Báo cáo PAPI 2020: Quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng

10:12 | 14/04/2021

285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 14/4, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng.

Báo cáo PAPI 2020: Quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng
Sự tham gia của người dân về các vấn đề điều hành đất nước là cần thiết đối với Chính phủ.

Theo đại diện UNDP Việt Nam, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở 6 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh).

PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực Nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong suốt 12 năm qua, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công ở nhiều lĩnh vực cụ thể.

Nghiên cứu PAPI đã đi qua hai nhiệm kỳ chính quyền các cấp (2011-2016 và 2016-2021). Vì vậy, dữ liệu PAPI giúp chính quyền các cấp nhìn lại xu thế hiệu quả quản trị qua 10 năm, đồng thời gợi nhắc những dư địa cần tiếp tục cải thiện nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp, tạo điều kiện để người dân phát huy tiềm năng trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với chương trình nghiên cứu PAPI do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp tại miền Trung. Song, nhờ sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan đồng thực hiện PAPI, gồm Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, khảo sát PAPI 2020 đã thành công dù chậm hơn so với thường lệ 1 tháng.

Cũng phải nhắc lại, trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng, chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trọng tâm nỗ lực của Đảng và Chính phủ với nhiều vụ điều tra đại án trong những năm qua. Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng, chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường - với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Trong báo cáo PAPI 2020, có 8 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020 gồm Thái Nguyên (tham gia người dân cấp cơ sở), Quảng Ninh (công khai minh bạch), Quảng Bình (trách nhiệm giải trình với người dân), Quảng Ninh (kiểm soát tham nhũng khu vực công), Trà Vinh (thủ tục hành chính công), Đồng Tháp (Quản trị môi trường) và Đà Nẵng (Quản trị điện tử).

Mặc dù Việt Nam thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 trong năm 2020, những phát hiện nghiên cứu trong báo cáo này cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới người dân. Mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỉ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỉ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, và tỉ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020. Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể là do tác động của đại dịch COVID-19.

Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong ba năm qua. Lần đầu tiên sau 10 năm, tỉ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Đánh giá về những vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020 cũng có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Phụ nữ quan ngại hơn với những vấn đề như giảm nghèo, y tế và giáo dục. Nam giới quan ngại hơn về các vấn đề tăng trưởng kinh tế, an ninh, tranh chấp biển Đông và tham nhũng. Sự khác biệt mang hàm ý chính sách quan trọng trong việc đề cử và bầu chọn người đại diện của công dân trong các cơ quan dân cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2021.

Thành Công

PAPI 2019: Không tỉnh thành nào đạt điểm PAPI tuyệt đối

PAPI 2019: Không tỉnh thành nào đạt điểm PAPI tuyệt đối

Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 vừa công bố, không có tỉnh, thành nào đạt mức điểm cao nhất cho cả 8 chỉ số thành phần được đánh giá.

Báo cáo PAPI 2018: Quan ngại lớn nhất là tham nhũng, chất lượng giáo dục

Báo cáo PAPI 2018: Quan ngại lớn nhất là tham nhũng, chất lượng giáo dục

Nạn “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ, tham nhũng vẫn là một trong ba quan ngại hàng đầu, chưa công khai, minh bạch quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất với người dân… Là những vấn đề mà báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2018 (PAPI) công bố ngày 2/4.