Trăn trở Đồng bằng sông Cửu Long

09:16 | 28/09/2017

4,667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 7 năm, người dân vùng Đồng Tháp Mười lại đón chờ mùa nước nổi với những cánh đồng ngập nước và hứa hẹn những đàn cá, tôm từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.   

Cá tôm lặn mất tăm

Những ngày cuối tháng 8 chúng tôi về vùng Đồng Tháp Mười chứng kiến cuộc sống của người dân mùa nước nổi. Nói đến vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nói chung mà đặc biệt là huyện Hồng Ngự được xem là “cửa ngõ” của dòng nước đổ về từ thượng nguồn của sông Mê Kông. Từ TP Cao Lãnh, chúng tôi đi theo tuyến Quốc lộ 30 về đến huyện Hồng Ngự.

Đặt chân đến Hồng Ngự, hai bên đường ruộng lúa ngập nước mang theo phù sa từ phía thượng nguồn đang dần tích tụ. Đi xe máy thêm 20km, chúng tôi đến xã Thường Thới Hậu B. Cuộc sống của người dân vẫn êm đềm trôi như con nước dâng. Ông Đỗ Văn Kỷ (ngụ ấp Bình Hòa Thượng) kể, gia đình ông có 2 người con và đang đi làm xa nhà. Ông cùng vợ ở lại quê bám ruộng sinh sống.

tran tro do ng ba ng song cu u long
Ông Đỗ Văn Kỷ, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự dỡ lưới nhưng không một con cá nào dính lưới

Khi nước lớn, ông làm lưới giăng, đặt đú và dếnh để bắt cá. Năm nay, biết được chủ trương mở đê để nước tràn vào đồng khiến vợ chồng khấp khởi vui mừng. Ông trang bị 5 tay lưới, mỗi tay lưới dài 90m. Tổng cộng, ông Kỷ có đến 450m lưới. Đều đặn mỗi ngày, gà gáy đầu canh 5, ông lấy ghe ra lưới thăm cá. Theo lẽ tự nhiên, nước nổi là tôm cá kéo về theo con nước mang những hạt phù sa vào ruộng. Nhưng năm nay ông Kỷ bất ngờ với sự khác thường, cá tôm “lặn tăm” chỉ vài dăm con cá bé.

Ông Kỷ dỡ hết 450m lưới nhưng chỉ được khoảng 1kg. Vợ ông mang ra chợ bán khoảng 25 ngàn đồng và để lại vài con kho ăn cho qua bữa. Ông Kỷ tự an ủi vợ và bản thân: “Người ta làm 1.000m lưới còn không có con nào, mình được 1kg cá đã là may rồi”. Cùng thời điểm này năm trước, ông Kỷ phải kiếm được vài kilôgam cá mỗi ngày. “Năm nay có lẽ trời không thương”, ông Kỷ tặc lưỡi.

Câu chuyện ông Kỷ chỉ là một hộ nông dân nhỏ lẻ đã đành, nhưng với ông Nguyễn Văn Kiệt, chủ ghe ở tổ 7, ấp Bình Hòa Thượng lại khác. Ông Kiệt đầu tư hàng trăm triệu đồng để đặt bè trên dòng sông Sở Thượng (đoạn tiếp giáp khu vực biên giới Campuchia). Cần phải nói thêm, sông Sở Thượng là nhánh sông Mê Kông, nổi tiếng đánh bắt được nhiều cá nhất của xã Thường Thới Hậu B.

Ông Kiệt xuống bè đã hơn 1 tháng. Mà nếu muốn đặt bè, người dân phải qua đấu giá với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Bè của ông Kiệt có hơn 10 miệng lưới. Hơn 1 tháng đặt miệng đáy, ông Kiệt không thu về được con cá nào. Lúc mới xuống bè, ông thuê 5 nhân công, nhưng nay chỉ thuê 1 người để trông giữ bè.

Còn ai nhớ đến “mùa cá linh”

Đối với người nông dân vùng lũ, cá linh là một đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng mỗi khi mùa nước lũ tràn về. Ngoài món lẩu cá linh nấu bông điên điển làm tăng hương vị sống của bà con, thì cá linh còn có thể dùng để chế biến các món ăn thuần túy khác.

Nhắc đến cá linh thì món nước mắm đặc sản cá linh nức tiếng cả nước hàng chục năm qua. Món mắm cá linh cũng là một sản phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Nguồn cá linh giảm sút, những đặc sản hương đồng nội như: nước mắm, nắm cá linh lại đứng trước tình cảnh khó khăn. Cuộc sống người dân sống dựa vào nguồn cá tôm ít nhiều có sự thay đổi.

Ông Lê Văn Huy, Trưởng ấp Bình Hòa Thượng phân tích, đàn cá linh thường về theo dòng nước lũ từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Thời điểm này năm ngoái, cá linh non và cá linh già về nhiều nên nghề của bà con diễn ra thuận lợi. Nhiều người dám đầu tư mạnh để làm bè, đấu thầu đặt đáy cá linh lên đến hàng trăm triệu, có khi hàng tỉ đồng.

Nhưng năm nay, nếu cá không về chắc chắn thu nhập của người dân sẽ giảm, thậm chí lỗ nặng. Ước tính của người dân, mỗi giàn đáy kéo phải thu về hàng trăm tấn cá linh/ngày. Người đánh bắt cá linh gặp khó khăn, lượng cá về ít nên chỉ thu được khoảng vài tấn/ngày. Theo con nước lũ đầu mùa, người dân đánh bắt cá linh non là chính. Đến khoảng tháng 11 âm lịch, đàn cá linh bé xíu sinh trưởng trong dòng nước sẽ lớn dần. Bởi thế, người dân nuôi hy vọng đánh bắt cá linh vào cuối mùa lũ.

Những hướng đi mới

Nhiều xã trên địa bàn huyện Hồng Ngự có hộ nghèo đứng ở mức cao. Lãnh đạo huyện và xã đã có những bước chuyển đổi ngành nghề cho bà con giúp họ cải thiện và thoát nghèo trong cuộc sống. Nhiều mô hình, những hướng đi mới cho người dân vùng lũ không còn phụ thuộc nhiều vào con nước.

Ông Huỳnh Văn Rồi, Phó chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B trăn trở, nếu tính theo chuẩn nghèo mới, toàn xã có đến 24,3% số hộ nằm trong diện nghèo. Người dân trên địa bàn sống chủ yếu vẫn bằng nghề làm lúa và đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi. Những ngày đầu tháng 8, nước lũ dâng cao, nhiều hộ dân có đất vẫn “bám ruộng” và chuyển đổi cơ cấu từ cây trồng sang thủy sản. Nhiều hộ không có đất đã tìm đến những nơi khác để sinh sống.

Một số ít hộ chịu đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản, đặc biệt là con tôm càng xanh. Lãnh đạo xã mong muốn và tạo mọi điều kiện để người dân phát triển các ngành nghề thủy sản trên địa bàn. Ông Rồi kể, mấy tháng qua, người dân ở xã Thường Thới Hậu B đã thả được 7ha tôm càng xanh, giả giống lên đến 300.000 con.

Xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) có hơn 17.000 nhân khẩu nhưng có gần 8.200 người làm việc ngoài tỉnh, chiếm 67,41% và số nhân khẩu còn lại là 32,59% phụ thuộc vào nghề nông.

tran tro do ng ba ng song cu u long
Người dân ở vùng Đồng Tháp Mười đan lưới để đánh bắt cá mùa nước nổi

Huyện Hồng Ngự cũng đã thực hiện chủ trương đưa người dân đi xuất khẩu lao động ở một số nước trên thế giới. Nhiều người dân đã ý thức được vấn đề chuyển đổi ngành nghề và giảm bớt phụ thuộc vào nông nghiệp. Hằng năm, lãnh đạo xã Thường Thới Tiền cũng đã đưa khoảng 12 người đi xuất khẩu lao động để có cơ hội đổi đời. Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền lý giải, việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân do tình hình cơ giới hóa nông nghiệp đang có sự thay đổi.

Nếu như trước đây, người dân phải thuê nhân công để cắt lúa bằng tay thì nay, máy móc được đưa vào vận hành để thay thế. Người dân dùng máy gặt thay cho lao động chân tay.

