Đại học Hoa Sen kiên định con đường giáo dục không vì lợi nhuận

11:39 | 19/03/2015

2,442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là khẳng định của Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu nhà trường, thành viên góp vốn, cổ đông trong buổi gặp mặt “Hoa Sen tri ân cộng đồng” 2015, sau bao thăng trầm trong năm 2014. Đó cũng là niềm tin của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhiều giảng viên đã về hưu, trí thức Việt kiều dành cho Đại học Hoa Sen (ĐHHS).

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Hàng Không, ĐH Bách Khoa TPHCM):

Cho tới nay, tôi vẫn còn giữ những tài liệu về quá trình thành lập trường Hoa Sen (1991). Chọn lựa theo cơ chế không vì lợi nhuận (KVLN) đã giúp trường nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, từ Nhà nước trong suốt thời gian từ ngày thành lập đến nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Trường có một vài thành viên chủ trương lái trường theo hướng vì lợi nhuận, chủ trương chia lợi nhuận cao thì không phù hợp với tôn chỉ từ đầu của nhà trường.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống

Trong số các cổ đông, nhiều cổ đông vì giáo dục mà đầu tư vào trường, dĩ nhiên là họ ủng hộ KVLN. Tuy nhiên, đối với những cổ đông có ý hướng vì lợi nhuận thì cũng cần có giải pháp, nếu họ không chung chí hướng tất cả vì giáo dục thì Trường nên xem xét sử dụng quỹ phát triển giáo dục của nhà trường thương lượng để mua lại cổ phần của họ với giá cao hơn thực tế một chút, như vậy vừa bảo đảm quyền lợi của họ, cũng vừa bảo đảm tiếp tục duy trì đường hướng KVLN của nhà trường.

Trước tới nay luật của nước ta hầu như không có chỗ cho phi lợi nhuận, nay đã có sự điều chỉnh. Tôi giảng dạy cho chương trình kinh tế Fullbright ngay từ đầu, và tôi nghĩ tại sao lại nói Đại học Fullbright là đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, trong khi Hoa Sen đã nỗ lực thực hiện cơ chế phi lợi nhuận từ ngày thành lập đến nay? Theo tôi, Hoa Sen xứng đáng là trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Chúng ta phải tự hào rằng trong nước đã có trường phi lợi nhuận chứ không phải đợi ĐH Fullbright mới là trường phi lợi nhuận.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (nguyên GS Đại học Liège – Vương quốc Bỉ):  Tôi có 40 năm giảng dạy đại học tại Bỉ, nay tôi về hưu và hồi hương. Tôi cũng là một cổ đông của Hoa Sen. Tôi có một vài góp ý sau:

GS Nguyễn Đăng Hưng

Thời gian qua, Hoa Sen đã khẳng định quy chế không KVLN trong sóng gió. Theo tôi, Hoa Sen cần sớm thiết lập thể chế mới, theo quy định của luật pháp hiện hành. Tất cả các quy chế của trường ngày càng phải rõ ràng hơn, cởi mở hơn. Cần bảo tồn những gì từ lịch sử của Nhà trường và thực hiện theo những quy định mới của pháp luật.

Trường Hoa Sen đã xây dựng được uy tín trong giới đại học Việt Nam. Trường cần mở thêm những ngành nghề mà bản chất của nó đòi hỏi đầu tư nhiều, đặc biệt là các ngành kỹ thuật. Có thể những ngành kỹ thuật phải tốn rất nhiều công sức và tài chính nhưng lại có đóng góp lớn cho xã hội. Qua đó cũng là thể hiện tính chất phi lợi nhuận của nhà trường.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM):

Tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng và những gì ĐHHS đã thực hiện. Trường chúng ta là trường từ cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Điều này cần phải được phổ biến rộng rãi để dân biết. Khi người dân biết thì mới yêu và ủng hộ.

Trong quy chế tổ chức hoạt động cần thể hiện rõ cơ chế minh bạch. Nên có những hội nghị thường niên, trong đó công khai mọi số liệu đến mức có thể. Điều này các trường KVLN trên thế giới đều đã làm.

Cần sớm củng cố HĐQT, ngoài ra cần có một Unit (Ban) phụ trách công tác cộng đồng. Hội đồng quản trị và Unit này cần có kế hoạch hoạt động cụ thể. Trường Hoa Sen nhấn mạnh đến cộng đồng nên rất cần có Ban phụ trách mảng công tác gắn liền với cộng đồng. Cần có bộ phận chuyên trách.

