Bao giờ hoạt động bổ trợ bảo tàng ở Việt Nam có hiệu quả?

11:35 | 26/06/2013

653 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nước ta, chủ trương tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ bảo tàng đã có khá lâu (hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL từ năm 2010). Tuy nhiên, đến nay việc tổ chức hoạt động lĩnh vực này chưa được quan tâm là mấy?

Trong khi việc tổ chức các dịch vụ bổ trợ phù hợp với hoạt động của hệ thống bảo tàng từ lâu đã trở nên phổ biến, là hình thức thu hút công chúng quen thuộc tại nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là xu hướng phát triển của bảo tàng thế giới hiện đại. Vì phần nhiều du khách khi đến các bảo tàng ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa đặc trưng thì họ còn có nhu cầu giải trí, mua sắm hay khám phá những đặc trưng văn hóa ẩm thực.   

Theo quan niệm của Tổ chức Bảo tàng quốc tế (ICOM), hoạt động của bảo tàng hiện đại không chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục mà còn là nhu cầu giải trí của công chúng. Chính vì xác định nhu cầu thư giãn và giải trí của công chúng ở bảo tàng là có thật nên nhiều bảo tàng trên thế giới đã có cách làm rất quy mô, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến địa phương.

   

Hoạt động ông bà cháu cùng đến Bảo tàng của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Như Bảo tàng chiến thắng Trou, Normandy (Pháp), không ít du khách khi đến đây rất háo hức khám phá những món ăn từ thời Thế chiến Thứ Nhất do một nhà hàng nổi tiếng phục vụ ngay trong bảo tàng. Dù để thưởng thức một bữa ăn ở nhà hàng này không dễ, khách phải đặt chỗ trước và giá các món ăn cũng không hề rẻ chút nào. Ngay cả ban giám đốc bảo tàng muốn đãi khách ở đây cũng phải đặt chỗ trước.   

Còn ở “Thành phố bảo tàng” Hiroshima Nhật Bản, để được thưởng thức món ăn truyền thống từ trên 200 năm trước của người dân thành phố này, khách vừa phải đặt chỗ trước ở nhà hàng vừa phải xếp hàng chờ đợi hơn 2 tiếng đồng hồ mới được phục vụ.  

Nhưng hoành tráng và tổ chức dịch vụ quy mô nhất phải kể đến Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Đan Mạch ở thủ đô Copenhagen, vốn thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Ngay trong khuôn viên bảo tàng tổ chức 2 nhà hàng rất quy mô là nhà hàng Phương Tây và Phương Đông. Tại nhà hàng Phương Tây, món ăn truyền thống của người Đan Mạch được du khách ưa chuộng rất đơn giản chỉ là món bò hầm và khoai tây đút lò. Và ngay dưới tầng hầm của bảo tàng là trung tâm siêu thị hoành tráng hàng chục ngàn mét vuông, phục vụ tất cả các mặt hàng cho du khách thưởng thức.   

Ở nước ta hiện nay, bảo tàng đảm bảo nhu cầu này rất ít, có thể kể đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TPHCM) hay Bảo tàng dân tộc học Việt Nam nhưng cũng không thường xuyên trong năm mà phải tùy vào hoạt động định kỳ của bảo tàng hay nhân dịp lễ kỷ niệm lớn trong năm.   

Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết là nhiều khách tham quan xem hiện vật tại Bảo tàng thấy chưa đủ, nhờ bảo tàng mời những nhân chứng chiến tranh như cựu chiến binh, tù chính trị, nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam… là những người thật, việc thật kể về cuộc đời thật của họ, về những mất mát đau thương mà họ phải chịu đựng. Những câu chuyện như vậy, thường làm khách rất xúc động, tin vào những hiện vật, những gì mà mình đã trưng bày.  

Ngoài ra, BTCTCT cũng thường xuyên tổ chức giao lưu người xem bảo tàng với nhiều chủ đề khác nhau, như tháng 6/2011 “Ẩm thực thời kháng chiến”- tái hiện món ăn thời chiến như cơm nắm, muối mè, bánh tét, khoai mì, cá lóc nướng trui… và chính tay cô chú tham gia thời chiến làm món ăn, vừa làm vừa kể câu chuyện của họ cho khách nghe. Khách nghe và thấy rất thú vị, thích thú.  

Chương trình giao lưu ẩm thực thời kháng chiến tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút rất nhiều khách tham quan tham gia

Hay chương trình “Giao lưu ông bà cháu đến bảo tàng”- mời gia đình có 3 thế hệ đến nghe câu chuyện hướng dẫn viên kể nhưng đến đoạn nào mà có câu chuyện thật của ông bà giống câu chuyện bảo tàng đang kể, thì sẽ chuyển cho ông bà kể. Ví như đang có ném bom phá hoại miền Bắc thì bà làm gì và ông đang là bộ đội canh giữ cầu Hàm Rồng khi máy bay Mỹ ném bom thì khi cầu Hàm Rồng sập cảm xúc của ông ra làm sao. Những câu chuyện có thật đan xen với câu chuyện bảo tàng kể thì làm cho câu chuyện lịch sử hết sức sống động.  

Trong quá trình trưng bày, BTCTCT chẻ nhỏ cuộc chiến tranh ra nhiều chủ đề như “Người phụ nữ trong chiến tranh", “Trẻ em trong chiến tranh”, “Tình yêu trong chiến tranh”, “Kỷ vật trong chiến tranh”… thì tội ác chiến tranh nổi rõ ở từng giới, từng lứa tuổi, từng thời kỳ… Đặc biệt triển lãm “Tình yêu trong chiến tranh” trưng bày trong 2 tháng rưỡi đã thu hút 160.000 khách tham quan”- bà Vân cho biết thêm.  

Có lẽ chính cách làm linh hoạt, sinh động, hiệu quả của BTCTCT, trong đó có hoạt động dịch vụ bổ trợ mà trong những năm gần đây thu hút khách ngày càng đông, như năm 2010 đón 550.000 lượt khách, năm 2011 đón 660.000 và năm 2012 con số khách tham quan đã tăng lên rất nhiều.  

Qua đó chúng ta thấy rằng nếu hoạt động dịch vụ bổ trợ bảo tàng có hiệu quả thì lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Đó cũng là xu thế phát triển của các bảo tàng trên thế giới rất rõ ràng, hướng đến cách thức hoạt động “mở”, dịch vụ của bảo tàng ở nhiều nước rất đa dạng và phong phú và tất cả cách thức này luôn hướng tới mục tiêu giáo dục của bảo tàng là chính chứ không phải chỉ vì mục đích lợi nhuận.   

Bao giờ các hoạt động bổ trợ bảo tàng ở Việt Nam thật sự phổ biến là vấn đề quan tâm của nhiều người không chỉ trong lĩnh vực làm bảo tàng, làm văn hóa mà còn là việc của các nhà làm chính sách.   

Thanh Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.