Nên duy trì “mùa nước nổi”

Trò chuyện với Phóng viên Báo Năng lượng Mới, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận xét, cá tôm mùa này có được phải dựa vào lượng cá tôm mùa trước. Hơn 6 năm qua, lượng cá bị suy giảm chưa gây dựng lại được. Theo tài liệu nghiên cứu, tỷ lệ cá tôm có được theo tỷ lệ thuận với mực nước lũ theo điều kiện tự nhiên trước đây.

Từ 2011 đến nay, mực nước liên tục thấp nên lượng cá tôm ít và lượng cá tôm về ít hơn. Năm nay, lũ xuất hiện trở lại thì lượng cá tôm cũng chưa kịp phát triển theo con nước. Còn nếu xả lũ 2-3 năm liên tục thì lượng cá tôm sẽ có điều kiện sinh sôi, phát triển hơn. Ngoài ra cũng có những nguyên nhân khác như đánh bắt quá mức hơn bình thường, suy giảm môi trường. Nói về ảnh hưởng bởi thủy điện ở đầu nguồn sông Mê Kông thì chưa có khẳng định chắc chắn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp phân tích, cá tôm có chu kỳ sinh sôi nảy nở. Thường thời điểm này, tôm cá về nhiều. Nhưng mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) vẫn chưa phải là đỉnh lũ. Mực nước tràn bờ là do lượng mưa bão từ miền Trung đưa qua thượng Lào rồi xuống vùng Đồng Tháp Mười nên chưa có cá, tôm. Điều đặc biệt, nếu đúng vào mùa nước nổi phải xuất hiện có cá, tôm. Cách đây không lâu, các cơn bão từ miền Trung đổ về thượng Lào và trung Lào thì khoảng 4 ngày sau, vùng Đồng Tháp Mười nước lên. Do đó, mùa nước nổi ở vùng Đồng Tháp Mười tôm cá chưa về kịp cũng là hiển nhiên.

Thạc sĩ Thiện nêu quan điểm, sau nhiều năm thiếu vắng lũ, đây là cơ hội rất lớn để xả lũ vào đồng ruộng để lấy phù sa, thủy sản vào để làm tươi mới cánh đồng sau hơn 6 năm. Cơ hội này không nên bỏ qua. Vẫn biết là khi “ngắt vụ”, tức chỉ gieo trồng lúa 2 vụ nhưng những vụ sau, chi phí người dân trồng lúa sẽ giảm nhiều và có lợi nhuận nhiều hơn.

tran tro do ng ba ng song cu u long
Sông Sở Thượng, một nhánh sông Mê Kông được biết đến với lượng cá tôm về nhiều vào mùa nước nổi

“Có điều lạ, năm nay, nhiều dự đoán được đưa ra là lũ sẽ lên cao nhưng diện tích trồng lúa vụ 3 tăng lên 820.000ha, cao nhất trong các năm. Đây là một nghịch lý và đi ngược với diễn biến của thiên nhiên”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng diện tích lúa vụ 3 lên để bù vào thiệt hại của những năm trước. Thạc sĩ Thiện đưa ra hàng loạt các câu hỏi: Năm trước hạn nặng gây mất mùa ở các vùng ven biển, năm nay bắt người dân trồng tăng bù lúa ở vùng trong, vùng đầu nguồn sông Mê Kông, vậy tăng diện tích trồng lúa để “bù cho ai”?

Lâu lắm rồi, lũ chưa về để ngập các cánh đồng lúa, năm nay lũ về như sự “ngóng trông” của người dân vùng ĐBSCL, lẽ ra phải là tin vui. Câu hỏi lớn nhất, người dân vùng ĐBSCL nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng đang thiếu nợ ai để phải trồng lúa bù cho lượng mất mùa vào năm ngoái?

Cứu ĐBSCL khỏi bị “lão hóa”

Vấn đề đáng suy nghĩ, ĐBSCL là vùng đất được xem là màu mỡ nhất thế giới nhưng người dân phải bỏ đi và đến các nơi khác để sinh sống. Nguyên nhân lớn nhất, việc canh tác lúa vụ 3 làm cho đất đai suy kiệt và chi phí tăng lên.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ: “Lâu nay chúng ta thường rất “hồ hởi, phấn khởi” về tổng sản lượng lúa vùng ĐBSCL tăng trưởng cao nhưng chưa có số liệu thống kê nào nói về chi phí người dân phải đầu tư trồng lúa là bao nhiêu? Một thực tế, chi phí người dân đầu tư trồng lúa hiện nay gần sát với thu nhập cuối vụ. Có một tiến sĩ ở Đại học Cần Thơ đã làm bài toán và chỉ ra rằng làm lúa vụ 3 trong 15 năm qua, người nông dân và Nhà nước cùng bị thiệt hại đến hơn 47,8 triệu đồng/ha, tính luôn cả chi phí làm đê ngăn nước. Vậy cuối cùng, càng làm lúa vụ 3 thì Nhà nước và người dân đều chịu thiệt, chỉ có lợi cho một nhóm người. Nhóm lợi ích có thể được kể đến, gồm: Những người buôn bán xuất khẩu gạo, phân bón và thuốc trừ sâu…

Thạc sĩ Thiện cảnh báo, nếu chúng ta cứ say mê thành tích xuất khẩu lúa gạo giá rẻ thì có nguy cơ sẽ không còn những cánh đồng, người dân không thể thoát nghèo và về lâu dài “an ninh lương thực quốc gia” sẽ bị đe dọa do ruộng bị cằn cỗi.

Giáo sư Võ Tòng Xuân lập luận, vùng Đồng Tháp Mười đã có chủ trương xả lũ ngay từ đầu mùa lũ sau hè thu là việc làm khoa học. Chính sách muốn có nhiều lúa nên bắt trồng lúa gạo quanh năm, đất không được “nghỉ ngơi” sẽ càng ngày càng chai sần, ô nhiễm môi trường. Việc xả lũ vào bên trong để làm trong sạch môi trường. Trước đây làm lúa 3 vụ thì nay chỉ còn 2 vụ sẽ đưa đến nhiều lợi ích.

Nói về chính sách phát triển cây lúa nước và kinh tế ĐBSCL, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đánh giá cao Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng giữa các địa phương. Hiện giờ, các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên đang thực hiện Quyết định 593 là rất kịp thời và nếu làm tốt sẽ cứu được ĐBSCL đang bị “lão hóa”. Lãnh đạo của các tỉnh vùng ĐBSCL đã hiểu vấn đề và đưa ra tầm nhìn cho 20 năm tới sẽ cắt giảm vụ lúa, không làm 3 vụ nữa và chỉ còn 2 vụ chất lượng.

Thạc sĩ Thiện ủng hộ: “Tôi cho là hướng đi đã có hy vọng nhưng đã lỡ đi vào con đường lúa 3 vụ và “quay đầu” về làm lại lúa 2 vụ lại rất khó. Quá trình chuyển đổi cũng lại gặp nhiều khó khăn nhưng cũng phải làm và làm bằng được”.

tran tro do ng ba ng song cu u long

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Thời gian gần đây, Nhà nước có chủ trương bỏ bớt 1 vụ lúa để mùa nước lũ thả nước vào đồng bồi đắp phù sa như trước đây. Đến khi lũ rút đi sẽ bắt đầu gieo trồng mùa vụ Đông Xuân. Khi xả lũ vào để lấy phù sa, nhiều hộ dân làm cá, nhưng không có cá thì đi làm thêm các công việc khác để sinh sống. Chắc chắn, mùa vụ Đông Xuân, người dân sẽ lại trở về với ruộng đồng.

Đưa người dân đi xuất khẩu lao động nhằm khuyến khích công ăn, việc làm, giúp việc nhà, làm ở các khu công nghiệp ở một số nước trên thế giới là việc nên làm. Đây là chủ trương lớn, nên và phải cần khuyến khích. Lực lượng xuất khẩu lao động ở ĐBSCL có 2 nhóm: Nhóm phụ việc trong các nhà máy có tay nghề và những người làm nông nghiệp xuất khẩu lao động không cần tay nghề.

Hưng Long