4 sự thật vô lý trên sàn chứng khoán Việt

11:07 | 03/05/2012

404 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù đã trải qua hơn 10 năm phát triển, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối mặt với khá nhiều câu chuyện "khó tin", mà chỉ kênh đầu tư này mới có.

Từng được xem là một kênh đầu tư “vua”, có mức lợi nhuận hấp dẫn và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng thời gian vừa qua thị trường chứng khoán trong nước lại chứng kiến khá nhiều sự kiện không vui, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý giao dịch của một bộ phận lớn giới đầu tư. Đồng thời, nó cũng khiến thị trường này càng trở nên kém hấp dẫn…

Kênh đầu tư chứng khoán hiện có khá nhiều sự thực khó tin

Giá cổ phiếu rẻ chưa từng có trong lịch sử

Với những ai thường xuyên theo dõi thị trường chứng khoán trong nước, có thể nhận thấy rõ sự thay đổi giá trị của những cổ phiếu niêm yết trên sàn qua từng thời điểm giao dịch.

Nếu như trong những ngày đầu tiên khi thị trường chứng khoán mới du nhập vào Việt Nam, thì giá các cổ phiếu niêm yết trên sàn luôn giữ ở mức trên mệnh giá (tức trên 10 nghìn đồng). Trong đó, đa số là những mã có mệnh giá vài chục nghìn, thậm chí mệnh giá hơn 100 nghìn cũng không ít.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của thị trường chứng khoán chỉ trải qua được vài năm đầu, còn hai, ba năm trở lại đây kênh đầu tư này đã rơi vào suy thoái khi mà các chỉ số lần lượt lao dốc mạnh. Bằng chứng là chỉ số Vn-Index có thời điểm đỉnh cao lên đến hơn 1.000 điểm, nhưng hiện nay rơi xuống chỉ còn hơn 400 điểm.

Cùng với sự lao dốc của chỉ số, các cổ phiếu niêm yết trên sàn cũng lao dốc xuống mức chưa từng có trong lịch sử hình thành. Hiện có đến 3/4 mã giữ mức dưới mệnh giá, nhiều mã chỉ có giá 2 – 3 nghìn đồng.

Đáng chú ý, thị trường còn xuất hiện những cổ phiếu có mức giá thấp khó tưởng tượng, chưa đến 1.000 đồng. Điển hình như cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa (Mã ck: VKP) có thời điểm rơi xuống mức 600 đồng/cổ phiếu…

Công ty bị cảnh báo tăng kỷ lục

Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán luôn phải đối mặt với những thông tin không mấy khả quan. Điều khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay có thể nó là việc các công ty niêm yết liên tục bị rơi vào tình trạng cảnh báo do thua lỗ nặng trong năm 2011.

Điển hình, cuối tuần qua Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã có thông báo đưa cổ phiếu NTB của Công ty cổ phần xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 vào diện cảnh báo, với nguyên nhân là thua lỗ nặng trong năm 2011.

Trước đó cũng có hàng loạt công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội rơi vào tình trạng cảnh báo như: Công ty cổ phần chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (MCK: VIG), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cotec (MCK: CIC)…

Đại gia giàu nhất sàn chứng khoán cũng gặp "hạn”

Cùng với hàng loạt công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, vừa qua giới đầu tư trong nước đã không khỏi ngỡ ngàng khi mà Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Mã chứng khoán: SGT) vào danh sách bị cảnh báo, do tình trạng thua lỗ nặng tới 113,79 tỉ đồng trong năm 2011.

Sự ngỡ ngàng của giới đầu tư hoàn toàn có lý do, khi mà công ty này được một người khá tài ba và nhiều người biết đến với doanh hiệu là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2009 – ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Theo giải thích của ông Đặng Thành Tâm, việc công ty bị thua lỗ trong năm 2011 là do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Tình hình khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến nhiều khách hàng tiềm năng của Công ty tạm thời trì hoãn kế hoạch kinh doanh, làm cho doanh thu về hoạt động cho thuê đất, bán và cho thuê nhà xưởng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Công ty thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn được mua mạnh

Có lẽ một điều khá khác lạ trên thị trường chứng khoán mà được nhiều người nhắc đến nữa đó là, việc các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán liên tục thông báo lỗ trong nhiều năm và mệnh giá rơi xuống mức thấp chưa từng có, nhưng giới đầu tư vẫn mạnh tay mua vào.

Bằng chứng là trong vài ngày trở lại đây, thị trường chứng khoán trong nước đã liên tục nổi sóng trước đà tăng mạnh của những cổ phiếu có mệnh giá nhỏ, bất chấp tiềm lực không mấy sáng sủa mà công ty đang gánh chịu.

Bỏ qua tất cả những thực tại không sáng sủa, những cổ phiếu có mệnh giá từ 1 – 5 nghìn vẫn vùn vụt tăng giá và giữ mức kịch trần trong nhiều phiên. Chính việc ồ ạt tăng giá này đã giúp thị trường trên cả hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM có những phiên đảo chiều ngoạn mục.

Lý giải cho sự ngược đời này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các thông tin hỗ trợ tích cực vẫn chưa xuất hiện nhiều thì việc đầu tư vào những cổ phiếu có mệnh giá nhỏ sẽ tránh được tổn thất.

Thị trường chứng khoán trong nước đang ngày càng thể hiện những yếu kém, khi mà lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn không thực sự chất lượng, cùng với đó nhà đầu tư luôn phải đương đầu với các thông tin xấu… nên việc có những phiên giao dịch èo uột âu cũng là điều dễ hiểu.