HĐQT của Hoa Sen trong dự thảo quy chế rất “hiện đại” và giống với các trường lớn trên thế giới, trong đó có đầy đủ các thành phần, kể cả sinh viên. Rất hay, có tiếng nói của các bên liên quan. Đây là Hội đồng đầu tiên trong đất nước Việt Nam có các thành phần đa dạng như vậy.

Có thể Hoa Sen không thiên về đại học nghiên cứu. Theo tôi, ĐHHS thiên về ứng dụng, nghề nghiệp và như thế là sát với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng. Không nhất thiết phải là trường đại học nghiên cứu, miễn là Hoa Sen đào tạo ra những sinh viên chất lượng và đóng góp cho nhu cầu thật của xã hội.

PGS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM):

Thời gian qua tôi luôn dõi theo những bước đi của Hoa Sen. Tôi rất thán phục cách ứng xử của những người trong cuộc, đặc biệt là Luật sư Trần Văn Tạo (Chủ tịch HĐQT ĐHHS) và chị Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng ĐHHS). Tôi không có nhiều thông tin, nhưng tôi nghĩ vấn đề mới chỉ tạm lắng xuống. Chừng nào nhà đầu tư vẫn còn vươn tay chi phối trực tiếp vào mọi hoạt động của Trường thì chừng đó vẫn còn mầm mống xung đột.

Các ĐH lớn trên thế giới như Harvard, Yale,… đều là những trường đại học tư thục KVLN; họ có khối tài sản khổng lồ, có những nhà đầu tư lớn (cả vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) nhưng chẳng bao giờ có xung đột cả. Tại sao? Bởi vì họ không bao giờ đầu tư trực tiếp vào các trường mà thông qua một quỹ giáo dục. Bộ máy quản trị của Nhà trường chỉ làm việc với quỹ đó, mọi hoạt động đều minh bạch. Hội đồng quản lý quỹ là những người chuyên nghiệp. Quỹ đó có thể đứng ra ký hợp đồng với các nhà đầu tư: ai muốn đầu tư phi lợi nhuận, ai muốn đầu tư vì lợi nhuận… đều ký hợp đồng với quỹ đó, và Ban điều hành quỹ sẽ làm việc với các trường để đầu tư vào các trường. Hội đồng quản trị nhà trường chỉ làm việc với các quỹ đó thôi. Tức là có vách ngăn giữa nhà đầu tư với nhà quản lý giáo dục. Tách nhà đầu tư khỏi việc điều hành nhà trường.

Tôi cho rằng có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó với Hoa Sen và các trường Việt Nam. Phải làm sao tách được nhà đầu tư ra khỏi công việc điều hành trường đại học. Tôi rất tâm đắc và ủng hộ đường hướng của Hoa Sen. Không biết tôi có bi quan không, nhưng tôi nghĩ thời gian tới Hoa Sen vẫn sẽ còn gặp phải rất nhiều khó khăn trong đường hướng KVLN của mình.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, trí thức Việt kiều gặp mặt "Hoa Sen tri ân cộng đồng" 2015

GS Phan Văn Trường (Việt kiều Pháp):

Tôi không ở trong nước toàn thời gian nhưng có sinh hoạt với các doanh nghiệp lớn trong nước. Tôi được nghe các doanh nghiệp phản ánh rằng nhiều trường ĐH Việt Nam đào tạo ra những sinh viên không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp (DN). 

GS Phan Văn Trường

Tại sao các trường ĐH nước ngoài nhận được sự hỗ trợ lớn từ DN? Bởi họ gắn liền đào tạo sát với nhu cầu của DN. Có lẽ học sinh cũng cần hướng về nghệ thuật nhiều hơn một chút. Có dịp tiếp xúc tôi thấy sinh viên Hoa Sen rất cởi mở, rất hướng về nghệ thuật. Các DN lớn chi tiêu rất nhiều tiền để đào tạo cho nhân viên của mình thêm ở lĩnh vực này. Không chỉ ĐHHS mà tôi nghĩ rằng, nhiều trường ĐH, CĐ khác ở VN nên giao thiệp nhiều hơn với các DN lớn để hiểu rõ hơn DN đang cần những gì, không chỉ là kiến thức, học thuật mà còn cả nghệ thuật.

