Bảo đảm sự bền vững của hệ thống truyền tải điện quốc gia

08:00 | 04/10/2014

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hệ thống điện, lưới truyền tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc liên kết điện giữa các vùng miền, kết nối các nhà máy điện và các trung tâm phụ tải, cung cấp điện cho khắp mọi miền đất nước. Chính vì vậy, việc thiết lập một hệ thống truyền tải điện an toàn, ổn định bền vững không chỉ là mục tiêu mà ngành điện đang hướng tới mà còn là mong mỏi của khách hàng sử dụng điện. Phóng viên đã trao đổi với ông Vũ Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xung quanh các nội dung này.

Năng lượng Mới số 361

PV: Ông đánh giá thế nào về lưới truyền tải điện của Việt Nam hiện nay?

Ông Vũ Ngọc Minh: Điểm nhấn đầu tiên của ngành truyền tải điện phải kể đến đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành tháng 5/1994 đã đóng vai trò hợp nhất hệ thống lưới điện cả nước, góp phần quan trọng truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, rồi tiếp đến là đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông mới đóng điện hồi tháng 5 năm nay đã nâng cao tính ổn định và khả năng truyền tải của hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, kinh tế giữa các vùng miền trên cả nước.

Hệ thống lưới điện 500kV hiện nay không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được kết nối tạo thành các mạch vòng quan trọng như khu vực miền Nam là Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; khu vực miền Bắc là Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình - Sơn La. Đây là tiền đề để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Bảo đảm sự bền vững của hệ thống truyền tải điện quốc gia

Ông Vũ Ngọc Minh

PV: Vậy hệ thống điện luôn phải đối mặt với những khó khăn nào để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, đảm bảo chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Minh: Phải khẳng định rằng, điều kiện thời tiết, địa hình, địa chất có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão. Hiện nay, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam nối liền các hệ thống điện ba miền Bắc - Trung - Nam thành hệ thống điện hợp nhất nên chỉ cần sự cố xảy ra một trong các đoạn đường dây 500kV cũng có thể dẫn đến chia cắt hệ thống điện toàn quốc và có thể gây ra tình trạng rã lưới (tức là mất điện toàn bộ hệ thống điện miền hoặc quốc gia). Đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng đối với hệ thống truyền tải điện.

Ngoài ra, trong các hệ thống điện miền, lưới điện 220kV mang tính chất xương sống, đóng góp quan trọng trong việc an toàn cung cấp điện và đảm bảo chất lượng điện năng cho các phụ tải. Thực tế đã chứng minh rằng, khu vực nào có lưới điện 220kV đủ mạnh thì tình hình cấp điện an toàn ổn định hơn và chất lượng điện áp được đảm bảo.

Trong một số trường hợp, sự cố xảy ra tại một trong các đường dây 220kV và 500kV trọng yếu cũng có thể gây nên tình trạng rã lưới hoặc gây mất điện một vài khu vực lớn trong toàn quốc, như sự cố ngày 2/9 vừa qua tại trạm 500kV Đà Nẵng làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, gây mất điện trong một thời gian ngắn tại một số khu vực.

PV: Để hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra trên lưới điện, EVNNPT đã và đang triển khai những biện pháp nào nhằm nâng cao độ an toàn trong vận hành lưới điện?

Ông Vũ Ngọc Minh: Ngoài các giải pháp liên quan đến nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật chuyên ngành và kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện quy trình quy phạm để phát hiện kịp thời các thiết bị có chất lượng kém, một trong những giải pháp mà EVNNPT đang triển khai là có kế hoạch thay thế các thiết bị lạc hậu, độ tin cậy vận hành thấp hoặc hết tuổi thọ như các máy biến áp, các thiết bị đóng cắt, rơle bảo vệ nhằm tăng độ tin cậy vận hành của thiết bị.

Để giảm sự cố đường dây, tổng công ty đã chỉ đạo xử lý triệt để hệ thống tiếp địa trên các tuyến đường dây 220kV và 500kV, xử lý các mối nối dây dẫn, các mối nối lèo, mối nối dây chống sét trên đường dây, sứ cách điện và trạm biến áp.

