3 điều đáng tiếc của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không

12:01 | 20/12/2022

4,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972, là mốc son đáng tự hào trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của dân tộc.
3 điều đáng tiếc của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trên không
Tên lửa SAM-3 (ảnh minh họa)

Thế nhưng, sau nửa thế kỷ nhìn lại nhiều người trong cuộc vẫn cho rằng có những điều đáng tiếc trong trận chiến vĩ đại đó. Đáng tiếc bởi vì chúng ta có thể chiến thắng vẻ vang hơn, số lượng B-52 có thể bị tiêu diệt nhiều hơn, Mỹ sẽ phải yếu thế hơn trên bàn đàm phán nếu những ngày chiến đấu ác liệt đó không khan hiếm đạn, tên lửa SAM-3 kịp chiến đầu và việc chế tạo bộ khí tài để dùng radar K8-60 truyền phân tử cho SAM-2 diễn ra đúng tiến độ.

Thế nhưng sự thật về sự kiên cường và ý chí chiến đấu, sức sáng tạo của lực lượng không quân Việt Nam trong chiến dịch đó luôn là điều sống mãi với lịch sử dân tộc.

Tình trạng khan hiếm tên lửa

Có một sự thật phải nhìn nhận rằng, khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, thiếu đạn là tình trạng dễ dàng xảy ra ở lực lượng Bộ đội tên lửa của ta. Theo ghi chép trong cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”, nhiều đơn vị đã bị tình trạng “trắng bệ” giữa chừng khi chiến đấu. Cuốn sách này đã kể lại chi tiết tình trạng khó khăn đó: “Vào những đêm tháng 12 năm 1972, có tiểu đoàn hỏa lực đã rơi vào tình trạng giữa chừng “trắng bệ”, nghĩa là trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay địch vẫn tiếp tục kéo vào. Các tiểu đoàn hỏa lực thỉnh thoảng lại nhận được chỉ thị qua điện thoại từ trung đoàn: “Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo”.

Giữa đêm 20 tháng 12, tình trạng căng thẳng đến nỗi từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã gọi điện chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạm cho các tiểu đoàn tên lửa.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “trắng bệ giữa chừng”, là do tốc độ lắp ráp tên lửa chưa đáp ứng được mức tiêu thụ của một chiến dịch lớn như vậy. Tài liệu trên còn giải thích đầy đủ về nguyên nhân như sau: Thông thường khi chuyển từ Liên Xô sang, các quả tên lửa đều ở trạng thái tháo rời, từng bộ phận đều được sắp xếp gọn gàng trong những thùng kín. Các đơn vị kỹ thuật thường gọi là “Tiểu đoàn 5” làm nhiệm vụ lắp ráp lại các bộ phận tháo rời đó, đồng thời kiểm tra hệ thống điện và vô tuyến điện đầy đủ, xong rồi nạp chất đốt, trước khi chuyển đến các tiểu đoàn hỏa lực.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tốc độ lắp ráp của các Tiểu đoàn 5 nói chung đã phục vụ được yêu cầu chiến đấu lúc ấy. Tuy nhiên trong chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động một lực lượng không quân với quy mô chưa từng có, tấn công ồ ạt nhiều ngày đêm bầu trời miền Bắc nên sức chống chịu của phòng không Việt Nam cũng phải được tăng cường. Nhưng thiết bị quân sự Việt Nam không thể so được với sức mạnh quân sự tối tân của Mỹ. Vì vậy, tốc độ lắp ráp bình thường như trước không đáp ứng được mức độ tiêu thụ ngày một tăng. Bởi vậy, việc thiếu đạn trong nhiều trận đánh là tất yếu. Theo lý thuyết, hiệu quả của SAM-2 là bắn 3 quả đồng thời nhưng vì thiếu đạn, có khi chỉ có thể bắn được một quả. Tiểu đoàn 57 là đơn vị điển hình gặp phải tình trạng thiếu đạn đó trong trận đánh hồi 5 giờ đêm ngày 20 rạng ngày 21.

Khi từng tốp B-52 đang nối nhau xâm phạm không phận miền Bắc Việt Nam, trên các bệ phóng chỉ còn 2 quả đạn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt phải hạ quyết tâm đánh “quả một”, nghĩa là mỗi lần tấn công chỉ được dùng một quả.

Nhận xét về tình trạng thiếu đạn, sách “Điện Biên Phủ trên không - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”, ngầm ngụi tiếc nuối “Có điều rất đáng tiếc là ra như hồi ấy, bộ đội tên lửa ta có được thêm nhiều đạn, được bắn theo quy tắc xạ kích được “đánh bồi”, “đánh nhồi”, mỗi lần bán thêm vài ba quả, thì kết quả bắn rơi B-52 chắc sẽ còn lớn hơn nhiều”.

Trung tướng Lương Hữu Sắt, nguyên Cục trưởng Cục vũ khí đạn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kể: “Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là vấn đề bảo đảm đạn tên lửa cho các đơn vị”. Đạn tên lửa phòng không của ta hầu hết do Liên Xô giúp đỡ, trước khi sử dụng loại đạn này chúng ta phải đưa qua một dây chuyền lắp ráp khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Trước ngày 18 tháng 12, các đơn vị tên lửa vẫn có một số đạn dự trữ nhưng không đáng kể. Chuẩn bị cho chiến dịch, các tiểu đoàn tên lửa được trang bị hai cơ số đạn, với các tham số kỹ thuật của các dây chuyền sản xuất đạn, có hệ số kỹ thuật tốt nhất. Để phục vụ cho các trận địa ở Hà Nội, Hải Phòng, có 2 đơn vị, 2 dây chuyền sản xuất đạn.

Từ ngày 18, 19 tháng 12 năm 1972 trở đi, các dây chuyền sản xuất đạn được bổ sung cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, nhiệt tình, trách nhiệm, liên tục thay nhau sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu. Kế hoạch tổ chức lắp ráp, bảo đảm tên lửa khá chu đáo có phương án chuẩn bị từ trước và công tác dự phòng cũng được triển khai, song mới chỉ qua 2 đêm ngày 18 và 19, những tín hiệu về cơn sốt đạn tên lửa đã nhanh chóng xuất hiện.

Khẩu hiệu tiết kiệm đạn “dành đạn cho pháo đài bay B-52”, đã trở thành mệnh lệnh cho các đơn vị tên lửa phòng không. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trương dành tên lửa đánh B-52. Như vậy, toàn bộ gánh nặng phải đương đầu với hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật, đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm dồn hết cho bộ đội cao xạ, không quân và dân quân tự vệ đảm nhiệm. Nhưng các đơn vị tên lửa vẫn không thoát khỏi tình trạng thiếu đạn, hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng.

Khẩu hiệu lúc này là: “Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa”.

Toàn quân chủng lúc đó tìm các biện pháp tối ưu tập trung vào việc lắp ráp đạn tên lửa nhanh nhất, sửa chữa những hư hỏng của tên lửa; đồng thời bảo dưỡng, sửa chữa gấp khí tài trang bị của các đơn vị. Cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất, sản lượng tăng gấp đôi nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa thấm gì với mức tiêu thụ đạn ghê gớm trên từng bệ phóng. Cảnh chạy đạn cho các bệ phóng như cảnh nhà nghèo chạy ăn từng bữa. Bãi lắp ráp làm được quả đạn nào xe TZK trực sẵn lập tức đưa đi và đưa lên bệ phóng ngay. Trong ánh lửa của bom đạn, những quả đạn tên lửa vừa “bóc tem” được chuyển đến đặt ngay trên bệ phóng, có những quả đạn chỉ ít phút sau khi hoàn tất đã lao vút lên tìm diệt máy bay B-52, chưa bao giờ cuộc đời của những quả đạn tên lửa được sản xuất ra lại ngắn ngủi và vinh quang đến như vậy.

Lính SAM-3 có bệ phóng mà không có đạn

Điều đáng tiếc thứ hai của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, là hai trung đoàn tên lửa SAM-3 đã về đến Việt Nam, nhưng không tham chiến được vì đạn chưa được bổ sung kịp thời. Một số tư liệu sau này ghi lại năm 1972, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các mục tiêu quan trọng ở miền Bắc, chưa có một quả đạn SAM-3 nào được phóng lên. Cơ số hơn 200 quả tên lửa SAM-3 về trễ ngày ấy, 50 năm nay vẫn nằm trong kho với chế độ bảo dưỡng, và có những hi sinh mất mát ở ngay hai trung đoàn SAM-3.

SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không, do Cục Thiết kế Trung ương Almaz nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1961. SAM-3 có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn và độ cao diệt mục tiêu thấp hơn so với SAM-2, nhưng tên lửa rất hiệu quả khi tấn công mục tiêu bay thấp, cơ động cao và có khả năng kháng nhiễu điện tử mạnh hơn so với SAM-2.

Một hệ thống SAM-3 gồm: 3 bệ phóng (mỗi bệ 4 đạn) và đài điều khiển hỏa lực SNR-125. Đạn tên lửa dùng cho SAM-3 thiết kế 2 tầng động cơ: động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn (thời gian đốt 2,6 giây) và động cơ hành trình nhiên liệu rắn (thời gian đốt 18,7 giây). Trên tầng động cơ khởi tốc có gắn 4 cánh vây hình chữ nhật, ở phần thân trên có 4 cánh vây cố định và 4 dây chuyền nhỏ hơn ở đầu tên lửa, tên lửa được điều khiển bằng sóng vô tuyến. Được đưa vào phục vụ trong lực lượng phòng không Liên Xô từ những năm 1960 nhưng mãi tới năm 1972, Liên Xô mới bắt đầu viện trợ tên lửa SAM-3 cho Việt Nam.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt từ tháng 6 năm 1972, cán bộ chiến sĩ của ta mới sang Liên Xô học tập sử dụng SAM-3. SAM-3 có tốc độ bắn rất nhanh, độ cao tuy không lớn hơn so với SAM-2 nhưng ở trong tầm với tới B-52, SAM-3 có xác suất trúng mục tiêu cao hơn.

Ngày 5 tháng 12 năm 1972, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 277 trang bị SAM-3 về tới Hà Nội, đóng quân tại Vân Nội, Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội. Tại đây trung đoàn đã củng cố lại tổ chức sắp xếp lại cán bộ quán triệt nhiệm vụ, chuẩn bị trận địa cho vũ khí - khí tài về là triển khai chiến đấu ngay.

Đêm 18 tháng 12, Trung đoàn 276 đơn vị SAM-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang), được lệnh dừng lại, trung đoàn cho bộ đội xuống tàu kịp thời sơ tán về làng Kép Hạ, để chờ các đoàn tàu chở vũ khí khí tài về triển khai chiến đấu. Với quyết tâm cao mặc mưa bom bão đạn, địch đánh phá suốt ngày đêm, Ban chỉ huy Trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho Tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch, Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội. Các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc hết sức mình để triển khai dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SAM-3 chuyển cho Tiểu đoàn 169.

Rất tiếc, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất, tên lửa đã nằm trên bệ sẵn sàng duyệt B-52, thì chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược B52 của Đế quốc Mỹ và Hà Nội kết thúc. Việc tên lửa SAM-3 không về kịp kế hoạch, trong bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức”, Trung tướng Phan Thu không giấu được sự tiếc nuối về cuộc tập kích thiếu đạn năm đó.

“Ngày 22 tháng 6 năm 1972, Quân chủng Phòng không-Không quân đã quyết định thành lập hai trung đoàn tên lửa SAM-3 là Trung đoàn 276 và 277 và đưa sang đào tạo ở Liên Xô, tôi nghe nói đã học xong rồi mà mãi mới về.

Ngày 5 tháng 12 năm 1972, Trung đoàn 277 về đến Hà Nội và đêm 18 tháng 12 Trung đoàn 276 mới về đến ga Kép. Trong khi đó, khí tài và đạn của 2 trung đoàn tên lửa SAM-3 vẫn còn “lang thang” ở đâu đó mà chưa về đến ga Bằng Tường (Trung Quốc), khi khí tài về triển trên máy móc xong thì đạn lại chưa về. Đến khi Tiểu đoàn 169, Trung đoàn 276 đã có 4 quả đạn đặt trên bệ phóng, sẵn sàng tham gia chiến đấu thì cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và Hà Nội Hải Phòng của Mỹ kết thúc”.

Trung tướng Thu cũng nói rằng, việc tên lửa SAM-3 không kịp tham chiến là một đáng tiếc cho chiến dịch tập kích, bởi vì radar của SAM-3 làm việc ở dải sóng 3cm mà đèn máy phát của nó cùng tên cùng loại với đèn máy phát của radar K8-60, đó là đèn phát sóng Mangétron Mi90, không bị nhiễu và không bị tên lửa chống bức xạ Shrike bắn vào.

Thất vọng Hồng Kỳ 2

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - cao Kồng Kỳ 2 (HQ2) do Trung Quốc thiết kế, cải tiến từ thế hệ Hồng Kỳ 1 (HQ1) được nước này sao chép từ hệ thống S-75 Dvina của Liên Xô (SAM-2).

Trang bị của một hệ thống tên lửa HQ-2, tương tự như hệ thống S-75 Dvina của Liên Xô với 6 bệ phóng và đài điều khiển hỏa lực cùng các xe hỗ trợ khác. Đạn tên lửa HQ2 thiết kế 2 tầng, gồm tầng khởi tốc dùng nhiên liệu rắn và động cơ hành trình dùng nhiên liệu lỏng, tên lửa lắp đầu đạn nổ tạo mảnh nặng khoảng 190kg, vùng sát thương 12 đến 32km, độ cao diệt mục tiêu 12 đến 32km, tốc độ hành trình 1.150m/s. Đạn HQ-2 có độ chính xác trong phát bắn đầu tiên là 68%, so với HQ-1, HQ-2 được giới thiệu là cải tiến mạnh về khả năng kháng nhiễu điện tử đối phó với các loại máy bay Mỹ. Nhưng thực tế, trên chiến trường Việt Nam HQ-2 không thể hiện được nhiều.

