A Lưới hôm nay

06:54 | 28/01/2012

1,443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến với A Lưới hôm nay, góp phần xóa nghèo, tăng trường học, bệnh viện, cấp học bổng… chính là trách nhiệm và cũng là nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”.

Ghi chép của Việt Hòa

Tiễn chúng tôi rời cảng Chân Mây sau khi bế mạc Đại hội Công đoàn của Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên – Huế (PV Oil Thừa Thiên – Huế), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Đặng Thọ Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty dặn dò: "Các anh chị lên A Lưới chuyến này chắc chắn có nhiều thay đổi…!”.

Chia tay anh, chiếc xe phong trần của anh em chúng tôi theo đường 49 (đường 12 cũ), những địa danh một thời kỷ niệm cứ hiện ra: đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi A Bia (quân viễn chinh Mỹ khiếp vía với đồi A Bia và gọi là Hamburger Hill – đồi Thịt Băm). Những khúc cua tay áo gấp gáp, những thớ núi sa thạch kỳ vĩ của con “đường lên trời” vẫn như ngày nào nhưng nay thấy yên tâm rằng, màu xanh đang đậm hơn và những cung đường đất đỏ ngày xưa hôm nay đã trải nhựa. Dẫu chưa hết những vách núi sạt lở, từng vạt đất rừng vàng ruộm trôi chơi vơi xuống lòng vực hun hút dốc nhưng cái cảm giác lo lắng khi dấn thân vào rừng đại ngàn Trường Sơn giảm nhiều… Ngay cả con đèo chứa đầy bất trắc và e ngại mang tên Kim Quy (dài 16km) hôm nay cũng trở nên hiền lành và thậm chí gần gũi…

Đi cùng chúng tôi tới thăm 5 gia đình Anh hùng mà PV Oil Thừa Thiên – Huế nhận phụng dưỡng suốt đời là ca sĩ của đại ngàn Nguyễn Tiến Đời – một người đã gần 30 năm làm công tác văn hóa của A Lưới. Anh nổi tiếng không chỉ có giọng hát Pa Co trữ tình sâu lắng một thời mà còn là người chuyển lời những bài hát của đồng bào dân tộc ra tiếng phổ thông. Nếu ai đã từng nghe anh ôm đàn organ cùng bạn diễn ca bài “Auoi ta to ma” (Em ở đâu) mới thấy hết được cái tha thiết, nồng cháy của những chàng trai Pa Co đi tìm người mình yêu… Có anh trên xe, những cung đường của chúng tôi như ngắn lại và mệt mỏi cũng lùi xa.

Những người Anh hùng bình dị

Thị trấn A Lưới nằm dọc theo con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên – Huế Trong đó có các dân tộc: Cơ Tu, Tà Ôi, Kinh… sinh sống ở 20 xã và 1 thị trấn. Nơi đây là thượng nguồn của 5 con sông lớn, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là Asáp và Alin, 3 con sông chảy sang Việt Nam là Đakrông, sông Bồ và sông Hương. Tất cả tạo cho A Lưới vị trí địa lý kinh tế, quốc phòng – an ninh quan trọng của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Chính vì cái địa thế chiến lược như vậy cho nên trong chiến tranh A Lưới là một trong những trọng điểm vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh, là binh trạm thiết yếu của Cách mạng và là nơi tập trung những địa đạo, đường hầm chứa vũ khí, đạn dược, lương thực, quân dụng phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Kan Lịch

Sau ngày giải phóng, A Lưới bị ảnh hưởng nặng nề của bom đạn và chiến tranh; Thậm chí, rừng cũng trở nên xác xơ vì ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ và chất độc da cam. Nhiều hộ dân số du canh du cư, bản làng xác xơ, đói rét và bệnh tật… Thêm vào đó, những hủ tục lạc hậu, dân trí thấp kém, khí hậu thời tiết khắc nghiệt làm cho Huyện biên giới này trở nên gần như nghèo nhất trong cả nước. Những địa danh như: A Roàng, A Rớt, Hương Lâm, Đông Sơn, Hương Phong… để lại trong những người lãnh đạo những trăn trở tìm cách giúp dân thoát nghèo…

Đảng bộ và Chính quyền Thừa Thiên – Huế trong những năm qua đã cho khởi động những chương trình dự án như: Khu kinh tế quốc phòng, đường giao thông, chương trình khai thác du lịch, khai thác văn hóa độc đáo, các công trình thủy điện, quy hoạch cụm công nghiệp, hệ thống làng nghề, xây dựng các khu vệ tinh… để phát triển đồng bộ từ thương mại, du lịch sinh thái đến ngành nghề và đa dạng các loại hình dịch vụ…

Rất nhanh nhạy, PV Oil Thừa Thiên – Huế, một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế lập tức chung tay cùng Đảng bộ và chính quyền tỉnh trong các hoạt động an sinh xã hội.

Với PV Oil, công trình an sinh xã hội đem đến cho A Lưới là xây dựng Trường THCS xã Hồng Thượng. Đây là công trình nhằm đưa ngôi trường biên giới này trở thành điểm trường đạt chuẩn Quốc gia và góp phần đẩy mạnh công cuộc khuyến học, khuyến tài đối với một huyện nghèo còn nhiều khó khăn nhưng cũng nổi tiếng bởi truyền thống anh hùng và hiếu học.

Song song với chương trình, ông Đặng Thọ Dũng, Chủ tịch HĐQT PV Oil Thừa Thiên – Huế, người sáng lập Quỹ “Ước mơ nhỏ” quyết định trao 20 suất học bổng cho các em học sinh là người dân tộc có thành tích xuất sắc trong học tập, đồng thời nhận nuôi dưỡng và phụng dưỡng suốt đời 5 Anh hùng Lực lượng Vũ trang (AHLLVT) tại Huyện là Cu Tríp, Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nul và Kăn Đơm.

Trong chuyến đi trở lại A Lưới lần này, chúng tôi lần lượt ghé vào thăm 5 gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Anh hùng Hồ Đức Vai, tên thường gọi ngoài đời của ông xưa là A Vai. Ông sinh năm 1940 và là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng LLVTND, vinh dự được gặp Lãnh tụ Hồ Chí Minh 5 lần. Ông là biểu tượng cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của chiến tranh du kích. Lần ra Bắc đầu tiên (1965) lúc này người Pa Ko không có họ mà chỉ có tên. Gặp Bác Hồ, ông được Bác đặt tên là Hồ Đức Vai.

Sau khi về hưu, Hồ Đức Vai lấy công tác làm từ thiện làm lẽ sống. Khi làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện A Lưới, suốt ngày Hồ Đức Vai trên những dặm đường đến với từng số phận, những nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt. Hồ Đức Vai chia sẻ: “Các cháu không có tội tình gì cả nhưng phải hứng chịu nỗi đau. Chúng ta phải chia sẽ, phải đồng lòng, giúp các cháu hòa nhập với cộng đồng là trách nhiệm của xã hội”.

PV Oil tài trợ 2,5 tỉ đồng xây dựng Trường THCS xã Hồng Thượng, huyện A Lưới

Chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng Kan Lịch ở trung tâm thị trấn A Lưới. Thời tiết trở trời khiến cho hai bàn chân thương tật của bà không đi vững mà phải có người dìu đỡ. Thế nhưng, giọng nói của người nữ Anh hùng lẫy lừng một thủa vẫn rành rẽ kể về những kỷ niệm, những trận đánh ngày xưa. Bà Kan Lịch sinh năm 1943 (cháu ruột của ông Hồ Đức Vai). Bà là điển hình của một chỉ huy đánh du kích bằng những cách đánh độc đáo, bất ngờ. Với 49 trận chiến mang dấu ấn “Kan Lịch”, giết 150 tên địch, một mình bắn rơi 1 chiếc máy bay giặc chở trên 50 tên, bà Kan Lịch được phong Anh hùng LLVTND năm 1967. Đặc biệt, bà Kan Lịch được vinh dự 7 lần gặp Bác.

Đến thôn A So, xã Hương Lâm, huyện A Lưới – nơi người thanh niên Ku Trip sinh ra, lớn lên, vào du kích và chiến đấu vào tầm trưa, với nụ cười hồn hậu, ông không ngần ngại kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện đã đi vào lịch sử. Năm 1960 ông tham gia dân quân rồi chỉ huy du kích. Sau đó, ông là Xã đội trưởng xã Hương Lâm, đương đầu với cả một đạo quân thiện chiến của Mỹ và chư hầu. Có ngày, ông đánh 3 trận liên tiếp tiêu diệt nhiều địch. Trận đánh lớn nhất của ông năm 1971, tổ dân quân của ông chỉ có 3 người và đã tiêu diệt 30 tên địch, làm bị thương hàng chục tên, thu nhiều vũ khí. Hiện tại, Anh hùng Ku Tríp sống với người con trai trong ngôi nhà tình nghĩa của Tổng cục II xây tặng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Đơm năm nay 71 tuổi, bà tham gia Cách mạng năm 1959. Năm 1961, bà giữ chức Xã đội phó xã Hồng Hạ. Tham gia bộ đội, bà là Trợ lý tác chiến của tiểu đoàn. Nhiều lần bà bị thương. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã dốc sức người và sức của rất nhiều để phục vụ cho kháng chiến. Năm 1996, bà được tuyên dương Anh hùng. Người nữ anh hùng từng bám trụ trên đèo Mẹ Ơi giáng cho địch những đòn chí mạng bằng những bàn chông, mũi lao… tiêu biểu của chiến tranh du kích, bám giữ làng, cùng đồng bào tăng gia sản xuất cung cấp lương thực cho bộ đội.