Mặt khác, tổng công ty đang triển khai lắp đặt thiết bị định vị điểm sự cố trên các đường dây 500kV và 220 kV tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, mật độ giông sét cao nhằm giảm thời gian tìm kiếm xử lý sự cố.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra tuyến đường dây soi phát nhiệt, các mối nối vầng quang của các chuỗi sứ cách điện để phát hiện khi nhiệt độ lên cao, vệ sinh thay thế kịp thời.

Đối với các trạm biến áp 500kV hiện đã lắp đặt thiết bị giám sát online định kỳ soi phóng điện cục bộ trong các máy biến áp và kháng điện. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để xử lý, khắc phục nhanh sự cố, nhất là sự cố trạm biến áp.

Việc giải quyết triệt để cây cối, công trình nhà cửa vi phạm trong và ngoài hành lang bảo vệ đường dây có nguy cơ gây sự cố cũng là giải pháp đang được các đơn vị truyền tải triển khai song song với việc tăng cường tuyên truyền đến các người dân, các tổ chức làm việc, sinh sống gần đường dây cao áp.

Khó khăn nhất hiện nay là ngành phải nắm bắt rất nhiều công nghệ trong quản lý, vận hành do các thiết bị được mua từ nhiều nguồn khác nhau theo Luật Đấu thầu, không có sự đồng bộ.

Một vấn đề cũng được đặt ra là đường dây và trạm biến áp từ thời đường dây 500kV mạch 1 (1994) đã hết khấu hao hơn cần phải thay thế như thế nào. Đây là bài toàn kinh tế cần xem xét. Nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì chi phí cao, nếu trong nước tự làm phải đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ và cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu đó, như thế sẽ chủ động hơn.

PV: Để xây dựng một hệ thống truyền tải hiện đại, cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải dự kiến từ 265-275 tỉ kWh/năm (vào năm 2020), đồng thời liên kết lưới điện truyền tải với các nước trong khu vực, theo ông cần thêm những yếu tố gì?

Bảo đảm sự bền vững của hệ thống truyền tải điện quốc gia

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1

Ông Vũ Ngọc Minh: Để hệ thống điện quốc gia đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và ổn định, khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới còn rất lớn. Năm nay là năm có số lượng và khối lượng đầu tư được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay với số vốn gần 18.600 tỉ đồng.

Trước mắt là tăng cường lắp đặt các thiết bị bù điện áp trong lưới điện cao áp 220-110kV ở cả 3 miền để đảm bảo điện áp đủ tiêu chuẩn, góp phần nâng cao tính ổn định trong vận hành hệ thống điện.

Trong một tương lai không xa, hệ thống truyền tải quốc gia cũng hướng đến phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam với công nghệ hiện đại, được giám sát và đánh giá trực tuyến, tự động giám sát để nhanh chóng phát hiện ra những giới hạn trong vận hành nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển lưới điện truyền tải.

Việc xây dựng tốt mô hình hệ thống điện Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc vận hành tốt hệ thống điện; trong đó việc xác lập năm sơ đồ lớn bao gồm tổng sơ đồ phát triển điện lực, sơ đồ tổ chức vận hành, sơ đồ hệ thống điều độ, sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc và sơ đồ hệ thống rơle, bảo vệ và tự động hóa là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, trong sơ đồ quy hoạch hệ thống rơle bảo vệ và tự động hóa còn phải xác định mức độ cần thiết, thời điểm và địa điểm lắp đặt các hệ thống tự động cho hệ thống điện như hệ thống tự động sa thải phụ tải, hệ thống sa thải và đưa các tổ máy phát vào hoạt động, hệ thống tự động chống sự cố, hệ thống chống mất ổn định và quá tải, hệ thống tự động phục hồi lưới điện bởi hiện nay, các vấn đề này chưa được xem xét và nghiên cứu một cách thấu đáo ở Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Phương

 

  • el-2024