Bảo tồn di sản vùng trung tâm TP HCM: Còn nhiều bất cập

09:12 | 18/09/2018

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Công tác bảo tồn các di sản kiến trúc ở vùng trung tâm TP HCM còn nhiều bất cập và là chủ đề gây tranh luận, nhất là sau khi thành phố công bố phương án phá bỏ Dinh Thượng Thơ.

Không phải là người sinh ra và lớn lên ở TP HCM nhưng tôi cũng sống ở mảnh đất này gần 20 năm. Tôi may mắn được nhìn thấy một số di sản kiến trúc có tuổi đời trên 100 của thành phố trước khi bị đập bỏ để xây những trung tâm thương mại mới. Trong số đó, thật sự tiếc nuối khi Thương xá Tax bị dỡ bỏ. Và không chỉ có tôi mà hầu như người dân nào sinh ra lớn lên hoặc gắn bó lâu dài với thành phố này đều từng rất tiếc nuối khi Thương xá Tax - một trong những công trình kiến trúc, văn hóa biểu tượng của Sài Gòn (tòa nhà 136 tuổi) bị tháo dỡ.

bao ton di san vung trung tam tp ho chi minh con nhieu bat cap
Thương xá Tax được xây dựng từ năm 1880, với 130 năm thăng trầm của lịch sử, tòa nhà từng là một trong những công trình kiến trúc, văn hóa biểu tượng của Sài Gòn (ảnh tư liệu)

Được khởi công xây dựng vào năm 1922, khánh thành vào ngày 26/11/1924, tòa nhà mang tên Grands Magasins Charner (GMC) với công năng là trung tâm thương mại. Tòa nhà ban đầu chỉ có 3 tầng với 2 lối vào ở đường Nguyễn Huệ và góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1) ngày nay, nền nhà ngay lối vào có trang trí hoa văn bằng gạch Mosaic. Đối diện lối ra vào trên đường Nguyễn Huệ là cầu thang chính và nóc nhà phía trên lối ra vào góc Nguyễn Huệ - Lê Lợi có mái vòm đồng hồ. Năm 1934, biển hiệu GMC được gắn thêm ở khu vực mái vòm đồng hồ. Năm 1942, tòa nhà được cải tạo xây dựng thêm tầng 4, mái vòm bị tháo dỡ. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tên GMC được đổi thành Thương xá Tax...

Hiện TP HCM còn rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo nhưng chưa được đưa vào danh sách xếp hạng: Thư viện Khoa học tổng hợp; Bưu điện TP HCM; chợ Bến Thành; nhà thờ Đức Bà; khu biệt thự cổ trên các đường Tú Xương, Phùng Khắc Khoan; Bảo tàng Mỹ thuật (Nhà Chú Hỏa); khu biệt thự ngoại giao đường Lý Thái Tổ…

Năm 2003, tất cả các kết cấu chịu lực của tòa nhà bị hư tổn, sàn bị nứt. Satra đã tiến hành tổng cải tạo tòa nhà, sau đó dỡ bỏ hoàn toàn và xây lên một trung tâm thương mại tại vị trí đắc địa này. Ngày nay, những ai từng tiếc nuối Thương xá Tax và thường xuyên đi qua con góc đường Lê Lợi - Pasteur (quận 1) có thể sẽ còn chút tiếc nuối về một công trình kiến trúc trên 100 tuổi đã bị phá bỏ và đi vào quên lãng.

Và cũng tiếc nuối không kém khi Hãng đóng tàu Ba Son cũng bị thay thế. Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, khu cảng Ba Son trong phương án quy hoạch khu trung tâm thành phố mở rộng do Công ty Nikken Sekkei đề xuất và được duyệt, dự kiến dành làm khu văn hóa, công viên thì nay lại cho làm khu nhà ở cao tầng quy mô lớn. Và không ít người dân thành phố bàng hoàng khi chứng kiến hàng cây có tuổi đời cả 100 tuổi trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) - khu Ba Son bị đốn hạ. Con đường đầy bóng mát giờ đây trống hoác, không một bóng cây, nắng chang chang, hai bên chỉ có những tòa nhà cao tầng nóng ran.

