Apple thua kiện trong cuộc chiến vi phạm bằng sáng chế của PMC

18:58 | 23/03/2021

212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Tòa án liên bang Texas đã yêu cầu Apple trả 308,5 triệu USD cho Personalized Media Communications (PMC) do vi phạm bản quyền.
Apple
Apple phải trả 308,5 triệu USD cho Personalized Media Communications (PMC) do vi phạm bản quyền.

Được biết, trận chiến pháp lý giữa Apple và PMC diễn ra từ năm 2015 khi PMC tố cáo Apple vi phạm 7 bằng sáng chế của mình. Cụ thể, PMC cho biết một trong các bằng sáng chế có liên quan đến phương thức “giải mã lập trình tại trạm nhận thông tin” đã được Apple sử dụng bất hợp pháp cho công nghệ quản lý bản quyền kỹ thuật số FairPlay trong App Store, Apple Music và iTunes.

Không lâu sau đó, Apple phản bác thành công tính hiệu lực của các bằng sáng chế PMC tại Hội đồng xét xử và kháng nghị sáng chế của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.

Dù vậy, phiên tòa phúc thẩm năm 2020 lật ngược quyết định này và dẫn đến kết thúc như hiện nay. Ngoài ra, thẩm phán còn chỉ thị Apple tiếp tục trả phí cho PMC mỗi khi bằng sáng chế được kích hoạt, dựa trên doanh số sản phẩm hay dịch vụ.

Apple cho biết họ rất thất vọng với phán quyết và dự định sẽ kháng cáo. Trong tuyên bố gửi qua email, Apple nói thêm rằng, "những trường hợp tương tự như PMC là những công ty không sản xuất hoặc bán bất kỳ sản phẩm nào đã ngăn cản sự đổi mới và cuối cùng đã gây hại cho người tiêu dùng".

Đây không phải là lần đầu tiên Apple bị phạt. Theo giới quan sát, các vụ kiện vi phạm bản quyền đã làm Apple chịu ảnh hưởng lớn đến kinh tế và danh tiếng.

Vào năm 2015, một công ty khác cũng đã kiện Apple với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế của họ. Trước đó, một tòa án tại Texas cũng đã phán quyết công ty này phải trả 506 triệu USD vì vi phạm các bằng sáng chế do PanOptis và các công ty liên quan nắm giữ.

Đáng chú ý, đây là phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn trực tiếp đầu tiên về các bằng sáng chế kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Vụ kiện tập trung vào một số bằng sáng chế Optis Wireless, tất cả đều liên quan đến việc sử dụng công nghệ di động LTE trong iPhone, Apple Watch và iPad. Trong quá trình thử nghiệm, Apple đã nhằm chứng minh rằng họ không vi phạm công nghệ trong bằng sáng chế để truy cập mạng LTE.

Optis Wireless thì cho rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của mình và từ chối tham gia thỏa thuận cấp phép. Bất chấp lập luận của Apple, bồi thẩm đoàn cho rằng công ty đã không chứng minh được các thông tin do Optis Wireless đưa ra là thiếu căn cú. Do đó, Apple phải trả 506.200.000 USD cho Optis Wireless và các công ty liên quan.

Cùng với đó, một báo cáo tiết lộ rằng một tòa án Brazil đã yêu cầu Apple bồi thường 2 triệu USD vì bán iPhone mà không có bộ sạc. Đầu năm nay, Apple được cho là đã mất hơn 1 tỷ USD trong vụ vi phạm bằng sáng chế của VPN VirnetX.

Các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế
Các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế giữa các ông lớn công nghệ và các công ty nhỏ diễn ra thường xuyên tại Mỹ

Có thể thấy, tại Mỹ đã có hàng nghìn giám đốc điều hành và các công ty nhỏ vướng vào tranh chấp bằng sáng chế phần mềm với các ông lớn công nghệ. Theo phân tích của Đại học Stanford, việc Apple và Google chi tiêu cho các vụ kiện bằng sáng chế và mua bằng sáng chế có trị giá lớn bất thường đã vượt quá chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới.

Theo Richard A. Posner, một thẩm phán tại Mỹ nhận định, rất nhiều phát minh xuất hiện trong ngành công nghệ và nếu không có bằng sáng chế, các giám đốc điều hành sẽ không thể biện minh cho việc chi tiêu vào các sản phẩm mới.

Tuy nhiên, không giống như bằng sáng chế cho các công thức dược phẩm mới, bằng sáng chế về phần mềm thường cấp quyền sở hữu cho các sáng tạo liên quan đến các thuật toán hoặc phương pháp vận hành mà không có yêu cầu chi tiết cụ thể về cách các phép tính đó xảy ra hoặc cách phần mềm hoạt động.

“Điều này đã tạo ra một sự hỗn loạn nhất định. Thông thường, các công ty bị kiện vì vi phạm các bằng sáng chế mà họ chưa từng biết là có tồn tại hoặc chưa từng nghĩ điều này có thể áp dụng cho các sáng tạo của họ”, ông phân tích.

Hầu hết mọi công ty công nghệ lớn đều tham gia vào các cuộc chiến vi phạm bằng sáng chế, nhưng các ông lớn như Apple thường được nhắm tới nhiều nhất vì tầm ảnh hưởng và quy mô hoạt động của họ.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, hầu như các công ty lớn với đội ngũ luật sư có thể nộp hàng nghìn đơn đăng ký bằng sáng chế để có thể chiến thắng các vụ kiện trong tương lai. Trong khi đó, những công ty khởi nghiệp thiếu nguồn lực tương tự sẽ dễ dàng trở thành con mồi một khi sản phẩm của họ có triển vọng phát triển trên thị trường.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp