Bản tin Năng lượng xanh: Đức, Ý hỗ trợ dự án đường ống dẫn khí đốt và hydro mới giữa hai nước

15:19 | 09/06/2023

7,476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Năm (8/6), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông hài lòng rằng Đức và Ý đã nhất trí thúc đẩy xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt và hydro giữa hai nước.
Bản tin Năng lượng xanh: Đức, Ý hỗ trợ dự án đường ống dẫn khí đốt và hydro mới giữa hai nước

Đức, Ý hỗ trợ dự án đường ống dẫn khí hydro mới

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Đức Scholz nói việc tăng cường hợp tác đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng là rất quan trọng đối với Đức. "Mở rộng mạng lưới cung cấp ở châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta và chắc chắn sẽ tăng cường an ninh năng lượng". "Vì lý do đó, tôi hài lòng rằng chúng tôi đã nhất trí tiếp tục công việc về một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và hydro mới giữa Đức và Ý".

Tháng Năm vừa qua, Đức, Ý và Áo đã ký một Ý định thư hỗ trợ phát triển đường ống dẫn khí hydro giữa Bắc Phi và châu Âu, khi các nước châu Âu thích nghi với thực tế việc nhập khẩu năng lượng từ Nga bị hạn chế.

Dự án dài 3.300 km (2.050 dặm) được dẫn dắt bởi bốn nhà khai thác hệ thống truyền tải lớn của châu Âu: Snam, Trans Austria Gasleitung, Gas Connect Austria và Bayernets ở Đức. Sea Corridor, liên doanh giữa Snam và tập đoàn năng lượng Ý Eni điều hành các đường ống dẫn khí đốt nối Bắc Phi với Ý, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, được đặt tên là Hành lang SoutH2.

Thủ tướng Ý Meloni, người đặt mục tiêu biến nước Ý trở thành một trung tâm năng lượng kết nối châu Phi với Bắc Âu, cho biết: “Về mặt năng lượng, chúng tôi đồng ý rằng điều rất quan trọng là đảm bảo đa dạng hóa các nguồn cung cấp của chúng tôi và nỗ lực kết nối các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở Địa Trung Hải”. Hành lang SoutH2, có thể vận chuyển 4 triệu tấn hydro xanh mỗi năm theo chi tiết kỹ thuật do tập đoàn thiết kế, là một trong ba dự án đang được Liên minh Châu Âu (EU) xem xét về nhiên liệu phi hóa thạch.

BlackRock nhắm tới 7 tỷ USD cho Quỹ năng lượng tái tạo toàn cầu mới

Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cho biết họ hy vọng sẽ huy động được 7 tỷ USD cho Quỹ năng lượng tái tạo toàn cầu lần thứ tư khi khách hàng tăng cường các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu.

Quỹ này tập trung cho các dự án ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có thể đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời cũng như các công nghệ sạch khác như pin và cơ sở hạ tầng lưới điện.

David Giordano, Giám đốc Cơ sở hạ tầng Khí hậu Toàn cầu của BlackRock nói nhu cầu từ các nhà đầu tư tài trợ các dự án như vậy đã tăng lên trong những năm gần đây khi nhiều người tìm cách điều chỉnh danh mục đầu tư của mình trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.

Động thái này cũng được thúc đẩy trong bối cảnh chính sách thay đổi nhanh chóng, với việc Mỹ và EU đều đưa ra sự hỗ trợ tài chính lớn cho năng lượng sạch để giúp cắt giảm lượng khí thải carbon trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Giordano nhấn mạnh rằng cam kết của các nhà đầu tư muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho hôm nay và cho tương lai là khá mạnh mẽ.

Do đó, công ty cho biết họ đang nhắm mục tiêu từ 5 tỷ USD đến 7 tỷ USD cho quỹ thứ tư của mình, sau khi huy động được 4,8 tỷ USD cho quỹ trước đó, đã đóng kết vào tháng 4/2021.

Để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đầu tư năng lượng sạch hàng năm sẽ cần tăng hơn gấp ba lần, lên đến 4 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Giordano cho biết, tùy thuộc vào số tiền huy động được, Quỹ có thể thực hiện khoảng 18-22 khoản đầu tư trên nhiều dự án giai đoạn đầu và đã phát triển, đồng thời cũng có thể xem xét các khoản đầu tư chung.

Eni, KMG xây dựng nhà máy hỗn hợp năng lượng tái tạo khí đầu tiên của Kazkahstan

Hôm thứ Năm (8/6), sau cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan ở Astana, tập đoàn năng lượng Ý cho biết Eni và nhà điều hành dầu khí KazMunayGas (KMG) sẽ hợp tác để xây dựng nhà máy điện hỗn hợp khí và năng lượng tái tạo đầu tiên của Kazakhstan.

Giám đốc điều hành Eni Claudio Descalzi cho biết dự án mà họ công bố ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến xa hơn trong việc tăng công suất phát điện tái tạo của Eni, đồng thời hỗ trợ con đường khử cacbon của Kazakhstan.

Eni cho biết cơ sở này là cơ sở đầu tiên thuộc loại này ở Kazakhstan, nhằm mục đích sản xuất trong nước và cung cấp điện carbon thấp. Nó sẽ có công suất 250 megawatt, trong đó bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như một nhà máy điện khí đốt./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)