Đầu như năm 1970, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam một Trung đoàn tên lửa HQ-2. Ngày 6 tháng 5 năm 1972, Bộ Quốc Phòng ra quyết định số 73/QĐ-QP giao Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, tổ chức thêm Trung đoàn tên lửa 268 do đồng chí Trịnh Đình Xuyến làm trung đoàn trưởng và đồng chí Yến làm chính ủy. Trung đoàn 268 biên chế 3 Tiểu đoàn hỏa lực 38, 39, 49 và Tiểu đoàn kỹ thuật 50, đoàn 268 trang bị hệ thống tên lửa đất đối không HQ-2. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ trung đoàn do chuyên gia Trung Quốc trực tiếp huấn luyện, ngay sau khi huấn luyện xong hệ thống HQ-2 được đưa vào chiến đấu thử nghiệm, nhưng không phát huy hiệu quả trong điều kiện nhiễu điện tử phức tạp.

“Hồng Kỳ 2 là loại tên lửa cải tiến từ S-75 Dvina nhưng cải tiến không triệt để, trong quá trình chiến đấu Hồng Kỳ 2 rất khó bắt mục tiêu trong điều kiện bị đối phương gây nhiễu điện tử mạnh, đạn phóng lên rơi xuống đất” - Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết.

Như vậy, cả hai hệ thống tên lửa mới của phòng không Việt Nam trong năm 1972 là SAM-3 và HQ-2 đều không tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, trong khi việc không thể triển khai kịp SAM-3 là điều đáng tiếc, thì HQ2 là sự thất vọng khi không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chiến đấu.

Thiếu “bảo bối” K8-60

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, không quân ta còn sáng tạo khi đưa radar K8-60 của pháo phòng không 57mm vào bắt mục tiêu B-52 và truyền phần tử bắn sang cho tên lửa SAM-2, sự sáng tạo đó trong chiến dịch tập kích pháo đài bay B52 đã gây bất ngờ cho Mỹ, khiến chúng phải lúng túng đối phó. Đây cũng là một trong những bí quyết giúp ta bắn hạ được B-52, trong điều kiện địch gây nhiễu rất nặng.

Tuy nhiên, chiến dịch dường như đã không trọn vẹn khi lực lượng tên lửa của ta mới chỉ có 2 bộ khí tài cải tiến, mặc dù trước đó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã ra chỉ thị chế tạo 6 bộ.

Tướng Phan Thu đã kể lại; “Tháng 6 năm 1972, Tư lệnh Lê Văn Tri đã chỉ thị nhân lên 6 bộ khí tài cải tiến radar K8-60 cho khu vực Hà Nội để chuẩn bị đánh B-52, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đề nghị tổng cục hậu cần giúp đỡ, Tổng cục Hậu cần đã giao nhiệm vụ cho nhà máy V-119 thực hiện. Tuy nhiên đến tháng 9 năm 1972, mọi nỗ lực của nhà máy cũng chỉ sản xuất được một bộ, cộng với bộ cải tiến do Phòng nghiên cứu kỹ thuật của Phòng không-Không quân đã làm trước đó là 2 bộ”.

Theo đó, các bộ này được trang bị chiến đấu cho Tiểu đoàn 57 trung đoàn 261 và Tiểu đoàn 79 trung đoàn 257, bộ khí tài cải tiến này sau đó đã chứng minh hiệu quả của nó khi phát hiện rõ B-52 và truyền phân tử bắn cho Tiểu đoàn 79 bắn 2 quả đạn, mỗi quả diệt được một chiếc B-52 vào đêm ngày 20 tháng 12 năm 1972. Bởi vậy Tướng Phan Thu đã không khỏi tiếc nuối khi nhắc lại trong bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức” rằng: Nếu đề tài cải tiến này được triển khai sớm hơn và nỗ lực hơn thì số tiểu đoàn tên lửa được trang bị thêm radar K8-60 sẽ nhiều hơn, việc đánh B-52 có thể sẽ hiệu quả hơn. Thêm vào đó, ông cũng cho rằng, lúc đó nếu ta nghĩ việc thay radar COH-9A của pháo phòng không 100mm bằng radar K8-60 để đánh B- 52 thì cũng sẽ góp phần làm thắng lợi to lớn hơn, máy bay địch sẽ bị tấn công nhiều hơn, vì pháo 100mm đủ sức với tới B-52 mà việc thay radar này rất đơn giản, không phải lắp thêm bất cứ chi tiết nào.

Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không năm 1972, vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ 20, những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết là những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được chất lọc vận dụng trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ấn bản “Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam"

do NXB Trẻ ấn hành lại tháng 12/2022