Ám ảnh nhập siêu!

07:00 | 08/05/2013

749 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hội nhất định nhưng “căn bênh kinh niên” nhập siêu của nền kinh tế cũng lại tái diễn, thậm chí nghiêm trọng trong tháng 4/2013.


Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc nhưng nhập siêu có dấu hiệu gia tăng.

Trái chiều nhận định về nhập siêu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỉ USD giảm 12,1%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỉ USD giảm 7,6% so với tháng 3/2013. Như vậy tháng 4 cả nước đã nhập siêu 1 tỉ USD.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Nhập siêu 1 tỉ USD trong tháng 4 cho thấy các doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn. Với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu từ nước ngoài, điều này cho thấy có dấu hiệu bộ máy sản xuất bắt đầu khởi động lại được, DN dần dần hoạt động trở lại nhiều hơn.

Trong một báo cáo gần đây, khi đề cập tới con số nhập siêu 1 tỉ USD, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa bình luận hiện tượng này chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kĩ thuật do kim nghạch xuất khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3) giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3).

Cơ quan này lưu ý, đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.

Liên quan đến điều này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Chúng ta cần phải xem kĩ lại cụ thể các số liệu, chủng loại hàng hóa nhập khẩu trong tháng 4. Nếu doanh nghiệp nhập nhiều nguyên vật liệu, máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh thì đó là tích cực. Ngược lại, nếu hàng nhập là ô tô hay các thứ hàng xa xỉ khác thì mức nhập siêu nói trên là tiêu cực. Nhưng có một thực tế, xuất khẩu giảm trong tháng 4 rõ ràng do xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa giảm. Bởi vì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI như Samsung vẫn còn duy trì khá tốt.

Ngoài ra, việc kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước giảm tới 20% so với tháng 3 khiến ông Doanh cảm thấy "đây thực sự là điều đáng lo ngại hơn nhiều". Và ông đặt ra thắc mắc "tại sao DN trong nước lại XK kém thế?".

Lo nhập siêu lại ngoài tầm kiểm soát

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2012 là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,6 tỉ USD, tăng 60,7%; vải đạt 2,3 tỉ USD, tăng 13,8%; chất dẻo đạt 1,7 tỉ USD, tăng 15,6%; nguyên phụ liệu dệt may giày, dép đạt 1,1 tỉ USD, tăng 13,6 %; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 892 triệu USD, tăng 47,1%; bông đạt 393 triệu USD, tăng 39,5%. Đây là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước và gia công xuất khẩu.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4-2013 công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Phương Nam đã cảnh báo: Nếu chúng ta tiếp tục không chủ động được nguyên liệu thì việc tăng xuất khẩu sẽ luôn đi kèm với tình trạng nhập siêu. Điều này không chỉ gây áp lực cho công tác quản lý nhập siêu mà còn ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao giá trị xuất khẩu.

Tại buổi giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương ngày 6/5, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã lên tiếng cảnh báo: Với thực tế là sản xuất trong nước đang phục hồi mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, áp lực để kiểm soát kim ngạch nhập khẩu cả năm ở mức dưới 10 tỉ USD là không hề đơn giản. Bởi vì một phần hàng hóa có thể kiểm soát, kiềm chế nhập khẩu chính là hàng tiêu dùng lại chỉ chiếm khoảng 5% trong khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu lại là nguyên vật liệu.

Lương Thu Mai