Bản nghèo nơi sơn cùng thủy tận

07:00 | 28/09/2019

1,890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Đi thôi kẻo mưa lớn”, người lái thuyền nói rồi bước xuống chiếc thuyền vỏ nhôm trên dòng Long Đại đang cuộn sóng. Thuyền nổ máy, chúng tôi bắt đầu hành trình vượt thác Tam Lu để thăm lại hai bản Hôi Rấy và Nước Đắng - nơi sơn cùng thủy tận nhưng chứa đựng biết bao ân tình.

1. Năm 2016, khi nhiều tỉnh miền Trung chìm trong nước lũ, chúng tôi tham gia một chiến dịch từ thiện lớn, đi khảo sát nhiều làng, bản, tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của bà con để có phương cách hỗ trợ phù hợp.

Với hai bản Hôi Rấy và Nước Đắng thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, hàng thực phẩm, gạo, mỳ tôm lúc đó đã có đoàn khác chuyển đến, tạm đủ cho bà con sống trong những ngày lũ. Sau khi vượt sông, cắt núi khảo sát, chúng tôi lập một kế hoạch chi tiết với việc chọn hỗ trợ một đường ống nước từ trên khe cao dẫn về cả hai bản để sau lũ bà con có nước sạch dùng và mỗi hộ một bình ắc quy cỡ lớn, một bộ kích điện, bóng đèn, dây điện và tiền mặt. Thời điểm đó, hai bản hoàn toàn chưa có điện. Mỗi khi mặt trời lặn sau những dãy núi đá vôi, người dân cả hai bản mò mẫm trong ánh đèn dầu, trong ánh lửa bếp củi dù đã bước sang thế kỷ XXI được 16 năm.

ban ngheo noi son cung thuy tan
Một góc bản Hôi Rấy

Năm 2019, sau hành trình hơn 70km từ Đồng Hới (Quảng Bình) vượt qua nhiều điểm sạt lở, chúng tôi đến trung tâm xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Trung tâm xã nằm lọt thỏm trong một thung lũng ba bề là núi, một bên là dòng Long Đại. Đây là xã có địa giới hành chính lớn nhất tỉnh Quảng Bình, với diện tích hơn 783km2.

Thị tứ xã Trường Sơn giống bao thị tứ ở các xã vùng cao khác: Sóng điện thoại chập chờn, hàng quán lèo tèo, giao thương hạn chế... Nhưng trước đó, xã còn nghèo, là nơi “khỉ ho, cò gáy” hơn nhiều. Sau này, đường từ thành phố Đồng Hới nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chạy qua xã Trường Sơn mới giúp địa phương này thuận lợi trong giao thông hơn. Còn trước đó, lên Trường Sơn chỉ có đi duy nhất một đường là đi đò dọc dòng Long Đại, vượt mười mấy con thác cuộn sóng. Đó là đến trung tâm xã, còn muốn đến hai bản Hôi Rấy và Nước Đắng còn phải mất thêm hơn 1 tiếng đồng hồ đi đò, vượt con thác Tam Lu nổi tiếng trắc trở, hai bên vách núi dựng đứng. Đó cũng là con đường duy nhất đến với hai bản này. Xa xôi, cách trở là vậy nên nhu yếu phẩm lên đến được hai bản này, cái gì cũng đắt như... sâm.

2. Từ bến đò làng Mô, anh Kỷ lái đò nổ cái máy hiệu Koler 13 mã lực, bắt đầu hành trình vượt dòng Long Đại, vượt thác Tam Lu. Người bạn đồng hành cùng chúng tôi là anh Nguyễn Văn Tráng, một người địa phương gắn bó với nhiều đoàn từ thiện ở vùng đất này.

Tam Lu, theo cách lý giải của người địa phương, nghĩa là ba cái lu hứng nước trời. Thác có độ cao khoảng 20m so với mặt nước tự nhiên, với 3 bậc thang trắng xóa nước cuồn cuộn. Len giữa 3 bậc thang ấy là những tảng đá đủ các loại kích cỡ. Nước ở đây chảy rất mạnh và xoáy. Từng con sóng vỗ vào những tảng đá, tung bọt trắng xóa. Đá dựng đứng ngang tầm mắt, cứ như một đàn trâu khổng lồ nằm giữa sông.

ban ngheo noi son cung thuy tan
Thuyền vượt thác Tam Lu

Lái đò nếu không có kinh nghiệm sẽ vấp phải bãi đá phía dưới con nước, thuyền sẽ bị xé rách ngay lập tức và dòng xoáy cũng sẽ nuốt nguyên con thuyền, dìm xuống đáy rồi đánh nát. Anh Kỷ kể, những người gặp nạn ở thác Tam Lu, hoặc chết mất xác, hoặc khi tìm được rồi thì chân tay, xương cốt cũng gãy hết vì bị dòng nước quăng quật vào hằng hà sa số các tảng đá dưới lòng sông. Từ trung tâm xã, vượt Tam Lu mới đến được Hôi Rấy và Nước Đắng.

