Bài 1: Doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể lớn mạnh
Ngày nay khái niệm buôn bán không hiểu theo nghĩa đen thuần tuý như trước mà nó bao gồm một phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế của các quốc gia, với 4 nội dung cơ bản: hàng hóa - dịch vụ - đầu tư và các yếu tố thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Bởi vậy, có thể khái quát nền kinh tế thương mại trong thế kỷ 21 như sau: Thị trường là toàn cầu; Định chế quản lý: WTO và liên minh kinh tế khu vực; Chủ thể kinh doanh chủ yếu: các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia (TNCs).
![]() |
Nền kinh tế thương mại trong thế kỷ 21 có thị trường là toàn cầu. |
Nhìn lại 10 năm qua (2007-2017), NLCT toàn cầu của Việt Nam đã cải thiện khoảng 15 bậc, từ hạng 70-75 lên 55- 60; Việt Nam đã dịch chuyển từ nửa dưới lên nửa trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu. Nhìn kỹ hơn vào giai đoạn năm năm qua (2012-2017), NLCT toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam có xu hướng cải thiện rõ nét, từ hạng 75 năm 2012 lên 55 năm 2017.
Việc đạt thứ hạng 55 trong bảng NLCT toàn cầu năm 2017 là một chỉ dấu đáng khích lệ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét riêng theo từng nhóm yếu tố thành phần cấu thành chỉ số NLCT tổng hợp thì Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia và Lào trong số các nước kể ở trên.
Năm 2018, báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố,Việt Nam đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế, với 58,1 điểm trên thang 100. Thứ hạng năm ngoái là 74 trên 135. Trong 12 trụ cột, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 68. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo, chỉ được 33,4 điểm, đứng thứ 82.
Chỉ số về Tự do kinh tế toàn cầu (Economic Freedom Index) do Viện Heritage thiết lập cũng cho thấy trong bốn năm trở lại đây, xếp hạng của Việt Nam vẫn quanh quẩn ở vị trí 147 và 148, thuộc hạng thấp nhất khu vực, thấp hơn khá nhiều so với Lào và Campuchia.
![]() |
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang xếp ở nhóm giữa. |
Theo ông Doãn Công Khánh - Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách Công Thương, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu quốc tế , nguồn lao động rẻ và dồi dào… chính là những lợi thế hiện có ở Việt Nam – Lợi thế dựa trên các điều kiện sản xuất vốn có và thực chất là những lợi thế về chi phí sản xuất.
Ông Doãn Công Khánh cho rằng lợi thế đang có của Việt Nam là lợi thế cấp thấp, lợi thế “trời cho”, lợi thế có được mà không cần phải có những đầu tư lớn về vốn và tri thức – lợi thế so sánh tĩnh. Lợi thế này thường không vững chắc và chỉ mang tính ngắn, trung hạn (5- 7 năm) nếu như các điều kiện sản xuất vốn có không được liên tục tái tạo, phát triển lên một mức độ cao hơn. Với xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ, chọn một vị trí thích hợp để tồn tại và thăng hoa giá trị của mình chính là sự lựa chọn quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp (DN) và mỗi quốc gia nhằm khẳng định vai trò và vị thế của mình trong một thế giới rộng lớn và nhiều thay đổi.
Tự do hoá và hội nhập đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp hơn 1,5 lần GDP trong những năm gần đây, Việt Nam được xem là quốc gia có nền kinh tế với “độ mở” khá cao. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung quá trình hội nhập kinh tế chưa thực sự “khắc họa” được những tác động tích cực, mang tính dài hạn. Hơn 10 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, nền kinh tế dần phát triển ổn định, vững chắc hơn, nhưng có không ít DN, kể cả DN có quy mô lớn, có thương hiệu, có thị trường đã suy yếu trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Khả năng thích ứng với kinh tế thị trường, khả năng chủ động khai thác cơ hội của chúng ta còn rất yếu. Tính tích cực, chủ động trong hội nhập chưa cao, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Việt Nam mới đơn thuần tận dụng được lợi ích tĩnh mang tính ngắn hạn, chưa tận dụng được các lợi ích động mang tính dài hạn, đặc biệt là việc tạo động lực cho đổi mới và sáng tạo, phát huy tối đa nội lực nhằm “bước lên” các vị trí có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các lợi ích quốc gia thu được từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế địa kinh tế, chính trị của đất nước...
