ACB chịu rủi ro lớn từ “bầu” Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như
"Bầu" Kiên vẫn đang nợ ACB hàng ngàn tỉ đồng.
Tại bản Báo cáo trên, BVSC cho biết, tính đến cuối năm 2013, con số nợ xấu trên tổng dư nợ được Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố là 3,03%, cao hơn năm 2012 (tỉ lệ này năm 2012 là 2,5%); mức trích lập dự phòng cũng tăng tới 54% so với năm 2012 lên 1.085 tỉ đồng. Trong đó, trích cho các khoản rủi ro tín dụng chiếm khoảng 44%...
BVSC nhìn nhận đây là sự nỗ lực của ACB trong việc minh bạch hóa thông tin với mức trích lập dự phòng tương đối cao, trong đó có cả các khoản vay của Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và khoản tiền 719 tỉ trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Đồng thời, BVSC nhận định đây sẽ tiếp tục là những khoản mà ACB phải trích lập dự phòng trong năm 2014.
BVSC cho biết: Các khoản cho vay, mua trái phiếu, các tài sản phải thu, các khoản lãi mà ACB phải thu liên quan đến “bầu” Kiên là 7.128 tỉ đồng, tài sản đảm bảo cho các khoản vay trên ước khoảng 7.122 tỉ đồng. Trong đó có 20,5% tài sản đảm bảo là cổ phiếu niêm yết, còn lại chủ yếu là có phiếu chưa niêm yết và theo ACB thì những khoản vay này hiện đang được xếp ở nhóm 2.
Theo bà Nguyễn Thu Hà – Chuyên viên phân tích của BVSC, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin về việc thu hồi những khoản nợ trên, tuy nhiên, nếu nhìn vào nợ nhóm 2 của ACB giảm trong năm 2013 là 2.454 tỉ đồng thì rất có thể ACB đã thu hồi được một phần.
Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng, chất lượng của những khoản nợ này hiện đã giảm vì bên vay không trả được lãi đúng hạn nên sẽ bị đưa vào nhóm có rủi ro cao hơn.
“ACB nhiều khả năng sẽ phải trích lập 100% đối với các khoản lãi dự thu và khoảng 30% đối với các khoản nợ gốc trong năm 2014” - bà Hà nhận định về những rủi ro đối với các khoản vay của “bầu” Kiên mà ACB phải đối diện.
Riêng với khoản tiền 719 tỉ đồng ủy thác đầu tư thông qua một số nhân viên gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và khoản lãi dự thu là 37 tỉ đồng, bà Hà cho rằng: Hiện tại các khoản vay này đã quá hạn cũng như chưa nhận được khoản lãi dự thu và ACB cũng chưa trích dự phòng cho các khoản tiền gửi này trong năm 2013. Tuy nhiên, dựa vào tình hình xét xử vụ Huyền Như, chúng tôi cho rằng ACB sẽ phải chịu tổn thất đối với toàn bộ phần gốc và lãi này.
Trước đó, các khoản nợ của “bầu” Kiên tại ACB đã được nêu khá cụ thể tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của ACB. Cụ thể: 6 công ty mà ông “bầu” Kiên là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng Quản trị đã vay của ACB hơn 3.500 tỉ đồng. Ngoài ra, ACB còn có số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và khoản phải thu khác với các công ty của bầu Kiên lên tới 3.617 tỉ đồng.
Cũng theo bản báo cáo trên, ACB còn có một khoản nợ khác của nhóm các công ty của bầu Kiên là khoản lãi phải thu từ trái phiếu phát hành lên tới 287 tỉ đồng.
Như vậy, tổng cộng dư nợ từ các khoản cho vay và phải thu liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên tính đến hết năm 2012 là 7.415 tỉ đồng.
Bản Báo cáo cũng cho biết khoản tiền vay này đều có tài sản thế chấp trong đó cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác là 3.458 tỉ đồng; cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết là 1.989 tỉ đồng; góp vốn vào doanh nghiệp 925 tỉ đồng và bảo lãnh của ngân hàng khác 750 tỉ đồng.
Thanh Ngọc
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm
-
Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