Thôi đừng bất nhẫn với lịch sử!

09:36 | 10/11/2015

10,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc lồng ghép môn lịch sử vào cách dạy tích hợp và đưa môn này trở thành môn tự chọn ở cấp THPT trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT TT) của Bộ GD&ĐT đã khiến nhiều người cho rằng: Hành động này chẳng khác nào cố ý “khai tử” môn học mà bấy lâu đã rất nhiều học sinh… quay lưng.  

Ngay từ khi công bố, Dự thảo chương trình GDPT TT đã gặp nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.

Mặc dù Bộ GD&ĐT tự tin rằng có tham khảo hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới nhưng nhiều ý kiến cho rằng chương trình GDPT TT mà Bộ xây dựng chưa thực sự ứng dụng vào nền giáo dục của Việt Nam. Bởi chưa đề cập đến những vấn đề căn bản của việc đổi mới là lấy học sinh làm trung tâm.

Nhưng xin chưa bàn đến những nội dung khác, chỉ riêng việc xếp Lịch sử vào tổ hợp môn học tự chọn, rồi được dạy tích hợp trong chương trình GDPT TT của Bộ, đã khiến nhiều người cho rằng: Hành động này chẳng khác nào cố ý “khai tử” môn học này.

thoi dung bat nhan voi lich su
GS. Phan Huy Lê

Phản ứng gay gắt ngay từ những ngày đầu khi biết Lịch sử bị xếp vào môn học tự chọn, GS. Phan Huy Lê vẫn phải thốt lên: Bộ GD&ĐT luôn luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn lịch sử mà hơn thế nữa rất coi trọng môn lịch sử. Nhưng mà trên thực tế, bằng cách xây dựng chương trình như hiện nay, tức là đưa môn lịch sử vào các môn tích hợp thì đã không còn môn… lịch sử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng sốt ruột: Bộ GD&ĐT luôn lập luận không bỏ môn lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích: Mặc dù có nhiều lý do để dẫn đến tình cảnh này nhưng lẽ ra, thay vì Bộ GD&ĐT phải tăng cường cải thiện tình hình, khắc phục hạn chế để thúc đẩy môn lịch sử thì nay lại chủ trương thay đổi bằng một phương thức hoàn toàn mới…

Những lo lắng này không phải không có cơ sở. Bởi lẽ, bấy lâu môn Sử đứng độc lập trong chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học mà còn bị quay lưng thì liệu rằng khi được dạy tích hợp, lại còn được tự chọn… thì còn bi thảm đến đâu?

Điểm lại những “nỗi buồn” mang tên học lịch sử, có thể thấy liên tục trong nhiều năm trở lại đây toàn những câu chuyện cười ra nước mắt.

Thứ nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu buộc phải thi Sử thì điểm thi môn này rất thấp.

Điển hình trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2007 – kỳ thi đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện kỳ thi “Hai không”, đã có hàng ngàn bài thi bị điểm 0 môn Lịch sử, cùng với đó là sự ngây ngô trong kiến thức của những học sinh đã 12 năm ngồi trên ghế nhà trường.

Bi đát nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2014-2015, khi Bộ GD&ĐT quyết định Lich sử là môn thi tự chọn thì nhiều trường THPT không có học sinh nào đăng ký môn Sử, nhiều hội đồng coi thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử.

Gần đây nhất là kỳ thi THPT Quốc gia 2015, tình trạng đau lòng bị lặp lại với chỉ 153.600 thí sinh đăng ký dự thi môn Sử, chiếm 15,3%  tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước.

thoi dung bat nhan voi lich su
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Thứ 2, liên tục trong các năm, số lượng học sinh đăng ký học khối C giảm mạnh. Các khoa Sử của các trường thuộc khối xã hội gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh khi rất ít thí sinh đăng ký thi và học.