Khi chúng tôi đến thăm, gia đình đang có chuyện buồn. Người con trai của bà vừa mất vì bệnh tiểu đường. Ngồi trước mặt chúng tôi là một bà cụ già, tóc bạc nhưng ánh mắt thật kiên định, quật cường. Hỏi mẹ có mong ước gì? Bà cười nhẹ: Chỉ mong thằng con thứ 9 có công ăn việc làm…

Anh hùng A Nul sinh năm 1944, là em ruột của anh hùng Kan Lịch, là bộ đội chủ lực chủ yếu phục vụ chiến trường Lào, Campuchia và Tây Nam Bộ. Anh hùng A Nul người được “ghi vào kỷ lục guiness lịch sử” gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường. Trong vòng từ năm 1961 đến 1969, Hồ A Nul gùi 179 tấn vũ khí lương thực, đạn dược. Hàng ngày, ông gùi gần 180kg vượt núi đồi 30km trên cung đường Trường Sơn. Trong Chiến dịch 1968, lần gùi kỷ lục ông mang trên mình 192kg đạn pháo và được báo chí trong ngoài nước thời bấy giờ xướng danh, ngợi ca. Năm 1969, ông được phong AHLLVT.

Năm 1988, ông về nghỉ với chức vụ Phó chỉ huy quân sự huyện A Lưới, hàm thiếu tá. Ông có 7 người con, 3 trai, 4 gái. Ông A Nul bị suy giảm sức khỏe, gia đình có lúc gặp khó khăn. Được sự quan tâm của địa phương, ông được xây nhà tình nghĩa và tạo điều kiện làm rẫy, làm giàu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông cười vui vẻ. Mong ước duy nhất của người cán bộ huyện đội bây giờ là xin hãy quan tâm đến anh em đồng đội ngày trước cùng đi Trường Sơn…

Doanh nghiệp và địa phương làm chính sách

Thật tình cờ, trong buổi Quỹ “Ước mơ nhỏ” trao học bổng cho các em học sinh Trường tiểu học xã Hồng Thượng. Một bên đại diện doanh nghiệp là ông Đặng Thọ Dũng, Chủ tịch HĐQT PV Oil Thừa Thiên – Huế và một bên đại diện địa phương ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Huyện A Lưới. Họ đều là những cán bộ còn rất trẻ. Vị Phó chủ tịch huyện năm nay mới 31 tuổi, người dân tộc Tà Ôi. Anh trưởng thành từ cán bộ đoàn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Nguyễn Mạnh Hùng trở về quê hương A Lưới của anh công tác, niềm mong ước cháy bỏng trong anh là làm sao cho 5 dân tộc anh em của huyện biên giới A Lưới sát cánh bên nhau, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và yên bình.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đức Vai

Với Đặng Thọ Dũng, cuộc đời anh từng phải bươn chải, vật lộn vất vả. Những năm tháng ở nước ngoài, anh từng phải vừa học, vừa làm; chắt chiu từng chút kiến thức và kinh nghiệm để trở về phục vụ đất nước. Khi đã phấn đấu cho mình một vị trí nhất định, anh tâm nguyện thành lập một quỹ học bổng mong đem đến, tạo thêm cơ hội cho những học sinh nghèo, hiếu học trên những vùng sâu, vùng xa thực hiện ước mơ học đường của mình. Về làm lãnh đạo Công ty CP Xăng dầu Thừa Thiên – Huế, Quỹ học bổng “Ước mơ nhỏ” do Đặng Thọ Dũng sáng lập từ năm 2009 đã mang đến cho 300 học sinh và sinh viên trên các vùng miền trong cả nước với số tiền trên 500 triệu đồng. Riêng với Thừa Thiên – Huế, quỹ cấp và duy trì học bổng đến hết chương trình học cho 53 học sinh, sinh viên với số tiền 100 triệu đồng. Và hôm nay là quê hương A Lưới.

Có ngồi chứng kiến hai người cán bộ trẻ Mạnh Hùng – Thọ Dũng trao đổi với nhau về các chương trình hành động thực hiện an sinh xã hội cho các năm tới mới thấy hình như họ đã có duyên với nhau từ lâu lắm. Những chương trình gối đầu học bổng cho học sinh hàng năm; ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho gia đình chính sách, khó khăn; cấp thẻ ưu tiên chữa bệnh, vận động bà con gắn bó với làng bản, nương rẫy… đều được đề cập đến.

Đến với A Lưới, không ai có thể quên được những địa danh như Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo A Đon, Động So, sân bay A So, đồi A Bia (đồi thịt băm), thác A Nor… Nơi ấy, có các địa danh được phong tặng danh hiệu Anh hùng như: xã Hồng Thái, Hồng Thủy, Hồng Nam, A Đớt, Hồng Quảng, Hồng Thượng, Hồng Vân… cùng các Anh hùng lực lượng vũ trang và 11 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, có gia đình được phong tặng 3 Anh hùng là Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch và Hồ A Nul.

A Lưới từ lâu đã là nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Đây cũng là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác hủy diệt của quân viễn chinh Mỹ đối với đồng bào ta. Sự hy sinh và mất mát ấy không có gì bù đắp nổi.

Đến với A Lưới hôm nay, góp phần xóa nghèo, tăng trường học, bệnh viện, cấp học bổng… chính là trách nhiệm và cũng là nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”. Đã và có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức Chính phủ và phi chính phủ thể hiện được những nghĩa cử ấy. Trong đó có PV Oil nói chung và Quỹ “Ước mơ nhỏ” của PV Oil Thừa Thiên – Huế nói riêng.

V.H