cảm giác xót xa!

Làm thế nào để các em được hồn nhiên tận hưởng tuổi thơ như chúng đáng được hưởng? Các em được hay mất khi tham gia vào THTT? Chúng ta có nên cấm sản xuất và phát sóng các chương THTT dành cho trẻ em như Trung Quốc đã làm? Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi xung quanh chủ đề này với các khách mời là TS Xã hội học - Chuyên viên tư vấn Tâm lý Phạm Thị Thúy; Nhạc sĩ Minh Khang; chị Nguyễn Thị Bê, mẹ bé Hồng Minh - Quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2015.

TS Phạm Thị Thúy: Không cấm nhưng cần thiết kế lại

bao ve tre truoc con bao truyen hinh thuc te

PV: Thưa TS Phạm Thị Thúy, hiện tại đang có khá nhiều cuộc thi trên truyền hình dành cho trẻ em thu hút sự quan tâm không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Chị nhìn nhận như thế nào về những chương trình này? 

TS Phạm Thị Thúy: Hồi mới xuất hiện, tôi khá thích một vài chương trình THTT như chương trình “Đồ rê mí” nhưng sau này, tôi không còn thích các chương trình THTT cho trẻ em nữa. Bởi các chương trình sau này được dàn dựng theo cách của người lớn, làm mất sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Từ chuyện rất nhỏ là trang điểm quá đậm cũng làm các em không còn là các em, hơn nữa còn hại cho da của trẻ; cho đến chuyện tranh giành hơn thua giữa các bé, giữa những người lớn với nhau, tôi thấy đang bị “người lớn hóa” các chương trình trẻ em.

PV: Theo chị, việc để trẻ tham gia vào những cuộc thi mang tính thắng - thua như hiện nay sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gì?

TS Phạm Thị Thúy: Dù là cuộc thi dành cho trẻ em hay bất cứ cuộc thi nào đó, chuyện thắng - thua là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhiều chương trình đã làm các em không còn vô tư trước thắng - thua như luật chơi vốn phải thế. Các em có thể nhìn thấy sự không công bằng, sự bất công, sự tổn thương của mình, của cha mẹ, của người hướng dẫn… Chính những điều đó dẫn đến nguy cơ đánh mất sự trung thực trong tâm hồn trẻ thơ khi các em sớm phải nhìn thấy, đối mặt với sự không công bằng của sự lạm dụng chiêu trò để nổi tiếng, gây tranh cãi.

PV: Thưa chị, khi một đứa trẻ sớm trở thành ngôi sao, được truyền thông săn đón, được nhiều người biết đến sẽ tác động đến tâm lý của trẻ như thế nào?

TS Phạm Thị Thúy: Về vấn đề này, tôi nhìn nhận ở hai khía cạnh: Ở khía cạnh tích cực, đây là cơ hội để các em được phát triển tiềm năng, được thể hiện tài năng và đem niềm vui đến nhiều người. Đây cũng là động lực để các em nhỏ khác có tài năng tự tin thể hiện như trường hợp của bé Phương Mỹ Chi.

Tuy vậy, vẫn có nhiều điều tiêu cực mà chúng ta không thể không lưu ý: Các em chưa đủ trưởng thành để có bản lĩnh trước những tin tức truyền thông không chính xác nhằm câu view, sự bình luận của mạng xã hội, của các fan club cũng như các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy có thể khiến các em bị ảo tưởng về bản thân khi được tung hô hay suy sụp tinh thần khi bị chê bai. Hơn nữa, sự nổi tiếng luôn có hai mặt đối lập, người lớn còn chưa chắc đã vượt qua áp lực của sự nổi tiếng chứ đừng nói là trẻ nhỏ. Riêng việc giữ hình ảnh trong mắt công chúng cũng đủ khiến các em phải chịu một sức ép lớn.

Ngoài ra lịch diễn dày đặc sẽ ảnh hưởng đến thời gian học ở phổ thông, ảnh hưởng đến thời gian vui chơi, nghỉ ngơi của các em. Đó là những yếu tố giúp các em lớn, trưởng thành cả về thể chất và tâm lý theo tiến trình phát triển tự nhiên của một con người. Hậu quả là, trẻ dễ có nguy cơ dậy thì sớm, già trước tuổi; thậm chí có nguy cơ sa vào những mối quan hệ phức tạp quá sớm. Trên thế giới đã có rất nhiều đứa trẻ nổi tiếng quá sớm rồi tàn lụi nhanh trong ma túy, rượu chè, yêu sớm, quan hệ tình dục sớm…

PV: Tồn tại nhiều tiêu cực như vậy, liệu chúng ta có nên cấm sản xuất và phát sóng các chương trình THTT cho trẻ, như cách Trung Quốc vừa mới làm. Hay chúng ta có cách nào để duy trì các chương trình một cách tốt nhất?

TS Phạm Thị Thúy: Cấm hoàn toàn THTT cho trẻ là một sự phi lý, tư duy theo kiểu quản không được thì cấm. Theo tôi, điều chúng ta cần lúc này là thiết kế lại các chương trình THTT cho trẻ em, để các chương trình đó quay trở về đúng bản chất hồn nhiên, trong sáng, vô tư. Hãy để trẻ được làm theo sáng tạo riêng của trẻ, người lớn đừng can thiệp quá nhiều và bắt trẻ làm theo ý mình như hiện nay. Trẻ em cần được tham gia ý kiến nhiều hơn vào các chương trình THTT.

Các em muốn gì? Chúng ta cần lắng nghe các em xem chương trình lẫn các em tham gia vào chương trình, đừng chạy theo sở thích của người lớn để làm “người lớn hóa” các chương trình trẻ em. Nếu cần, Nhà nước phải đầu tư tài trợ cho các chương trình này để tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ phát huy tài năng, cá tính của mình. Trẻ em cần nhiều sân chơi, không chỉ trong lĩnh vực ca hát, chúng ta cần cả những chương trình học vui vui học, thể thao… cho trẻ.

PV: Chị có lời khuyên gì dành cho các phụ huynh vẫn đang hăng hái ghi tên con mình vào thi trên truyền hình?

TS Phạm Thị Thúy: Nếu con họ có tài năng, họ động viên và tạo điều kiện cho con em tham gia là đúng và rất nên làm. Chỉ là họ cần biết chọn lọc chương trình nào phù hợp với con, với gia đình mình, chương trình nào tác động tích cực đến sự phát triển của con.

PV: Nếu con chị muốn được ghi tên mình trong một cuộc thi tài năng trên truyền hình, chị có đồng ý không? Khi đó, chị sẽ chuẩn bị những gì cho bé?

TS Phạm Thị Thúy: Con tôi từng được mời đóng phim quảng cáo nhưng vợ chồng tôi không đồng ý vì muốn con miễn nhiễm với những hào nhoáng bề ngoài của các hoạt động này. Cháu còn nhỏ, cháu cần có tuổi thơ bình yên. Nhưng nếu đó là một cuộc thi tài năng mà tôi tin tưởng cháu có tài năng trong lĩnh vực đó, tôi sẽ đồng ý và tạo điều kiện cho con thi. Vì đó là cơ hội để con được khẳng định bản thân, rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp… khi tham gia các cuộc thi đó. Đây sẽ là trải nghiệm tốt cho con.

Trước khi tham gia tôi sẽ nói với cháu về giá trị bản thân không ở sự thắng - thua, không ở giải thưởng, không ở sự nổi tiếng mà giá trị của con người là ở sự nỗ lực vượt lên chính mình, làm được điều gì có ích cho mọi người, ở sự cống hiến, sự cho đi… Con đi được đến vòng nào mẹ cũng vui! 

Nhạc sĩ Minh Khang:  Cho con những trải nghiệm

bao ve tre truoc con bao truyen hinh thuc te

PV: Cho con gái Suti tham gia chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?” có phải là quyết định dễ dàng với anh?

NS Minh Khang: Thành thật mà nói, trước khi tham gia chương trình tôi chưa từng xem chương trình này, dù là phiên bản của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Lúc nhận được lời mời, tôi cũng hơi đắn đo nên có hỏi ý kiến của bà xã. Sau đó cả nhà tôi tìm kiếm xem thử vài tập, bên cạnh đó tôi cũng hỏi ý kiến cả hai bé để tôn trọng ý kiến của các con. Bà xã cũng khuyên “tham gia cho vui”, vậy nên tôi đồng ý tham gia cùng con gái và Suti cũng đồng ý đi cùng.

Ngay tập đầu tiên, hai bố con phải ở chuồng bò, cũng thấy vất vả. Hai bố con từ đó tới giờ chưa đứng bếp bao giờ, giờ phải tự lo nấu ăn. Tôi hơi bị… sock! Nếu một người đàn ông đi chơi một mình thì tâm lý sẽ khác, còn đây có cả con gái cùng đi, phải chăm sóc con từ ăn uống, vui chơi đến cả vệ sinh. Rất nhiều tình huống không được thể hiện trên phim, vô cùng khắc nghiệt như: muỗi chích, vệ sinh…

PV: Vậy nhưng anh và con gái vẫn tham gia, không chỉ một mà tới hai mùa đó thôi!

NS Minh Khang: Có hai điều khiến tôi suy nghĩ: Khoảnh khắc trẻ con độ 4-7 tuổi trôi qua rất nhanh, mà đó là độ tuổi dễ thương nhất. Con bắt đầu tìm hiểu, nhận biết xung quanh. Tôi muốn chương trình ghi lại những trải nghiệm cho hai bố con, để sau này khi lớn lên, con có thể vào youtube xem lại. Thứ hai, bình thường không có ông bố bà mẹ nào đi chơi mà dắt con vào những nơi vất vả như vậy, chỉ có chương trình mới mang đến những thử thách để bố và con cùng hoàn thành. Và quan trọng hơn cả, sau những thử thách đó con gái tôi trưởng thành hơn rất nhiều.

Chỉ ngay sau chặng đầu tiên, tôi gần như ngã gục vì không quen với cuộc sống khá vất vả và sức khỏe tôi lúc đó cũng không tốt. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, đã nhận lời tham gia mà bây giờ bỏ cuộc thì con sẽ nghĩ gì? Tôi muốn dạy con bài học khi vấp ngã hay khó khăn không nên bỏ cuộc. Và tôi đã làm được.

PV: Anh và con tham gia mùa đầu, đủ để có kỷ niệm đặc biệt giữa hai bố con. Vì lý do gì anh vẫn tiếp tục ghi tên mình ở mùa 2?

NS Minh Khang: Mùa 2 là những người thực hiện chương trình muốn Suti quay lại trong vai trò chị cả. Tôi thấy điều này cũng hay. Bởi vì ở nhà tôi hay ở mùa đầu, Suti là em út, lúc nào cũng được mọi người nhường nhịn; bây giờ trở thành chị cả, tôi muốn thử xem bé có biết chia sẻ, động viên, đủ bản lĩnh dẫn dắt các em vượt qua thử thách; có biết nhường nhịn các em hay không. Đó là những trải nghiệm rất hay.

Tôi cho rằng, có tiền chưa chắc tôi hay các bố có thể đưa con đến những nơi đó. Tôi và các bố từng có ý định tổ chức riêng một chương trình cho 4 gia đình trong vài ngày, để các bé ở nhà cũng được trải nghiệm giống như cách làm của chương trình. Nhưng cũng khó mà thực hiện được. Nếu cho tôi tham gia mùa 3, tôi sẵn sàng đóng tiền để được đi!

PV: Trước và sau thời gian tham gia chương trình, anh nhận thấy Suti có những thay đổi như thế nào?

NS Minh Khang: Suti thay đổi rất nhiều, bé lớn hơn, trưởng thành hơn và giỏi qua từng tập. Khán giả xem sẽ thấy, nhân vật và thời gian có hạn, lên sóng cũng có hạn giữa các cặp bố con. Nhưng sau chương trình, khi trở về cuộc sống bình thường, lúc đó mới thấy bé Suti giỏi. Tự giác xuống bếp phụ mẹ nấu cơm, không có ba ở nhà thì bé tự giác dọn dẹp nhà cửa. Những kỹ năng sống, kỹ năng chơi khi tham gia chương trình bé đã áp dụng vào trong cuộc sống rất nhiều.

Giờ bé lớn rồi, không tham gia với chương trình được nữa, nhưng tôi hy vọng bé sẽ tiếp tục phát huy những gì mà mình được học hỏi ở 2 mùa trước.

PV: Khi cho bé tham gia, anh có lường đến tác động của việc được nhiều người biết đến sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bé?

NS Minh Khang: Tôi biết bạn đang muốn nói đến việc chương trình bị cấm chiếu ở Trung Quốc. Nhưng văn hóa của hai nước khác nhau, luật lệ cũng khác hoàn toàn, không liên quan gì hết. Tôi thấy chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế? rất nhân văn, dạy con cái lớn lên từng ngày, biết được khó khăn của người nông dân, biết được hạt gạo làm ra từ đâu…, giúp trẻ có những trải nghiệm quý giá. Tôi rất cảm ơn chương trình và thấy cần phát huy nhiều hơn nữa.

