Bài học lớn từ vụ lốp ô tô Việt Nam thắng kiện bán phá giá vào Hoa Kỳ

19:21 | 27/07/2023

2,960 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Vào tháng 6/2020, Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu. Đến tháng 7/2021, Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thuế chống bán phá giá là 0% - 22,27% và thuế chống trợ cấp là 6,23% - 7,89%.

Bài học lớn từ vụ lốp ô tô Việt Nam thắng kiện bán phá giá vào Hoa Kỳ
Lốp ô tô Việt Nam không bán phá giá vào Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về đơn kiện, Bộ đã triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như họp, trao đổi, tư vấn phương hướng xử lý vụ việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tham vấn chính thức với phía Mỹ về các nội dung trong cáo buộc của nguyên đơn Mỹ.

Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án xử lý với mục tiêu hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4/2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được Bộ Thương mại Mỹ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp.

Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Mỹ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đối với 1 chương trình bị cáo buộc còn lại (định giá thấp tiền tệ), căn cứ thông tin của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC tính toán mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với doanh nghiệp là 1,26% trong giai đoạn 10/11-31/12/2020 và 0% trong giai đoạn 1/1-31/12/2021, giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Hoa Kỳ) vẫn được xác định không bán phá giá, đồng nghĩa với việc sản phẩm của các doanh nghiệp này không bị áp thuế chống bán phá giá.

Vì vậy, tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này, như Hàn Quốc (14,72% - 27,05%), Đài Loan - Trung Quốc (20,04% - 101,84%), Thái Lan (từ 14,62% - 21,09%).

Bài học lớn từ vụ lốp ô tô Việt Nam thắng kiện bán phá giá vào Hoa Kỳ
Việt Nam có ngành sản xuất cao su bền vững, có giá trị cao.

Đến ngày 6/9/2022, DOC đã tiến hành rà soát thuế chống trợ cấp theo đề nghị của 1 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn 10/11/2020 - 31/12/2021. Đến ngày 18/7/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC đã sơ bộ xác định doanh nghiệp này không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc.

Đối với 1 chương trình bị cáo buộc còn lại (định giá thấp tiền tệ), căn cứ thông tin của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC tính toán mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với doanh nghiệp là 1,26% trong giai đoạn 10/11 - 31/12/2020 và 0% trong giai đoạn 1/1 - 31/12/2021, giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.

Cục Phòng vệ Thương mại thông tin thêm, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng đối với vụ việc rà soát muộn nhất là 120 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ.

Có thể thấy rằng, từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đến nay, gần 30 năm qua các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường lớn nhất thế giới này luôn phải đối mặt với các vụ kiện từ chống bán phá giá, trợ cấp đến "định giá thấp tiền tệ". Để có thể "làm ăn" với nước bạn, không có cách nào khác là doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự đứng trên đôi chân của mình, sẵn sàng chứng minh chất lượng và giá cả sản phẩm trước các vụ kiện thương mại.

Theo số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 525 triệu USD sản phẩm nói trên sang thị trường Mỹ.

Thành Công

Tập đoàn Hoá chất: Nhiều lốp ô tô nhập vào Việt Nam không đạt chất lượng Tập đoàn Hoá chất: Nhiều lốp ô tô nhập vào Việt Nam không đạt chất lượng
Tin tức kinh tế ngày 20/5: Kim ngạch xuất khẩu cao su thấp nhất trong 2 năm Tin tức kinh tế ngày 20/5: Kim ngạch xuất khẩu cao su thấp nhất trong 2 năm
VIIS 2023: Cơ hội hợp tác, giao thương cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp VIIS 2023: Cơ hội hợp tác, giao thương cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp
Phòng vệ tốt sẽ thu được lợi ích từ các hiệp định thương mại Phòng vệ tốt sẽ thu được lợi ích từ các hiệp định thương mại