Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam - Những gợi mở từ Na Uy

Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi

06:15 | 31/10/2024

2,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi mở để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” của Đại sứ quán Na Uy đã có nhiều phân tích, đánh giá sát thực tế về ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của nước ta. Từ đó, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị quý giá, có tính định hướng chính sách cực kỳ quan trọng trong thời điểm cả thế giới đang chạy đua vào kỷ nguyên chuyển dịch năng lượng.

Tận dụng cơ sở hạ tầng ngành Dầu khí cho điện gió ngoài khơi

Với tiềm năng phát triển to lớn, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng cơ hội mở rộng công suất điện gió nhờ vào lợi thế về chi phí. Phân tích cho thấy, ngành Dầu khí nội địa Việt Nam đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng hiện tại, điều này đóng vai trò quan trọng vì có nhiều dịch vụ và hoạt động có thể được chuyển giao sang ngành điện gió ngoài khơi. Việc chuyển giao năng lực kỹ thuật từ ngành Dầu khí đã có trong các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chuỗi cung ứng nội địa với mức đầu tư thấp.

điện gió ngoài khơi
Dịch vụ dầu khí của Việt Nam sẽ là ngành chuyển giao nhanh nhất cho dịch vụ điện giớ ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Khả năng chuyển giao từ ngành Dầu khí sang ngành điện gió ngoài khơi đã được Đại sứ quán Na Uy liệt kê rõ các khía cạnh, gồm: Ngành Dầu khí Việt Nam có khả năng chuyển giao quản lý dự án, khảo sát kỹ thuật; Khảo sát địa điểm đặt trang trại điện gió có sự tương đồng ở một mức độ cho cả các dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi; Các thủ tục để được cấp giấy phép khai thác dưới đáy biển được thực hiện tương tự, nhưng thủ tục đối với các cuộc khảo sát có thể có sự khác biệt.

Các nhà quản lý dự án dầu khí có thể quản lý các hoạt động khác nhau để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; Các thiết kế lớn thi công một lần có quy mô tương đồng với các dự án dầu khí (móng, tuabin,...); Sử dụng bộ kỹ năng tương đồng cần thiết để sản xuất các bộ phận mô-đun (dịch vụ hỗ trợ lắp đặt, kết cấu thép,...); Các tàu sử dụng để lắp đặt giàn khoan dầu khí cũng có thể lắp đặt các dự án điện gió ngoài khơi như ở các thị trường khác dịch vụ bảo trì và kiểm tra; Công tác kiểm tra dưới mặt biển: Hoạt động kiểm tra dưới nước ở hai ngành đều giống nhau. Có thể sử dụng thợ lặn và các phương tiện vận hành từ xa cho các hoạt động này.

Nhìn chung, ngành Dầu khí đã giúp phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng vững chắc cho Việt Nam về lĩnh vực sản xuất móng và trụ cũng như cảng tập kết.

Tập trung đầu tư cung ứng WTG

Bên cạnh đó, trong báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” cũng khuyến nghị nước ta cần tập trung đầu tư vào hạng mục cung ứng WTG (máy phát điện tuabin gió) vì hiện chưa có cơ sở sản xuất nào có khả năng sản xuất được vỏ và cánh quạt cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Trong thực tế, General Electric (GE) là nhà sản xuất thiết bị gốc WTG duy nhất có cơ sở nhỏ nằm ở khu vực phía Bắc, cung cấp các tổ máy cho thị trường điện gió trên bờ trong nước. Theo phân tích và kế hoạch đã công bố, vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất thiết bị gốc cho tuabin gió phát điện có mở rộng cơ sở sản xuất WTG hay thành lập các cơ sở mới để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phát triển. Do đó, có thể dự đoán rằng hầu hết các thành phần của WTG cho các dự án ban đầu sẽ được giao cho bên khác thực hiện, vì việc phát triển cơ sở sản xuất có thể mất đến 3 năm nếu quyết định đầu tư được đưa ra trong thời gian sớm nhất có thể.

Những năm qua, nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng gió ngoài khơi trong nước rất dễ nhận thấy, ví dụ như các bên liên quan được nhận thầu sản xuất các thành phần máy của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cần phải đầu tư thêm để cải thiện năng lực trong nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục và tăng cường các ưu đãi cho chuỗi cung ứng, bao gồm các khung pháp lý hỗ trợ cho quá trình nội địa hóa sản xuất.

Những ưu đãi như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi về lâu dài, đồng thời thu hút thêm nguồn đầu tư của cả bên liên quan đến ngành năng lượng điện gió ngoài khơi và nhà cung cấp. Như đã thấy từ các thị trường mới nổi khác, các ưu đãi đặc biệt dành cho chuỗi cung ứng đã tạo ra sự ảnh hưởng cho đầu tư tại địa phương, vốn là yếu tố quan trọng và góp phần đáng kể vào việc xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa ở các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Chính phủ cần hỗ trợ điện gió ngoài khơi một cách linh hoạt

Việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII và mở rộng thị trường điện gió ngoài khơi trong nước đòi hỏi phải có những hướng dẫn toàn diện và chi tiết. Chính phủ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi như ở các thị trường khác cũng đang phát triển ở mảng này. Sự tham gia của Chính phủ nên bao gồm việc đưa ra các chính sách cụ thể về chuỗi cung ứng, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào cơ sở sản xuất hoặc cơ sở hạ tầng cảng. Tuy nhiên, những ưu đãi này nên được phân bổ hợp lý để hỗ trợ nhu cầu của Việt Nam một cách linh hoạt.

điện gió ngoài khơi
Chính phủ Việt Nam cần dành nhiều ưu đãi hơn cho phát triển điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Các ưu đãi đầu tiên nên hướng tới mở rộng năng lực sản xuất nội địa hiện tại, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phát triển các khía cạnh cụ thể của chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi. Đối với Việt Nam, những ưu đãi này nên nhắm tới năng lực sản xuất móng dạng cố định và các trạm biến áp ngoài khơi. Khuyến khích tập trung các khoản trợ cấp và ưu đãi dành cho các lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng nội địa có tiềm năng mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam. Các khoản trợ cấp này nên dùng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng và các hoạt động vận hành và bảo dưỡng, tận dụng kiến thức và nhân lực ngành Dầu khí hiện tại.

Cuối cùng là việc hỗ trợ sản xuất trụ, tổ máy tuabin gió và cáp tại Việt Nam. Việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng này sẽ cần một khoản đầu tư đáng kể từ các nhà cung cấp. Để nâng cao sự quan tâm của các nhà cung cấp, Chính phủ sẽ cần xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn, thu hút các nhà phát triển và tạo ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp chuỗi cung ứng nội địa phát triển mạnh mẽ và tận dụng được nhiều cơ hội nhất có thể.

Xây dựng khung pháp lý vững chắc cho điện gió ngoài khơi

Để khai thác tối đa tiềm năng điện gió ở Việt Nam, cần khẩn trương tiến hành các hành động sau: Chính phủ nên thiết lập một khung pháp lý vững chắc, tạo ra một dự án cung ứng điện gió ngoài khơi lớn mạnh. Khung pháp lý này sẽ mang đến một tầm nhìn dài hạn về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, ngoài ra khung này nên có các ưu đãi để thúc đẩy hàm lượng nội địa hóa trong ngành điện gió ngoài khơi. Khung pháp lý nên đề ra các bước cụ thể để phát triển thị trường điện gió ngoài khơi trong nước.

Những bước này nên hỗ trợ việc xác định khu vực phù hợp để phát triển ngành điện gió ngoài khơi, triển khai các nghiên cứu môi trường ban đầu và đưa ra kế hoạch định giá minh bạch. Việc thực hiện những bước này sẽ giúp thu hút nguồn đầu tư và sự quan tâm của các nhà phát triển vào thị trường nội địa.

điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi cần một khung pháp lý vững chắc về giá điện, tỉ lệ nội địa hóa, nguồn nhân lực và phát triển chuỗi cung ứng trong nước (Ảnh minh họa)

Thiết lập yêu cầu không ràng buộc đối với hàm lượng nội địa hóa: Các thị trường mới nổi thường đề xuất thiết lập yêu cầu không ràng buộc đối với hàm lượng nội địa hóa nhằm tăng tốc quá trình hợp tác giữa các nhà cung ứng trong nước và các đối tác quốc tế. Cơ cấu pháp lý toàn diện như trên sẽ mang lại sự minh bạch và chắc chắn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Chiến lược này đã mang lại lợi ích đáng kể cho chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Một số thị trường quốc tế khác cũng đã áp dụng chiến lược tương tự, nhưng các thị trường này cũng đã đặt ra hình phạt nếu các nhà phát triển không tuân theo kế hoạch đề xuất về chuỗi cung ứng.

Hợp tác với các trường đại học và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển: Chính phủ nên hợp tác với các trường đại học trong nước để tìm kiếm những trường quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Thông qua hợp tác, Chính phủ nên xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo nhân sự mới cho thị trường điện gió ngoài khơi mới phát triển. Việc đào tạo và chia sẻ kiến thức sẽ thu được hiệu quả lớn hơn thông qua việc thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển do Chính phủ tài trợ.

Việc xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên/giáo dục quốc tế về điện gió ngoài khơi hoặc thúc đẩy mối liên kết giữa các trường đại học/viện nghiên cứu và các công ty trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi thông qua các chương trình thực tập, chuyến đi thực tế, học bổng... sẽ là bước đầu tiên để đào tạo một lực lượng lao động lành nghề cho tương lai.

Khuyến khích giao lưu và đối thoại quốc tế: Chính phủ nên thiết lập quan hệ hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi và khuyến khích tổ chức các sự kiện cho các nhà cung cấp trong nước và quốc tế giao lưu, thảo luận về cơ hội hợp tác. Do ngôn ngữ có thể sẽ là rào cản cho các đối tác quốc tế tham gia thị trường Việt Nam, nên khuyến khích các nhân sự từ các Đại sứ quán trong nước tham gia chương trình và tập trung vào các sự kiện do Chính phủ và Đại sứ quán tổ chức. Việc tổ chức các sự kiện và hội nghị có sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác và thúc đẩy cơ hội đầu tư vào thị trường nội địa.

Thúc đẩy chiến dịch truyền thông về năng lượng tái tạo: Nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích trong tương lai của năng lượng gió ngoài khơi, đặc biệt là vai trò trong việc giảm lượng phát thải carbon. Đây là yếu tố cần thiết để thu hút sự ủng hộ và hiểu biết rộng rãi cho tiến trình phát triển tất yếu của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, chưa có chính sách khuyến khích cụ thể nào dành cho chuỗi cung ứng, điều này đặt ra thách thức đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Chính phủ nên bắt tay vào hành động, bắt đầu bằng việc đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng cảng nội địa, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho các nước trong khu vực vì đây sẽ là cảng tập kết cho nhiều dự án khác nhau.

Nhìn chung, để phát triển chuỗi cung ứng trong nước một cách hợp lý, Chính phủ Việt Nam nên hợp tác song song với các bên liên quan về điện gió ngoài khơi nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển một lộ trình dự án điện gió ngoài khơi phong phú, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng toàn diện.

Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào? Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?

Bùi Công

  • cho-vay-xnk
  • vietinbank
  • bao-hiem-pjico
  • rot-von-duong-dai-agri
  • vpbank