Chưa kể đến trong các bài thi, chương trình thực tế, giới trẻ nhầm lẫn trầm trọng về các nhân vật lịch sử. Tình trạng xuyên tạc, bóp méo thậm chí còn… viết lại lịch sử. Thế nên, khi biết môn Sử bị xếp vào môn tự chọn trong Dự thảo chương trình GDPT TT cả xã hội đã phẫn nộ.

Một điều phải khẳng định là tích hợp là một khuynh hướng của nền giáo dục hiện đại. Thế nhưng dạy tích hợp như thế nào, chứ không phải cắt vụn rồi ghép với các môn học khác?

Cách mà các nhà soạn thảo chương trình GDPT TT đang làm là xếp Lịch sử vào môn học tích hợp gồm: An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân và Lịch sử thành môn Công dân với Tổ quốc.

Theo nhiều chuyên gia thì chúng chẳng ăn nhập gì với nhau. Cảm tưởng như đây chỉ là ghép tên mà không đi sâu vào bản chất. Một cách làm kỳ lạ mà theo GS. Phan Huy Lê thì: “Nền giáo dục Việt Nam cũng như thế giới chưa bao giờ có”.

Không rõ môn Lịch sử có được coi trọng trong nền giáo dục của hơn 40 quốc gia mà Bộ GD& ĐT tham khảo cho Dự thảo chương trình GDPT TT hay không? Nhưng trước nay, Lịch sử luôn là một môn học được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam, đóng vai trò lớn trong việc giáo dục tình yêu nước của thế hệ trẻ.

thoi dung bat nhan voi lich su
Môn Sử sẽ được dạy tích hợp trong chương trình GDPT Tổng thể

Phải khẳng định, ngày nay thì học Lịch sử càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi mà hiểu biết của thế hệ trẻ về sử Việt đang dễ dàng bị “xâm hại”.

Bởi những nguồn tin tức không chính thống, bởi thế lực thù địch chỉ nhăm nhe xuyên tạc sử Việt với những trang web xấu, bởi mạng xã hội nở rộ, việc tiếp cận với những thông tin không chính thống càng dễ dàng... Thế thì điều gì sẽ xảy ra nếu lớp trẻ không nắm vững kiến thức lịch sử?

Và rõ ràng, trong khi nhà nhà kêu gọi lớp trẻ học Sử, người người mong muốn lớp trẻ yêu Sử… thì Bộ GD&ĐT đang làm gì?

Thêm nữa, cái cách mà Bộ GD&ĐT đang làm cũng thật khó để được công chúng cảm thông. Bởi chương trình GDPT TT có vai trò lớn, thay đổi cả một quy trình dạy và học của các cấp. Nhưng lại được vạch ra một cách sơ sài.

Các khâu quan trọng như bắt đầu từ đâu? Sách giáo khoa được biên soạn ra sao? Các thầy cô có đảm bảo được kiến thức để dạy tích hợp hay không thì cũng chưa ai được rõ… Còn quá nhiều thắc mắc đối với Dự thảo này!

Nhiều ngày qua, Dự thảo Chương trình GDPT TT, Bộ GD&ĐT đã nhận được khá nhiều các chuyên gia, giáo viên tâm huyết với nền giáo dục đóng góp ý kiến.

Hàng trăm ý kiến đóng góp cho dự thảo, có người cho rằng: Cần phải để môn Sử là một môn độc lập, dạy tích hợp thì phải bắt đầu từ giáo viên, chương trình GDPT TT cần đặc biệt lưu ý về vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, việc cần thiết phải quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường…

Rõ ràng chuyển hướng và đổi mới giáo dục đang là một nhiệm vụ rất nặng nề.

Thế nhưng, không phải vì thế mà nóng vội. Đổi mới là điều cần thiết nhưng phải trên lộ trình. Bởi trước nay, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần “hô to” đổi mới, thế nhưng đổi chẳng được là bao mà càng giẫm chân vào bùn lầy.

Thiết nghĩ, Chương trình GDPT TT lần này, cần làm theo quy trình, sau khi trưng cầu ý kiến của xã hội, dự thảo này cần được đưa ra Quốc hội thảo luận!

Huy An