Vietstar tiếp tục xin duyệt cấp giấy phép bay

15:23 | 05/05/2017

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công ty TNHH Một thành viên Hàng không Vietstar (Vietstar) - doanh nghiệp thành lập vào tháng 6/2016 - tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo văn bản của Vietstar gửi Chính phủ, hãng hàng không này đã giảm số lượng tàu bay từ 23 chiếc đến năm 2021 xuống còn 10 chiếc. Trong đó, số lượng tàu bay đậu tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2017-2020 chỉ có 5 chiếc. Các hangar (nhà để tàu bay) bảo dưỡng tàu bay tại Tân Sơn Nhất của Công ty CP Kỹ thuật Hàng không Ngôi Sao Việt (đơn vị cùng tập đoàn với Vietstar) có thể cho phép cả 5 tàu bay của Vietstar đậu qua đêm bên trong vào những thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ tàu bay.

Hãng hàng không Vietstar cho hay, văn bản của Cục Hàng không Việt Nam xác nhận Vietstar đã điều chỉnh kế hoạch khai thác và phương án đảm bảo tàu bay khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng của hạ tầng Cảng Hàng không Việt Nam.

vietstar tiep tuc xin duyet cap giay phep bay
Sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh minh họa.

Theo ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Hàng không Vietstar, với cơ sở hiện có là 2 hangar tại Tân Sơn Nhất có thể chứa được 5 tàu bay A320/321 và B737, kế hoạch khai thác 5 tàu bay của Vietstar với 5 tàu bay đỗ qua đêm tại Tân Sơn Nhất là khả thi.

Trong giai đoạn từ năm 2018-2021, ông Phạm Trịnh Phương cho rằng, Vietstar có kế hoạch khai thác 10 tàu bay, trong đó 5 tàu bay sẽ được đỗ qua đêm tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và 5 tàu bay đỗ tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là phù hợp với kế hoạch phát triển về cơ sở hạ tầng của hai cảng này.

Dù thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây, nhưng ông Phạm Trịnh Phương vẫn cho rằng, mức độ công cộng hóa vận tải hàng không của Việt Nam mới bằng một nửa so với Thái Lan (lượng khách nội địa so với dân số).

Theo kế hoạch của Vietstar, hãng đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc-Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hiện 4 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách kết hợp với vận chuyển hàng hóa, chưa có hãng nào khai thác thị trường hàng hóa quốc tế, nội địa bằng tàu bay chuyên dụng. Do vậy, việc có một doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 7/4/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

T.M