Qua Tam Lu, người ướt như chuột, phần vì mưa, phần vì những con sóng đập vào mạn thuyền, bắn thẳng vào khách. Đi thêm khoảng 15 phút, chúng tôi dừng ở bến vào bản Hôi Rấy. Một thanh niên trẻ ngồi đầu bến gỡ lưới, phía bên kia con dốc đầu bến, tiếng trẻ con cười đùa náo động cả một góc rừng. Những ngày qua, vùng này có mưa lớn làm con dốc dẫn xuống bến đò bị từng dòng nước xẻ những đường dọc, nhầy nhụa bùn đất. Đi đến đầu bản, chếch phía bên trái là nhà trưởng bản - ông Hồ Ba. Ngôi nhà sàn cũ kỹ, phía trên là 4 đứa nhỏ đứng trên cửa sổ nhìn thấy khách lạ, nhoẻn miệng cười.

3. Ông Hồ Ba là trưởng bản qua 2 nhiệm kỳ, rất có uy tín ở Hôi Rấy. Cả bản có 37 hộ, 141 nhân khẩu, sở hữu 120 con trâu bò, bình quân mỗi hộ làm từ 3 đến 4 sào lúa rẫy. Khoảng những năm 2000, tại bản này có một dự án dẫn nước từ trên núi cao xuống bản, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Nhưng lâu ngày, đường ống hỏng, đến năm 2016, nhờ các nhà hảo tâm mới khôi phục lại được đường ống.

Đêm ở Nước Đắng, sau cữ rượu cần với bà con dân bản, tôi nằm nhớ về hành trình vừa căng thẳng vừa thơ mộng ban ngày. Cảnh vật nơi đây đẹp như cổ tích, con người thì trong trẻo như nước khe đá, hồn nhiên như cây cỏ, rắn rỏi như đá núi. Cũng may, dự án thủy điện ở dòng Long Đại không được triển khai, nếu không, những bản làng này đã chìm dưới hàng triệu mét khối nước hồ thủy điện. Rồi mọi người lại dắt díu nhau đi định cư ở tít một vùng xa nào đó, trong những ngôi nhà tôn xây gạch vô hồn.

ban ngheo noi son cung thuy tan
Đường từ bến đò lên bản Nước Đắng

5 giờ 30 phút sáng, tiếng lửa nổ lép bép ở căn bếp phía góc nhà sàn đánh thức tôi dậy. Trên bức tường nơi bếp, bóng trưởng bản Hồ Hơn in lên đó, phủ một lớp tối đen. “Dậy rồi à, rượu cần uống say nhưng không đau đầu”, ông Hơn nói. Ông Hơn là trưởng bản Nước Đắng, là người có một trí nhớ tuyệt vời. Ông kể, bản Nước Đắng có 35 nóc nhà, 133 nhân khẩu, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 3 con trâu, bò, nhiều nhất thì 6-7 con. Cả bản có khoảng 35ha trồng ngô, khoai, sắn. Cuộc sống thay đổi nhiều nhất từ sau khi có dự án điện năng lượng mặt trời. “Bà con có điện, nhiều nhà mua tivi, quạt điện và các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Kinh tế cũng phát triển hơn trước, nhưng vẫn nghèo”, ông Hơn nói.

Ở nơi chỉ vài nhịp đập cánh chim là sang đất Lào này, dân bản vẫn nghèo bởi giao thông cách trở, sông Long Đại vẫn là đường duy nhất vào được đến hai bản nghèo khó này. Như lời của anh Nguyễn Văn Tráng, “nhu yếu phẩm lên được trên này thì đắt như sâm, còn sản vật của bà con ở đây làm được thì được mua với giá rất rẻ, vì nhà buôn còn phải tính công vận chuyển dọc sông mới đưa được về xuôi”.

Chính vì thế, cuộc sống ở hai bản này vẫn nghèo, vẫn chưa thể có đường hướng nào để phát triển vượt lên. Chục năm qua, hai bản này có thêm thế hệ mới, khoảng 50 em nhỏ, ngày ngày đi học ở hai điểm trường. Những em nhỏ này là tương lai của hai bản, chúng lớn lên mang theo bao ước vọng của thế hệ cha anh về việc thoát khỏi một cuộc đời nghèo đói mịt mù nơi sơn cùng thủy tận.

Thanh Hiếu