Sợ Nga-Mỹ, phe Thánh chiến Syria đổi tên và từ bỏ lý tưởng

17:25 | 26/07/2016

2,581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhóm Thánh chiến số 1 tại chiến trường Syria, Jabhat al-Nusra (JN) tuyên bố từ bỏ liên hệ với al-Qaeda và đổi tên sang Jabhat Fateh al-Sham, trong bối cảnh Nga-Mỹ đang tiến dần tới thỏa thuận xóa sổ nhóm này. 
tin nhap 20160726172252
Các chiến binh Jabhat al-Nusra

Trong một thông báo đăng trên trang mạng xã hội của mình, Jabhat al-Nusra thông báo từ bỏ Al-Qaeda và đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nga và Mỹ vài tuần qua liên tục bàn bạc về khả năng lập phòng tác chiến hỗn hợp để không kích tổ chức Thánh chiến này mặc dù 2 bên vẫn còn bất đồng.

Hôm 23/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiết lộ nội dung cuộc nói chuyện của ông với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moskva về vấn đề Syria.

Trong chuyến thăm Moskva tuần trước, Ngoại trưởng Kerry đã đưa ra một vài điều kiện để hợp tác với Nga tại Syria, trong đó vẫn có việc buộc Tổng thống Bashar Assad phải từ chức.

“Họ nói muốn cùng chúng tôi chống khủng bố, tuy nhiên Moskva phải đồng ý để ông Assad từ chức. Ông Kerry cho rằng, Tổng thống Assad đang không nhận được sự ủng hộ từ người dân trên cả nước”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay.

Đề nghị từ phía Mỹ không có gì khác biệt so với những tuyên bố trước đây và đương nhiên nó không nhận được sự chấp thuận từ phía Nga. Kết thúc chuyến thăm vào hôm 15/7, ông Kerry cũng chỉ cho biết, đã có nhiều sự thấu hiểu hơn giữa Moskva và Washington để đưa tiến trình hòa bình đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều phải làm để nó trở thành sự thực.

Các nhà quan sát cho rằng việc đổi tên này chỉ là “trò trẻ con”. Và vấn đề chỉ đơn giản là Mỹ có định diệt nhóm thánh chiến này hay không mà thôi.

Tình hình mới nhất tại Syria cho thấy trong 30 ngày qua, lực lượng Liên minh các nhóm chiến binh bị quân đội Syria phá hủy khoảng 40 trang thiết bị quân sự hạng nặng, tiêu diệt hơn 300 chiến binh trong các trận chiến tại Aleppo.

Đối với quân nổi dậy Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà bảo trợ chính, nếu không nói là quan trọng nhất. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành có thể khiến Chính quyền Ankara xao nhãng với cuộc xung đột tại Syria. Đối với phe nổi loạn, tai họa này diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn: Hiện tại, họ đang phải phụ thuộc nhiều vào không lực của Thổ Nhĩ Kỳ để chống cự trước các đòn tấn công của quân chính phủ.

Phe nổi dậy chống sự cai trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tiếp tục dựa vào sự viện trợ của các nước trong và ngoài khu vực, song trong bối cảnh Washington đang thay đổi chính sách và Ankara đang bận tâm vào vấn đề đối nội, sự trợ giúp của bên ngoài có nguy cơ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực, phe nổi dậy khó có thể duy trì được đà chiến đấu tại nhiều vùng ở phía Bắc Syria vì nguồn lực có hạn của họ sẽ phải được đặt ưu tiên cho việc bảo vệ những khu vực trọng yếu đang có nguy cơ thất thủ trước các cuộc tấn công của lực lượng thân chính phủ. Phải đối diện với sự hỗ trợ thất thường từ bên ngoài, trong khi lực lượng thân chính phủ vẫn được hậu thuẫn tích cực, rõ ràng những tháng tới sẽ vô vùng đen tối đối với phe nổi dậy ở Syria.

Th.Long

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc