Bảo tồn văn học dân gian - cái khó ló... sách nói

07:12 | 15/11/2017

2,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn học dân gian xưa không in thành sách, nhưng nhân dân mãi mãi nâng niu, trân trọng, gìn giữ, bồi đắp để nó ngày một phong phú và hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay độc giả dần xa lánh thể loại văn học dân gian để tìm đến những giá trị thiết thực hơn như bút ký, tự truyện... 

Khó chiều độc giả trẻ

Nếu tìm lại những tác phẩm văn học dân gian (VHDG) thì có thể nhận ra đề tài tiêu biểu thường là: số phận người phụ nữ, thân phận người lao động nói chung, tình yêu đôi lứa, những kinh nghiệm sống quý báu, đặc biệt ngợi ca tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước... Ở phương diện tư tưởng, VHDG nhấn mạnh lòng nhân ái, đề cao tình cảm yêu thương con người, nhất là thân phận người phụ nữ, người lao động cùng khổ... Bên cạnh đó, VHDG còn cung cấp những tri thức hữu ích về xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người.

Không ai phủ nhận giá trị của VHDG nhưng cũng phải thừa nhận, thể loại này không còn sự tiếp nối như trước kia. Tất cả đang bị chững lại ở đúng thời điểm đẹp nhất, rạng rỡ nhất. Từ góc nhìn của những người trẻ, VHDG dường như không còn phù hợp với thế kỷ XXI. Giới trẻ không còn khái niệm khai thác và tìm hiểu VHDG nữa, họ cũng không mặn mà với "sự tiếp nối ưu tú" của những tác giả lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương.

bao ton van hoc dan gian cai kho lo sach noi

Không khó để hiểu, ở hoàn cảnh khác nhau, thời đại khác nhau, sự cảm nhận cũng rất khác biệt, khó mà "gò" người trẻ phải thích những gì mà người xưa ca tụng. Cái tôi của độc giả bây giờ quá lớn, nó thể hiện ở sự đòi hỏi, mong muốn, đôi khi lấn át cả cái tôi của tác giả và cái tôi của những nhân vật trong tác phẩm, thế nên VHDG với tư tưởng ca ngợi những kiếp người, những thân phận, tình cảm gắn bó... có phần hơi "áp đặt" không còn phù hợp nữa. Không những không đồng cảm với nhân vật, một số người đọc còn quay ra "ghét" và phủ nhận "nàng thơ" của tác phẩm "Truyện Kiều".

Để có thể tiếp nối giá trị gốc rễ, người đọc phải có sự đam mê, nhưng đằng này không chỉ thờ ơ, họ còn có sự "phản kháng" nhất định đối với những tác phẩm mang âm hưởng văn học dân gian, điển hình là tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. Mức độ phản kháng "nhẹ" là đọc để biết nhưng không phân tích sâu, hoặc đọc qua loa cho xong, mức độ "nặng" thì... bất đồng quan điểm với tác giả, thế mới có chuyện không ít học sinh sau khi đọc "Truyện Kiều" thì tâm trạng bực bội, ấm ức, cho rằng Kiều "dại dột", "thân làm tội đời", "sao phải khổ...".

Không chỉ nàng Kiều mà trước đó, "sự cố" tương tự cũng đã từng xảy với những "cô gái cổ tích". Một thời, tranh cãi nàng Tấm thiện hay ác đã từng khiến các bậc phụ huynh gặp phải nhiều khó khăn khi giải thích với trẻ nhỏ. Cho đến tận bây giờ, những tranh cãi ấy vẫn chưa dứt bởi mỗi người một quan điểm, quan điểm nào cũng có lý. Có thể nói, sự tồn tại của VHDG lúc này chỉ dừng lại ở mức độ lưu giữ những giá trị. VHDG vẫn còn đó, nhưng có lẽ mất mát lớn nhất chính là không thể tìm được sự tiếp nối trong thế kỷ XXI.