![]() |
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đến nước bạn Lào. |
Với việc thực thi các FTA thế hệ mới, những dự báo cho thấy sức ép cạnh tranh trên thương trường tới từng chủ thể kinh doanh trong giai đoạn tới sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các hãng danh tiếng có nhiều tiềm lực trong cạnh tranh sẽ xuất hiện nhiều ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ quay về quê cha đất tổ để làm ăn, các công ty cổ phần sẽ xuất hiện ngày càng nhiều...
Nếu tính thêm tác động của chính sách mở cửa trong quan hệ đối ngoại, sự đẩy mạnh hoạt động mậu dịch biên giới... sẽ làm cho cường độ cạnh tranh quốc tế ngay trên đất Việt Nam sẽ gia tăng nhanh so với những năm trước đây. Đó là tín hiệu đáng mừng trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng đồng thời đặt ra nhiêu vấn đề cần giải quyết cả ở tầm chính sách vĩ mô lẫn tác nghiệp và chiến lược kinh doanh của mỗi DN.
Việc loại bỏ hàng rào phi thuế quan luôn luôn là yêu cầu đồng hành với cắt giảm thuế quan trong mọi hình thức hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam sẽ không được phép duy trì các biện pháp phi thuế mà không có lý do chính đáng theo các quy định của WTO, ASEAN/ AFTA, FTA… Như vậy, nhiều DN sẽ phải đối mặt với không ít thách thức do nguy cơ gia tăng cạnh tranh của hàng nhập khẩu.
Cạnh tranh là nguyên tắc có tính nền tảng, nguyên tắc có tính hiến pháp của kinh tế thị trường, nó đòi hỏi các DN phải hoạt động có hiệu quả và thường xuyên nâng cao hiệu quả để thu được lợi nhuận. Những DN nào yếu kém, thua lỗ sẽ bị phá sản, các nguồn lực của DN đó sẽ được chuyển sang các DN khác, hoạt động có hiệu quả hơn chứ không bị mất đi. Chính vì vậy mà nhà kinh tế Mỹ gốc Áo Alois Schumpeter đã coi “phá sản là một sự tàn phá sáng tạo”(creative destruction).
![]() |
Phá sản là sự hủy diệt doanh nghiệp có tính sáng tạo. |
Phân tích về cạnh tranh đối với DN Việt Nam tại Hội thảo Hoàn thiện Thể chế Phát triển Tập đoàn Kinh tế Nhà nước, ông Doãn Công Khánh - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhấn mạnh, cường độ cạnh tranh càng cao, càng khốc liệt thì tham vọng vươn tới độc quyền càng lớn và chắc chắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoan để né tránh sức ép của cạnh tranh. Mặt khác, khi đó “vùng hoạt động” tối ưu (hay còn gọi là khe hở thị trường) của mỗi DN có xu hướng bị thu hẹp. Chính vì vậy“đối sách kinh doanh ” để tồn tại của các DN thời gian vừa qua chắc không còn phù hợp, phải thay đổi.
Có thể thấy rằng, trong cạnh tranh, các DN nhỏ thường rơi vào thế bất lợi nhưng đồng thời lại làm nảy nở tính linh hoạt, năng động, thích ứng nhanh nhằm tìm ra những cơ hội mới của thị trường. Bởi vậy, DN Việt Nam sẽ phải có tầm nhìn, mơ ước lớn, thế chỗ cho sự rời rạc, lạc hậu về công nghệ và tư duy kinh doanh hiện tại.
Tùng Dương
-
Tăng cường năng lực cạnh tranh qua xuất khẩu xanh
-
Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu
-
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025