PV: Có thể khác với chương trình khác, ở “Bố ơi mình đi đâu thế?” có bố đi cùng chăm sóc, bảo vệ; không phải chịu áp lực thắng thua như những cuộc thi khác trên truyền hình. Nếu con anh muốn tham gia một cuộc thi tài năng trên truyền hình, anh có sẵn sàng để bé tham gia?

NS Minh Khang: Luật của gia đình tôi là không cho hai con tham gia về vấn đề ca hát. Hai bé có thể học hát, học đàn piano để biết hát, biết các nốt nhạc; tuyệt đối cả bố và mẹ sẽ không cho hai bé bước chân vào showbiz sớm. Còn sau này, khi các bé đã đủ trưởng thành để quyết định cuộc sống thì chúng tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn của hai con gái.

“Bố ơi mình đi đâu thế?” là một chương trình mang tính trải nghiệm, nó sẽ khác với những chương trình âm nhạc đang phổ biến trên truyền hình hiện nay. Nhiều khi bé cũng xuất hiện một số nơi, trình diễn thời trang nhưng vì đó là tham gia theo công việc của gia đình. Với tôi, gia đình là trên hết. Khi gia đình cần là phải có. Còn để tham gia các cuộc thi hát như bây giờ thì không. Tôi muốn con tập trung học, sau 18 tuổi con tự quyết định con đường của con, còn bây giờ con phải nghe lời bố mẹ.

Chị Nguyễn Thị Bê - mẹ bé Hồng Minh, Quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2015:

Con được nhiều hơn mất!

bao ve tre truoc con bao truyen hinh thuc te

Từ lúc học mẫu giáo, Hồng Minh đã có niềm đam mê ca hát. Bé thường đi hát trong các chương trình của đài truyền hình thành phố, tham gia sinh hoạt ở Nhà văn hóa thiếu nhi. Ở Đà Nẵng, tham gia các cuộc thi dành cho thiếu nhi, Hồng Minh đạt nhiều giải cao nhưng so với các bé ở các tỉnh, thành khác lại chưa biết thế nào. Tôi muốn con được thử sức ở một sân chơi lớn như “Giọng hát Việt nhí”, để xem khả năng của con đến đâu.

Lúc đầu, chưa biết khả năng của các thí sinh khác thế nào nên tôi cũng chột dạ, “Trời ơi, nếu mà con thi rớt thì tội con lắm”. Tôi thấy tội con ở chỗ, con từng đi thi, được Nhất thành phố này kia mà đến “Giọng hát Việt nhí” lại rớt thì rất tội. Tôi run và lo lắm. Hồng Minh là người nhạy cảm, tôi cũng đoán, một là con sẽ khóc nhiều, hai là con sẽ không khóc. Tuy Hồng Minh nhạy cảm nhưng cũng vô cùng bản lĩnh. Trước khi đi thi, tôi có nói với con: “Mình đi thi là để thử sức thôi, nhỡ có thua cũng không được khóc đâu nghe. Khóc là người ta nghĩ mình cay cú đấy”.

Trở về từ cuộc thi, bên cạnh việc học, gia đình tôi còn tạo điều kiện để con phát triển năng khiếu qua các lớp học thanh nhạc, học đàn, tham gia các chương trình trên truyền hình, các chương trình từ thiện. Các chương trình nào mà không ảnh hưởng tới lịch học và sức khỏe thì tôi nhận lời để bé tiếp tục được theo đuổi đam mê của con. So với các bạn cùng trang lứa, bé có phần bận rộn hơn. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật các bé khác có thể được đi công viên, đi siêu thị hay xem phim còn Hồng Minh, khi đã nhận lời tham gia chương trình thì phải đảm bảo.

Nhưng bù lại, không được tham gia vui chơi như các bạn nhưng Hồng Minh lại nhận được sự trân trọng, yêu thương mọi người. Không những thế, Hồng Minh còn hơn các bạn khi được tiếp cận và học hỏi nhiều kiến thức xung quanh. Hồng Minh có phần chững chạc hơn các bạn trong lớp. Tôi thấy cái được nhiều hơn ở chỗ tuy bé không được vui chơi giống như các bạn sau giờ học, nhưng tôi vẫn tạo điều kiện và sắp xếp thời gian cho con. Sau những chuyến lưu diễn, tôi tranh thủ đưa con đi bơi, đi ăn, xem phim. Với tôi, điều thích nhất là Hồng Minh được mọi người yêu thương, đó là cái được lớn nhất.

 

Huy Sơn

Năng lượng Mới 527

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.