An ninh lương thực - “bài toán” thách thức Việt Nam phát triển bền vững

06:50 | 22/09/2012

5,139 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Là đất nước với 90% dựa vào nông nghiệp nhưng Việt Nam cũng là quốc gia có dân số tăng nhanh với 80 triệu người hiện nay và ước tính sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2020. Làm thế nào để có thể tìm ra nguồn lương thực phục vụ nhu cầu của người dân Việt Nam trong tương lai mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững là vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước nhà khi phải đối phó trước nhiều áp lực.

Hiện nay, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được các thành tựu rất đáng kể và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực (ANLT), chiếm gần 21% GDP của đất nước và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gần 80% dân số cả nước. Tuy vậy, trước vấn đề tăng nhanh của dân số đồng nghĩa với chi tiêu lương thực của các gia đình Việt Nam tăng cao. Việc tìm ra nguồn lương thực lớn mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững là một vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong đó, khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp nước nhà gặp phải đó chính là việc ứng phó với biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh. Theo ông Đào Quốc Luận, Vụ Phó Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì hiện nay Việt Nam đang phải chịu áp lực về việc suy giảm đất đai sản xuất đang ngày càng gia tăng.

Uớc tính mỗi năm nước ta giảm khoảng 20 nghìn héc ta đất trồng lúa. Nguyên nhân của  tình trạng này là quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang lấy đi một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất trồng lúa nước. Bên cạnh đó, dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì sẽ có khoảng 30% diện tích đất trồng luá của nước ta bị ngập.

Như vậy, thách thức đặt ra với chúng ta là phải tạo ra nguồn lương thực lớn mà chỉ sản xuất và canh tác trên một diện tích không thay đổi và có nguy cơ bị thu hẹp. Đây là vấn đề không riêng gì Việt Nam mà là vấn đề chung của các quốc gia trên toàn thế giới. 

Tại diễn đàn ANLT Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn DuPont (Hoa Kỳ) tổ chức tại TP HCM ngày 21/9, lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước một lần nữa khẳng định chìa khóa để Việt Nam đảm bảo ANLT và phát triển bền vững trong tương lai đó là phải dựa trên yếu tố khoa học và công nghệ.

Đây cũng là điểm hướng đến của Chính phủ nước ta trong hiện tại và tương lai, bằng cách kêu gọi đầu tư vào công nghệ sinh học. Một lĩnh vực có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc tạo ra nguồn lương thực dồi dào nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/092012/21/20/IMG_1655jpg.jpg

Nhu cầu lương thực của Việt Nam trong tương lai rất lớn

Ông Jim Borel, Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn DuPont, doanh nghiệp có nhiều hoạt động đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực, dinh dưỡng... tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương tập huấn cho 75 nghìn nông dân mỗi năm và dành 10 tỷ đô la để phát triển cho ra các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong vấn đề đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học giúp Việt Nam có thể tiến xa hơn trong lĩnh lực này.

“Mong muốn của chúng tôi là kinh doanh dựa trên yếu tố bền vững, vì vậy chúng tôi đưa ra các giải pháp cho người dân sống cùng với sự biến đổi của môi trường, khí hậu. Cụ thể là hiện nay giống lúa lai của DuPont đã giúp nông dân ĐBSCL thành công với phương pháp canh tác ruộng lúa sau ruộng tôm. Đây là phương pháp giúp bà con nông dân tăng năng suất cây lúa mà vẫn đạt hiệu quả luân canh, giữ được độ phì nhiêu của đất và cho hiệu quả kinh tế cao” - ông Jim Borel phân tích.

Trong tương lai, vấn đề ANLT còn đi kèm với các yếu tố về chất lượng dinh dưỡng. Một khi yếu tố này ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân, đặc biệt là trẻ em. Trên thực tế, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay đã giảm xuống 1,3%/năm. Tuy nhiên, con số này cũng tương đương với khoảng 5 triệu trẻ em của chúng ta còn suy dinh dưỡng, thiếu các chất cần thiết như vitamin, iốt, khoáng chất…Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì cũng diễn ra với mức độ khó kiểm soát cũng là vấn đề cần quan tâm trong chiến lược ANLT.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, trong chiến lược ANLT cần phải chú trọng đến việc sản xuất ra các sản phẩm có chứa các chất chủ chốt nhằm giúp con người bổ sung vi chất trong quá trình tiêu thụ thực phẩm. Mặt khác, cần có phương án bảo quản sản phẩm hiệu quả tránh tình trạng mất giá trị sau thu hoạch. 

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tồng Xuân cho rằng: “Ngoài việc chú trọng đến các khâu phát triển sản phẩm nông nghiệp, điều quan trọng không kém là đầu tư cho khâu cất trữ và bảo quản. Nếu như quá trình này không tốt sẽ khiến người nông dân chịu thua lỗ và ngay cả sản phẩm khi ra thị trường cũng không đảm bảo việc giữ nguyên các giá trị như lúc đầu”.

Như vậy “bài toán” phát triển bền vững gắn với ANLT yêu cầu Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp đã, đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nước nhà cần phải có chiến lược lâu dài và toàn diện mới giải quyết được các thách thức đặt ra trong thời gian tới.

Thùy Trang