Bản tin Năng lượng xanh: COP26 không thể đạt cam kết mang tính ràng buộc

14:48 | 09/11/2021

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hội nghị khí hậu COP26 với sự tham gia của hơn 20 nền kinh tế lớn bao gồm Anh, Ý, Mỹ và Canada chỉ đạt được cam kết không mang tính ràng buộc trong việc ngừng tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch nước ngoài.
Bản tin Năng lượng xanh: COP26 không thể đạt cam kết mang tính ràng buộc

Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền đầu tư vào dầu khí, than sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Trung Quốc và Nhật Bản đứng ngoài thỏa thuận này. Đối với lĩnh vực than, hơn 40 quốc gia, bao gồm Ba Lan, Indonesia, Ukraine, Hàn Quốc và Việt Nam cam kết từng bước loại bỏ nguồn năng lượng này sau năm 2040 (Ba Lan, Indonesia), tuy nhiên, hai quốc gia tiêu thụ 2/3 tổng sản lượng than thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ và ba nhà sản xuất than lớn – Úc, Mỹ, LB Nga đã từ chối tham gia cam kết.

Cũng trong khuôn khổ COP26, trên 100 quốc gia chiếm 70% GDP thế giới và 50% khối lượng phát thải metan bao gồm Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, KSA, UAE và Việt Nam đã ký cam kết giảm 30% phát thải metan đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên quá 1,5 độ C. Đặc biệt, ngành công nghiệp dầu khí Mỹ cam kết giảm 75%, chế biến rác thải 70%. LB Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã không đồng ý tham gia văn kiện này.

Mỹ có thể bổ sung thêm 432 GW công suất điện mặt trời đến năm 2030 nếu chương trình ưu đãi thuế liên bang Investment Tax Credit (ITC) được gia hạn thêm 10 năm. Phần lớn động lực tăng trưởng sẽ đến từ các dự án điện mặt trời quy mô lớn. Việc gia hạn ITC sẽ hỗ trợ giảm giá điện mặt trời công nghiệp, giúp lĩnh vực này trở nên cạnh tranh hơn ở hầu hết các tiểu bang. Theo kịch bản này thì tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Mỹ sẽ đạt 528 GW đến năm 2030. Tuy nhiên, kết quả này sẽ không đủ để đảm bảo 80% sản lượng điện tại Mỹ sẽ đến từ các nguồn phát thải carbon thấp vào năm 2030. Theo tính toán của Wood Mackenzie, nếu ITC không được gia hạn, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Mỹ sẽ gia tăng thêm 300 GW đến năm 2030 (thấp hơn 132 GW so với kịch bản được gia hạn).

Ủy ban châu Âu có thể sẽ công nhận đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân và điện khí là các khoản đầu tư xanh, như một trong những hoạt động phát triển bền vững nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Đây là động thái đáp lại yêu cầu trước đó của 10 quốc gia thành viên EU, dẫn đầu bởi Pháp, các quốc gia ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân bao gồm CH Czech, Bulgaria, Croatia, Phần Lan, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia.

Viễn Đông