Mới đây nhất là câu chuyện Dinh Thượng Thơ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai - người dân ở TP HCM cho hay: Cơ quan chị ở quận 1, hằng ngày đi làm đều đi qua khu vực Nhà thờ Đức Bà và thỉnh thoảng những lúc dừng đèn đỏ còn tranh thủ ngắm Nhà thờ Đức Bà. Có những hôm cả nhà chị ra đường sách Nguyễn Văn Bình chơi và nghe giới thiệu sách cũng tranh thủ chụp hình lưu lại những tấm ảnh đẹp Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố. Sau nghe một số tranh luận về việc bảo tồn Dinh Thượng Thơ chị thực sự bất ngờ khi biết rằng Dinh Thượng Thơ và cả Nhà thờ Đức Bà - những công trình kiến trúc đẹp được xây dựng cách đây hơn 100 năm không nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố. Theo chị Mai, ở TP HCM, nhất là khu vực trung tâm, còn không nhiều công trình di sản kiến trúc cổ, tại sao thành phố không đưa vào danh mục bảo tồn?

bao ton di san vung trung tam tp ho chi minh con nhieu bat cap
Dinh Thượng Thơ nay là tòa nhà số 59 - 61 Lý Tự Trọng đang là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM

Nói về trường hợp đập bỏ Dinh Thượng Thơ để mở rộng cơ quan hành chính, KTS Nguyễn Hữu Thái cho biết: KTS Ngô Viết Nam Sơn từng cho rằng, về chiến lược, khu đất 18.000m2 quá nhỏ để nâng cấp, mở rộng thành trung tâm hành chính của TP HCM, dự kiến là nơi làm việc của 8 cơ quan, sở, ngành với khoảng 1.700 người. Diện tích này không bảo đảm nhu cầu sử dụng hiện nay cũng như trong tương lai vì thành phố đang phát triển rất nhanh. Hiện TP HCM đã là một siêu đô thị mười mấy triệu dân rồi, 5-10 năm nữa sẽ lại rơi vào cảnh quá tải.

Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, không riêng Việt Nam, nước nào cũng gặp mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển. TP HCM nói riêng cũng như nhiều thành phố khác ở nước ta nên học hỏi kinh nghiệm xử lý vấn đề này của nhiều nước trên thế giới đã làm và thành công như Kyoto (Nhật Bản), Saint Petersburg (Nga), Montréal (Canada), Paris (Pháp)…

Lấy kinh nghiệm thực tiễn thành phố Montréal (Canada), vào những năm 60, chính quyền thành phố này định phá khu phố cổ và xây dựng hiện đại nhưng dân chúng phê phán và Hội đồng thành phố ra quyết định là tiếp thu góp ý của dân, đồng thời mở cuộc thi thiết kế kiến trúc, cuối cùng vẫn giữ lại khu phố cổ Vieux - Montréal khoảng 1km2 nhưng giờ đây là “con gà đẻ trứng vàng” cho Montréal vì kiến trúc văn hóa của thế kỷ XVI còn giữ nguyên, rất có giá trị, hằng năm thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.

Trước việc một số di sản kiến trúc của TP HCM bị đập bỏ để xây mới, KTS Ngô Viết Nam Sơn từng cho rằng, cần tiếp tục điều chỉnh sự thiếu sót của Luật Di sản văn hóa. Theo phân tích của KTS Ngô Viết Nam Sơn, Luật Di sản văn hóa 2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) tuy đã và đang góp phần bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc. Trong đó, bất cập lớn nhất là luật chưa đưa ra được đầy đủ các giải pháp định hướng, phân công trách nhiệm, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc.

Từ năm 2007, phương án quy hoạch khu trung tâm TP HCM của Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản (đoạt giải Nhất) đã được chọn để triển khai thực hiện.

Phương án này xác định: “Khu trung tâm văn hóa - lịch sử gồm các trục đường Đồng Khởi, tổng thể công viên trước Dinh Độc Lập, vườn Tao Đàn, khu công sở Pháp cũ, trụ sở UBND và Nhà hát; khu biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao trước đây trên các đường Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quý Đôn… (KTS Nguyễn Hữu Thái)

bao ton di san vung trung tam tp ho chi minh con nhieu bat cap Hà Nội: "Thần chết" rình rập các biệt thự cổ
bao ton di san vung trung tam tp ho chi minh con nhieu bat cap Xuống cấp, biến dạng và… biến mất
bao ton di san vung trung tam tp ho chi minh con nhieu bat cap Số phận bi hài của biệt thự cổ 100 tuổi ở TP.HCM

Thiên Thanh