Bài 1: Tuổi thọ người dân Hà Nội có thể được nâng lên gần 4 năm
Ô nhiễm không khí (ONKK) là một trong năm nguyên gây ra bệnh tật và tử vong sớm cho con người. Chính vì vậy, kiểm soát được ONKK không chỉ hỗ trợ mỗi người giảm chi phí chữa bệnh mà còn tạo cơ hội nâng cao tuổi thọ cho người dân thủ đô.
Cách đây vài năm, cụm từ “ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2,5” vẫn còn xa lạ và “vô hình” với công chúng, cũng như thông tin về tình hình chất lượng không khí chưa được trao đổi nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phải đến cuối năm 2018, khi các chỉ số chất lượng không khí liên quan tới bụi mịn PM2,5 tại nhiều điểm đo được cập nhật và chia sẻ liên tục qua các trang web và ứng dụng cả quốc tế như Air Visual, AQICN, Airnow, và đặc biệt trong nước như PAM Air, moitruongthudo, cùng với sự vào cuộc của báo chí và mạng xã hội thì người dân mới biết và quan tâm đến vấn đề này.
![]() |
Cần theo dõi thường xuyên và kiên trì các giải pháp giảm bụi mịn trong thành phố. |
Bản đồ ONKK do bụi PM2,5 tại Hà Nội đã được xây dựng và chỉ rõ mức ô nhiễm tại các quận huyện và sự biến động ô nhiễm theo thời gian. Trong năm 2019, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,2 đến 40,2 µg/m³, vượt mức quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013 (25 µg/m³). Các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất. Các huyện ngoại thành có nồng độ PM2,5 thấp hơn. Và trong năm 2020 mặc dù đã có sự cải thiện nhưng nồng độ bụi trung bình năm ở đa số các quận/ huyện vẫn vượt mức QCVN 05:2013.
Và trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ONKK do bụi mịn PM2,5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của ONKK từ bụi PM2,5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Trong đó, báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã chỉ ra, ở Việt Nam, ONKK là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.
Nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội đã được công bố mới đây. Bên cạnh việc tính toán gánh nặng bệnh tật, nghiên cứu nêu rõ nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên từ 2,2 tới 3,8 năm.
Các nghiên cứu trên thế giới ban đầu cho thấy người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với virus và gây nhiễm virus nghiêm trọng hơn. Do đó, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng là một cách giảm gánh nặng bệnh tật của đại dịch Covid-19.
Các bằng chứng khoa học về tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí càng cho thấy các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân cần cấp thiết hành động để cải thiện chất lượng không khí. Các bằng chứng khoa học này cũng là chỉ báo rõ ràng để đánh giá hiệu quả các chính sách và giải pháp quản lý chất lượng không khí.
![]() |
Hà Nội đã nghiêm cấm đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa |
Để giảm ô nhiễm không khí hiệu quả thì cần đầu tư nghiên cứu khoa học để định lượng các nguồn gây ra ONKK. Trong một thời gian dài, vấn đề ô nhiễm không khí hiếu sự quan tâm và đầu tư lâu dài từ cơ quan quản lý nhà nước. Với nguồn lực hạn chế, một số trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức phát triển (WB, USAID, Live&Learn, GIZ, GreenID...) vẫn tiến hành các nghiên cứu khác nhau. Mặc dù vậy, cho tới nay, khó có thể đòi hỏi một nghiên cứu có thể chỉ ra được chính xác sự đóng góp của từng nguồn gây ô nhiễm, mà phải có sự tổng hợp của rất nhiều nghiên cứu với các phương pháp tiếp cận khác nhau.
Trong những năm qua, Live&Learn đã liên tục chia sẻ thông tin và tư liệu về chủ đề và ngày không khí sạch này, nhằm hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng tại Hà Nội và các thành phố khác. Theo đó, trong tài liệu năm 2021, dự án đã xây dựng báo cáo tổng hợp gồm 2 phần chính gồm: Bức tranh ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 đã trở nên rõ ràng và hữu hình hơn và Chính sách và giải pháp cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt tại Hà Nội. |
Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ONKK là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường. Trong đó, ONKK do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có 1/3 lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và 2/3 lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.
Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020-2021 của Đại học Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra: Vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021) và khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).
Có thể thấy rằng, bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đã rõ ràng hơn, nhưng Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố bị ONKK ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều nghiên cứu và dữ liệu quan trọng để có đủ chi tiết cụ thể về nguyên nhân và giải pháp cho tình hình hiện tại. Với thực trạng ONKK hiện nay, cần sự đầu tư lâu dài và quyết liệt của cơ quản quản lý cấp trung ương và chính quyền địa phương cho việc nghiên cứu về ONKK để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn thải.
(Còn nữa)
Tùng Dương
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025