Ông Huỳnh Văn Sáu (Trưởng ban cán sự giáo dục và đào tạo, Liên đoàn Lao động TPHCM):

Thời gian qua, chúng tôi luôn theo dõi quá trình hoạt động KVLN của các trường, trong đó có ĐH Hoa Sen, tôi có một vài góp ý: Trước 1975, miền Bắc không có trường tư thục, miền Nam thì có nhưng nằm trong hệ thống chính trị, tôn giáo như ĐH Minh Đức, ĐH Vạn Hạnh, ĐH Cao Đài,… Sau năm 1990, Nhà nước mới chủ trương mở lại ĐH tư thục.

Trong khi các trường phi lợi nhuận trên thế giới có quá trình phát triển lâu dài cả thế kỷ thì chúng ta chỉ mới có mấy chục năm nên rất khỏ khăn. Bài toán mấu chốt là dung hòa quyền lợi của người góp vốn với định hướng KVLN.

Về ĐHHS, ngay từ đầu Trường đã đặt ra mục tiêu đúng đắn. Nhưng trong quá trình thực hiện cần có sự thống nhất, bàn bạc với những người đầu tư, cần có sự đồng thuận trong nội bộ thì chúng tôi tin tưởng rằng nhà trường sẽ là mô hình KVLN đầu tiên ở VN được nhiều trường khác học hỏi.

Ông Nguyễn Công Đức (thành viên góp vốn):

Có thể nói đây là giai đoạn chuyển tiếp của ĐHHS. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện dần mô hình PLN. Chính vì vậy không tránh khỏi những mâu thuẫn. Tôi thấy rất đáng tiếc là những cổ đông phản đối PLN là những người trước đây đã từng biểu quyết ủng hộ PLN của Hoa Sen. Trong môi trường giáo dục mà như vậy thì tôi thấy không ổn. Riêng tôi, tôi đã biểu quyết KVLN thì nay tôi vẫn theo đuổi mục đích này đến cùng.

Vấn đề còn lại, giờ đây chúng ta đã có luật pháp, có hành lang pháp lý thì việc của ĐHHS là cần thực hiện và thể hiện minh bạch các hoạt động của mình. Cần có những học bổng 100% để nhận những SV giỏi về cho trường. Đồng thời, hằng năm ĐHHS cần có cơ chế vinh danh những nhà đầu tư PLN vì họ là những người thực sự tâm huyết với mục đích giáo dục này.  

TS Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng ĐHHS):

Để Đại học Hoa Sen đủ sức đào tạo thế hệ trẻ xây dựng tương lai cho chính mình và đóng góp vào sự hình thành một xã hội bền vững và nhân bản, chúng tôi, những người làm giáo dục phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng rộng lớn hơn, đó là toàn xã hội.

TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐHHS phát biểu tri ân cộng đồng

Chúng tôi cần tìm đến và xây dựng và gìn giữ những nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức lớn hiện diện ở bên ngoài: đó là các nhà giáo dục, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ là thân hữu, cộng tác viên của ĐHHS. Họ giúp chúng tôi về mặt chiến lược quản trị, chiến lược nghiên cứu và giảng dạy, tầm nhìn dài hạn, kế hoạch vĩ mô, triết lý hoạt động. Họ cũng sẵn sàng đến với chúng tôi, hoặc chúng tôi mạnh dạn tìm đến họ để cùng nhau giải quyết những vấn đề đột xuất, những “bài toán khó” xuất hiện trong thường ngày và trong hoạt động ngắn hạn.

Tôi phải nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ vô giá mà chúng tôi có được trong năm qua thật ra vẫn thường xuyên được xã hội ưu ái ban cho chúng tôi ngay từ ngày thành lập. Do đó đã đến lúc chúng tôi cần thể hiện một cách có hệ thống hơn sự tri ân đối với cộng đồng và phải nâng tầm mục tiêu đóng góp cho cộng đồng trong chiến lược nhà trường. Đó là đào tạo những người trẻ, nguồn tài nguyên dồi dào quý giá của Việt Nam để họ không chỉ thành đạt mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một xã hội bền vững và nhân bản.

Thiên Thanh (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.