Phát triển kinh tế tri thức như thế nào?

Bài 2: Xây dựng kinh tế tri thức tại Việt Nam

14:30 | 30/08/2018

10,580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách mạng công nghiệp 4.0 là chìa khóa mở cánh cửa đi vào nền kinh tế tri thức nhưng bên cạnh đó vẫn còn cần nhiều giải pháp về chính sách, giáo dục đào tạo và tập trung nguồn lực về khoa học và công nghệ.

Trụ cột của nền kinh tế tri thức

Để xây dựng một nền kinh tế có nền tảng là tri thức cần có 4 trụ cột gồm môi trường, hệ thống giáo dục, hạ tầng cơ sở thông tin và hệ thống sáng tạo.

bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam
Kinh tế tri thức cần chia sẻ giữa người với người.

Về môi trường kinh tế tri thức phải có nền tảng là những thể chế xã hội, pháp luật tạo thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức. Môi trường đó sẽ nuôi dưỡng và cho phép người trí thức được tự do hòa mình vào dòng chảy tri thức của nhân loại. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông chia sẻ, khuyến khích việc làm chủ doanh nghiệp như trọng tâm của kinh tế tri thức.

Trụ cột thứ hai của nền kinh tế tri thức là phải có một hệ thống giáo dục và đào tạo có chất lượng cao, độ mở cao để người dân được giáo dục và đào tạo hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực sáng tạo, chia sẻ và sử dụng tri thức như một thói quen, một công việc bình thường trong cuộc sống. Từ đó, nguồn nhân lực trong nền kinh tế tri thức sẽ ngày một được nâng cao về cả chất và lượng. Bất cứ người lao động nào trong nền kinh tế tri thức cũng được quyền tự do chọn lựa việc làm phù hợp, được sử dụng đúng với năng lực và tiềm lực của mình. Giáo dục tri thức sẽ luôn có một hệ thống đánh giá tiềm năng, khơi gợi tiềm năng sáng tạo của con người.

Trong nền kinh tế tri thức phải có hạ tầng cơ sở thông tin (ICT) hiện đại. Một cơ sở thông tin động, từ radio đến internet nhanh mạnh, phong phú là cực kỳ cần thiết. Từ đó người dân cũng như Chính phủ có thể dễ dàng liên lạc, phổ biến và xử lý thông tin đa chiều, đa phương tiện. Cơ quan Chính phủ phụ trách về thông tin không chỉ có tính một chiều mà phải có tính tương tác mạnh, có khả năng phản hồi lập tức ý kiến của người dân, minh bạch thông tin tới các cấp lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, đất nước.

Cuối cùng, một nền kinh tế tri thức phải có một hệ thống sáng tạo tri thức có hiệu quả. Cụ thể là xây dựng một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức chuyên gia, cố vấn, doanh nghiệp tư nhân chuyên về sáng tạo và giải pháp về tri thức và công nghệ. Các nhóm có tính cộng đồng này là hạt nhân thu nhận và phát tán rộng những tri thức toàn cầu. Từ đó tìm tòi, sáng tạo tri thức mới, giúp tri thức nhân loại không ngừng gia tăng, đồng thời truyền bá và tìm các giải pháp để thích ứng chúng cho các nhu cầu của nhân dân, quốc gia.

Các giải pháp cơ bản

Theo Thạc sĩ Đỗ Hải, Thành viên của Trung tâm Khoa học Tư duy Việt Nam (Center for Thinking Sicience - CTS), có 4 giải pháp cơ bản để xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam như đổi mới cơ chế chính sách, tập trung phát triển nhân lực, tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đẩy mạnh ứng dụng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam
Nền tảng công nghệ thông tinh là giải pháp cơ bản xây dựng kinh tế tri thức.

Trước tiên, phải đổi mới cơ chế và chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cơ chế chính sách phải thực sự khuyến khích và buộc các loại hình doanh nghiệp phải luôn đổi mới. Mặt khác, cần tạo mọi thuận lợi thúc đẩy nhanh sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới. Luôn tuân thủ và xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền trong mọi mặt sản xuất.

Tiếp đến, Chính phủ cần phải chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Các nhà khoa học cần tập trung đầu tư phát triển giáo dục, cải cách giáo dục theo hướng đơn giản hóa giáo dục nền tảng trong các cấp bậc phổ thông. Thay đổi cách dạy học kiểu “nhồi nhét” bằng cách dạy học có tính “gợi mở”. Đồng thời tăng nhanh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân chuyên nghiệp, có nền tảng tư duy khoa học, sáng tạo.

Cần tập trung tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học và công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước. Từ đó mới có thể từng bước sáng tạo công nghệ mới phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Chỉ có sáng tạo mới có thể đưa Việt Nam vươn lên chứ không phải “đi theo” để mãi mãi làm sân sau cho các quốc gia khác. Những bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là minh chứng cho điều này. Từ đó mới xây dựng nền khoa học và công nghệ tiến tiến mang bản sắc Việt Nam.

Gần đây, Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là hành động chính xác vì cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước không có cách nào khác là phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin. Trong ngành công nghệ thông tin luôn có vô tận cơ hội cho sự sáng tạo và vận dụng tri thức trong sản xuất, kinh doanh.

bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam Bài 1: Kinh tế tri thức là gì?
bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam Khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018
bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chiến lược cách mạng công nghệ 4.0
bai 2 xay dung kinh te tri thuc tai viet nam Rừng giúp phát triển kinh tế sinh học của châu Âu