Cách nào cứu văn học dân gian?

Ngày nay, không ít độc giả vẫn đặt câu hỏi: VHDG là gì? Tranh luận về vấn đề truyền tải các tác phẩm VHDG Việt Nam đến với người trẻ sao cho hiệu quả dường như vẫn chưa dứt, đúng ra thì nó thuộc về phạm trù giáo dục và phải đứng ở phương diện làm giáo dục thì mới phân tích được cặn kẽ mọi vấn đề, nhưng từ góc nhìn văn hóa thì sự "thờ ơ" của giới trẻ đối với mảng VHDG đang là một sự mất gốc đáng lo ngại. Chúng ta sẽ phải gìn giữ VHDG bằng cách nào?

Sách nói trực tuyến là một dạng chuyển thể của sách viết tay truyền thống. Cụ thể, đây là những "cuốn sách" đã được thu âm vào các thiết bị âm thanh. Sách nói được sử dụng trong việc dạy trẻ đọc và tăng khả năng đọc hiểu của trẻ. Chúng cũng vô cùng hữu dụng cho những người khiếm thị. Đây là nguồn kiến thức vô tận cho họ.

Sách nói đã có sẵn trong hầu hết các trường học và các thư viện công cộng cũng như khá nhiều tại các cửa hàng âm nhạc từ năm 1930. Rất nhiều album sách nói đã được thực hiện trước khi sự xuất hiện của băng video, DVD hay đĩa CD, tuy nhiên hình thức này xuất hiện chủ yếu là thể loại thơ ca chứ không phải phải là sách. Mãi đến năm 1980, hình thức này mới thu hút các nhà bán lẻ sách và những nhà bán lẻ sách này bắt đầu trưng bày sách nói trên các kệ sách.

Ngày nay, audiobook - còn có tên gọi khác trong tiếng Anh là Spoken word album - là dạng xuất bản phẩm ghi âm, với chủ yếu là những lời kể trần thuật hoặc diễn xuất như kịch truyền thanh. Đề tài và thể loại của audiobook rất rộng, bao gồm kể chuyện, đọc trọn vẹn hoặc rút gọn một cuốn sách (có thể kèm theo âm thanh, âm nhạc phụ trợ), chuyển thể một câu chuyện thành kịch, trọn vẹn hoặc rút gọn một vở kịch nói, tấu hài, các bài diễn văn… Cách thể hiện cũng rất phong phú, từ tác giả sách in tự mình thể hiện lại tác phẩm bằng giọng đọc, các nghệ sĩ nổi tiếng nhận đọc nguyên một tác phẩm, các diễn viên diễn xuất theo phân vai… Đây cũng được coi là một sáng tạo nhằm mang VHDG trở về với tuổi thơ trẻ em Việt.

Một tác phẩm sách nói thường có liên hệ chặt chẽ với các xuất bản phẩm dưới dạng sách in, tuy nhiên, không phải lúc nào một tác phẩm audiobook cũng trung thành trọn vẹn với nội dung trong sách in mà nó được chuyển thể từ đó. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực khắc phục những hạn chế của sách nói, nhằm mang đến cho thính giả những giá trị tốt nhất, nguyên vẹn nhất, đặc biệt là mảng VHDG.

Lâu nay, VHDG luôn được coi là nền tảng của văn học viết và có tác động lớn đến sự hình thành, phát triển của văn học nước nhà, là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng sáng tạo cho văn học viết. Bởi thế, trong thời điểm "nhạy cảm" của sự tiếp thu văn học hiện nay, nhiệm vụ của những nhà nghiên cứu và quản lý ngày càng khó khăn.

Sách thiếu nhi trên nhiều kênh radio hiện nay gồm các truyện cổ tích Việt Nam và thế giới giúp các bé có những ý thức về cuộc sống, gia đình, bạn bè, có lòng yêu thương con người, xây dựng cho bé có những tâm hồn hướng thiện.

Tùng Lâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.