2014 và bài toán cân đối vĩ mô

07:00 | 03/01/2014

1,562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có người ví: Kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn còn ngổn ngang và bừa bộn như vừa qua một trận bão chưa được dọn dẹp hết. Tuy vậy, những nỗ lực của cả nền kinh tế cũng giúp mang lại những tín hiệu khả quan để cho một năm 2014 tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu với nhiều kỳ vọng.

Năng lượng Mới số 287

CPI thấp - mừng nhưng chưa thể vui

Ngày 23/12, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho năm 2013, theo đó chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 chỉ tăng 6,04% thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, đây là năm có có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, mục tiêu kiểm soát CPI ở mức 7% như Quốc hội đề ra đã đạt được, tuy nhiên, nhìn vào nhóm mặt hàng đẩy CPI tăng và diễn biến CPI trong suốt thời gian qua thì vẫn còn nhiều điểm đáng lo ngại.

Các mặt hàng làm tăng chỉ số CPI đến từ giá xăng dầu tăng 2,18%, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97%, giá điện tăng 10%, giá gas tăng gần 5% và giá cả các mặt hàng này còn nhiều khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguyên nhân CPI năm nay thấp ngoài yếu tố nguồn cung lương thực dồi dào do được mùa còn phải kể đến nguyên nhân do nền kinh tế phục hồi chậm, sức mua thấp, lực cầu còn yếu. Tồn kho sản phẩm của các doanh nghiệp ở mức cao. Hiện chỉ số tồn kho tính đến 1/11/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012 cao hơn chỉ số tồn kho tính đến hết năm 2012 (năm 2012 tăng 6,9%).

Tuy nhiên, bên cạnh đó phải ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách kịp thời nhằm kiềm chế lạm phát. Đó là triển khai quyết liệt các biện pháp, chính sách có hiệu quả về tăng cường quản lý giá thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI và kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.

Vì vậy, với diễn biến CPI trong năm 2013, có thể nói đây là đan xen lẫn lộn của cả những gam màu sáng, tối với những tín hiệu lạc quan nhưng cũng đầy thách thức.

GDP chưa đạt chỉ tiêu nhưng đã có những tín hiệu tích cực

Cũng theo số liệu công bố ngày 23/12 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP nước ta năm 2013 đạt 5,42%. Nếu căn cứ theo mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra thì tăng trưởng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến GDP hai năm gần đây đã cho thấy kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi, mức tăng trưởng năm nay đã cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Đặc biệt, đóng góp cho thành tích tăng trưởng 5,42% có phần quan trọng của khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu.

Có lẽ thu hút FDI là một gam màu sáng hiếm hoi, tuy ít được chú ý song hết sức quan trọng cho dài hạn. Đó là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ mới như Samsung, LG, Intel, Hồng Hải… với nhiều tiềm năng giúp Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu, cải thiện chất lượng công nghệ và nhân lực, dần bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó là tín hiệu vui từ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Năm 2013 ước tính xuất khẩu đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Năm 2013 cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Tính chung cả năm nay, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Tuy vậy, vị thế xuất siêu cũng chỉ là tạm thời, một phần cũng do tổng cầu, sức mua yếu bởi xét về cơ cấu, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu. Ngoài ra, giá trị hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn chưa cao, các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu… vẫn chủ yếu xuất thô, tỷ trọng mặt hàng đã tinh chế vẫn còn hạn chế.

Gam màu tối lộ rõ khi khó khăn vẫn bủa vây những “hạt nhân” chủ lực của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng nhanh từng ngày. Ước tính đã có gần 61 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 vì do gặp nhiều khó khăn.

Thị trường tài chính - ngân hàng vẫn còn ngổn ngang trong quá trình tái cơ cấu. Mặc dù cơ bản đã xử lý xong phương án tái cơ cấu của 9 ngân hàng yếu kém nhất nhưng còn đó nhiều TCTD vẫn chưa thật “khỏe mạnh”, còn tiếp tục phải cơ cấu lại. Bên cạnh đó, nợ xấu chưa giải quyết vẫn sẽ là rào cản cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính và hồi phục kinh tế.

Những yếu tố tiêu cực trên đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 và đặt nền kinh tế năm 2014 trước nhiều thách thức và vô vàn việc phải làm để có thể hoàn thành mục tiêu phục hồi và tăng trưởng.

Năm 2014 - nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2013, dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, với mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đã đề ra, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu được thông qua gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,8%, lạm phát giữ nguyên 7%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%…

Bên cạnh đó, một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2014 cần được đảm bảo: cân đối lao động và việc làm; cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước; cân đối vốn đầu tư phát triển; cân đối xuất nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế; cân đối về điện và lương thực.

Tuy vậy, với những gam màu tối trong bức tranh kinh tế năm 2013, những mục tiêu trên sẽ gặp nhiều thách thức. Đó là nền kinh tế vẫn đang suy giảm, GDP đánh mất tốc độ 7-8% trong nhiều năm trước. Các chính sách điều hành còn có độ trễ và không phải đều phát huy hiệu quả kịp thời, đặc biệt là dung hòa giữa lợi ích giữa tăng trưởng và lạm phát. Đi cùng với tăng trưởng suy giảm là những khó khăn lớn khác mà hiện nước ta đang phải đối mặt, đó là tồn kho, nợ xấu và các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Diễn biến quy luật kinh tế cho thấy, sau một thời gian tăng trưởng nóng, xu hướng rơi vào khủng hoảng, suy thoái sẽ xảy ra. Điều này sẽ gây nhiều hệ lụy cho an sinh xã hội và suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, trong giai đoạn này, nước ta cần tập trung củng cố năng lực nội tại cho nền kinh tế thông qua các biện pháp cụ thể như thực thi chương trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng đến cơ cấu tăng trưởng, bảo đảm ưu tiên cho các lĩnh vực tạo nhiều việc làm và trực tiếp sản xuất vật chất, ưu tiêu giải quyết nợ xấu, tăng hiệu quả đầu tư công… sẽ là tiền đề cho phát triển bền vững cho năm 2014 và các năm sau này.

Thành Trung